Giá miễn thuế nhập khẩu giảm, mừng nhưng vẫn lo

Bộ Tài chính vừa đề xuất quy định mới về miễn thuế nhập khẩu đối với các đơn hàng qua thương mại điện tử. Đề xuất này tác động mạnh mẽ đến người tiêu dùng và các nhà sản xuất trong nước.

Đề xuất giảm một nửa gía miễn thuế nhập khẩu

Năm 2024, Việt Nam nhập 324 triệu sản phẩm qua TMĐT, doanh thu 14.200 tỷ đồng, tăng 38% về số lượng và 43% về giá trị so với 2023. Ảnh: TB.

Năm 2024, Việt Nam nhập 324 triệu sản phẩm qua TMĐT, doanh thu 14.200 tỷ đồng, tăng 38% về số lượng và 43% về giá trị so với 2023. Ảnh: TB.

Theo Bộ Tài chính, một vài năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Như công bố mới nhất của Bộ Công Thương, tốc độ phát triển TMĐT nhanh cả về quy mô và hình thức, trung bình mỗi năm từ 15-20%. Việt Nam hiện đang được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới, chỉ sau Indonesia (65 tỷ USD) và Thái Lan (26 tỷ USD).

Năm 2024, Việt Nam nhập 324 triệu sản phẩm qua TMĐT, doanh thu 14.200 tỷ đồng, tăng 38% về số lượng và 43% về giá trị so với 2023.

Theo Bộ Tài chính, nhiều nước đang triển khai thu thuế VAT đối với hàng nhập khẩu giá trị rẻ qua sàn TMĐT như Thái Lan áp 7% thuế VAT đối với hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc có giá dưới 1.500 baht (tương đương 1.100.000 đồng).

Tương tự, Hàn Quốc đang xem xét sửa đổi Đạo luật TMĐT để bắt buộc các nhà khai thác nền tảng trực tuyến lớn của nước ngoài phải thành lập văn phòng địa phương tại Hàn Quốc.

Còn tại Trung Quốc, người bán phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế VAT để bán hàng trên nền tảng TMĐT. Đồng thời, Trung Quốc quy định chặt chẽ việc cho phép một số hàng hóa được phép nhập khẩu vào thị trường nước này qua TMĐT như phải thuộc danh sách hàng hóa được nhập khẩu bán lẻ tại Trung Quốc thông qua TMĐT. Chỉ cho phép bán hàng hóa tới người tiêu dùng cuối cùng chứ không được mua đi bán lại.

Để đảm bảo không thất thoát thu ngân sách, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như theo thông lệ quốc tế, Bộ Tài chính đề nghị hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử có trị giá hải quan theo từng đơn hàng từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu.

Như vậy mức giá miễn thuế nhập khẩu được đề xuất giảm một nửa so với hiện nay, từ 2 triệu đồng giảm xuống còn 1 triệu đồng/đơn hàng nhập khẩu qua thương mại điện tử.

Đồng thời mỗi tổ chức, cá nhân mua hàng chỉ được hưởng chính sách miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu này không quá 48 triệu đồng Việt Nam/năm.

Trước đó, Thủ tướng ban hành quyết định bãi bỏ miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng nhập khẩu qua thương mại có trị giá 1 triệu đồng. Theo đó từ ngày 18/2, hàng hóa nhập khẩu có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế phải nộp thuế giá trị gia tăng.

Vừa mừng vừa lo

“Đối với người tiêu dùng, quy định này mang lại nhiều lợi ích rõ rệt. Việc miễn thuế nhập khẩu đối với các đơn hàng trị giá dưới 1 triệu đồng sẽ giúp giảm giá thành các sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt là những mặt hàng tiêu dùng phổ biến như điện tử, quần áo, đồ gia dụng, hay các sản phẩm từ nước ngoài mà trong nước chưa sản xuất hoặc sản xuất với chất lượng chưa tương xứng. Điều này sẽ làm tăng sự lựa chọn của người tiêu dùng và có thể giúp họ tiếp cận được các sản phẩm chất lượng quốc tế với giá thấp hơn”. Đó là nhận định của TS Phạm Tất Đông, Viện giá và chiến lược giá (NHC).

Còn theo ông Nguyễn Thành Quảng, chuyên kinh doanh trên các sàn TMĐT, việc đơn giản hóa thủ tục hải quan và miễn thuế nhập khẩu sẽ tạo thuận lợi cho người mua hàng qua các sàn thương mại điện tử, giúp họ tiết kiệm thời gian và chi phí trong quá trình mua sắm. Điều này sẽ khuyến khích tiêu dùng và thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam, nơi mà tốc độ phát triển TMĐT đang ở mức cao.

Mặc dù quy định miễn thuế nhập khẩu đối với các đơn hàng dưới 1 triệu đồng mang lại lợi ích trực tiếp cho người tiêu dùng như giảm giá thành, mở rộng sự lựa chọn và thuận lợi trong mua sắm qua thương mại điện tử, nhưng cũng tạo ra thách thức cho một số nhà sản xuất trong nước.

Theo ông Trần Anh, Giám đốc xuất nhập khẩu công ty may Hanoiexp, các sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia khác, đặc biệt là những sản phẩm có giá trị thấp và không phải chịu thuế, có thể cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa nội địa, khiến cho doanh nghiệp sản xuất trong nước gặp khó khăn. Điều này đặc biệt thử thách đối với các ngành sản xuất hàng tiêu dùng và thời trang, nơi hàng nhập khẩu rẻ và không phải chịu thuế sẽ dễ dàng chiếm lĩnh thị trường.

“Mặc dù giá miễn thuế đã giảm một nửa so với trước nhưng chúng tôi vẫn còn nỗi lo. Các sản phẩm nhập khẩu có thể không phải chịu các yêu cầu về chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm hoặc quy định về bảo vệ người tiêu dùng, điều này tạo ra sự không công bằng giữa hàng nội và hàng nhập khẩu. Hàng hóa nhập khẩu không chịu thuế có thể không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn chất lượng hoặc an toàn, gây rủi ro cho người tiêu dùng. Đồng thời, doanh nghiệp trong nước phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về tiêu chuẩn sản phẩm và kiểm tra chất lượng, khiến giá thành sản phẩm cao hơn so với hàng hóa nhập khẩu”, ông Trần Anh nhấn mạnh.

Chuyên gia Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech cũng đã chỉ ra rằng việc miễn thuế cho hàng hóa nhập khẩu qua thương mại điện tử có thể dẫn đến tình trạng hàng hóa kém chất lượng, thậm chí độc hại, tràn vào thị trường mà không có đại diện pháp lý rõ ràng tại Việt Nam. Người tiêu dùng sẽ gặp phải nguy cơ mua phải hàng hóa không đạt tiêu chuẩn mà không thể khiếu nại hay tìm kiếm sự bảo vệ hợp pháp. Điều này cũng đặt ra thách thức cho cơ quan chức năng trong việc kiểm soát chất lượng và nguồn gốc sản phẩm.

Thanh Bình

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/gia-mien-thue-nhap-khau-giam-mung-nhung-van-lo-10302716.html