Giả mạo chữ ký chủ tịch tỉnh Gia Lai giao 392 ha đất rừng để khoe mẽ
UBND tỉnh Gia Lai vừa có văn bản đề nghị cơ quan công an điều tra vào cuộc làm rõ đối tượng phát tán văn bản giả mạo chính quyền địa phương cấp 392 ha đất rừng cho doanh nghiệp.
Làm giả văn bản, chữ ký của chủ tịch tỉnh Gia Lai
Những ngày qua, trên các trang mạng xã hội có đăng tải một quyết định của UBND tỉnh Gia Lai về việc giao 392 ha đất trồng rừng cho một doanh nghiệp.
Theo đó, quyết định này có số 1372/QĐ-UB ngày 29-6-2023 của UBND tỉnh về việc giao 392 ha đất trống đồi trọc tại tiểu khu 1393 và 1394, thuộc Lâm trường Nam Sông Ba (huyện Krông Pa) cho Công ty TNHH Nông nghiệp Thiên Phú Gia Lai (Mã số thuế: 5901199809. Địa chỉ: tổ 6, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa, Gia Lai) để sử dụng vào mục đích trồng, bảo vệ và phát triển rừng.
"Giao cho Công ty TNHH Nông nghiệp Thiên Phú Gia Lai, mã số doanh nghiệp 5901199809, 392 héc ta đất trống đồi trọc tại tiểu khu 1393 và 1394 thuộc Lâm trường Nam Sông Ba, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai để sử dụng vào mục đích trồng, bảo vệ và phát triển rừng", văn bản nêu.
Trong nội dung quyết định nêu rõ, thời hạn sử dụng rừng là 50 năm, kể từ ngày 29 tháng 6 năm 2023 đến ngày 29 tháng 6 năm 2073. Người được giao đất có trách nhiệm thực hiện việc quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng diện tích đất được giao đúng mục đích theo các quy định của pháp luật về đất đai và lâm nghiệp.
Liên quan đến vụ việc trên, nguồn tin của Báo Giao thông cho biết, ngày 14/1, bà Đào Thị Thúy Nga, đại diện Ban Giám đốc Công ty Thiên Phú Gia Lai đã có văn bản gửi UBND tỉnh Gia Lai thông tin về vụ việc trên.
Theo đó, văn bản của bà Nga cho biết, em trai bà Nguyễn Thành Duy (SN 2001) quản lý và điều hành công ty đã tự ý thực hiện giả mạo văn bản của chính quyền tỉnh Gia Lai, giả mạo chữ của Chủ tịch tỉnh Gia Lai ông Trương Hải Long.
"Vì làm màu với bạn bè em Nguyễn Thành Duy đã làm và scan con dấu của một văn bản khác vào văn bản mình soạn thảo, với mục đích khoe mẽ mình là người thành công và có quan hệ rộng, nên mới có sự việc đáng tiếc xảy ra.
Qua sự việc nêu trên tôi đại diện Ban Giám Đốc công ty Thiên Phú Gia Lai chân thành gửi lời xin lỗi đến Lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai, Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cùng các sở ban ngành, các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.
Tôi xin hứa sẽ không phát sinh sự việc như trên và sẽ làm việc tuân thủ theo pháp luật. Kính mong quý lãnh đạo UBND Tỉnh Gia Lai cùng các sở ban ngành cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương giúp đỡ, để công ty phát triển tạo công ăn việc làm cho địa phương góp phần phát triển kinh tế địa phương và của tỉnh nhà", văn bản nêu.
Yêu cầu cơ quan điều tra vào cuộc
Liên quan đến vụ làm giả giấy tờ có chữ ký của Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai trên, UBND tỉnh Gia Lai cho biết đã chỉ đạo cơ quan điều tra vào cuộc để làm rõ.
Trong diễn biến liên quan, ông Lưu Trung Nghĩa - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai khẳng định: "Trong năm 2023, Sở Nông nghiệp và PTNT không nhận được văn bản chỉ đạo nào từ UBND tỉnh về việc giao đất tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba cho doanh nghiệp trồng rừng".
Ông Nghĩa cho rằng: "Có thể đây là dạng làm giả quyết định nhằm mục đích khác nên đề nghị cơ quan chức năng cần phải làm rõ".
Về phía UBND tỉnh Gia Lai, ông Dương Mah Tiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cũng cho biết: "UBND tỉnh đã nắm được thông tin này và qua nhận định ban đầu thì đây là quyết định có dấu hiệu giả mạo. Do đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Văn phòng UBND tỉnh và các cơ quan liên quan xác minh làm rõ. Đồng thời, phối hợp đăng công báo thông tin trên các cơ quan thông tấn báo chí để toàn thể nhân dân nâng cao cảnh giác".
Làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức có thể bị phạt mức cao nhất 7 năm tù
Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức như sau:
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng."
Như vậy, người nào làm giả con dấu, tài liệu của của cơ quan tổ chức tùy theo tính chất và mức độ phạm tội mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị truy cứu mức cao nhất là 7 năm tù, ngoài ra còn có thể bị phạt tiền lên đến 50.000.000 đồng.