Giá mỗi m2 nhà phố cổ ngang ngửa căn chung cư cũ | Hà Nội tin mỗi chiều

Nhiều ngôi nhà tại khu phố cổ Hà Nội đang được rao bán giá mỗi m2 ngang ngửa một căn chung cư cũ!

Nhà phố cổ không chỉ có giá trị về lịch sử, văn hóa mà còn có giá trị về kinh tế, khi nằm ở vị trí đất vàng, thuận tiện về giao lưu buôn bán. Chính vì thế, nhà phố cổ ở Hà Nội đắt ngang ngửa với nhiều khu vực như Tokyo hay Paris…

Nếu như trước kia, tại khu vực được coi là "tuyến phố kim cương" hầu như chủ nhà không có nhu cầu bán ra, thì nay hàng loạt chủ những căn nhà phố cổ rao bán với mức giá hàng tỷ đồng mỗi m2.

Tại các phố Ấu Triệu, Hàng Bông, Hàng Đào xuất hiện những căn nhà phố có giá bán dao động từ 2-2,4 tỷ đồng/m2. Một căn nhà khác trên phố Lý Thái Tổ có diện tích 30m2, đã xây dựng 4 tầng, đang được rao bán với giá 75 tỷ đồng, tương đương 2,5 tỷ đồng mỗi m2 đất.

Mức giá 2 đến 2,5 tỷ đồng chưa phải mức giá rao bán cao nhất tại khu vực phố cổ từ trước tới nay. Trước đó, cuối năm 2021, một căn nhà trên phố Đinh Tiên Hoàng có diện tích 270m2 được rao bán với mức giá 1.000 tỷ đồng, tương đương 3,7 tỷ đồng/m2.

Giá bán nhà tại phố cổ.

Giá bán nhà tại phố cổ.

Với mức giá rao bán cao nhất hiện nay là 2,5 tỷ đồng/m2, xem ra ngang ngửa với một căn chung cư 2 phòng ngủ trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm.

Theo anh Vũ Thanh Tùng - chủ một sàn môi giới bất động sản tại Hà Nội, thì đa phần người sở hữu nhà tại khu vực phố cổ không phải để ở mà cho thuê kinh doanh khách sạn, cửa hàng. Đất tại khu vực phố cổ cực hạn chế và mang đậm nét đặc trưng về văn hóa, lịch sử nên mức giá luôn neo cao.

Chỉ ra nguyên nhân nhà phố được rao bán ồ ạt trong thời gian qua, ông Lê Đình Chung - thành viên Tổ công tác nghiên cứu thị trường Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) - cho rằng, sau dịch Covid-19, việc bán hàng qua thương mại điện tử bùng nổ mạnh mẽ. Bên cạnh đó tình hình kinh tế khó khăn kéo theo việc kinh doanh buôn bán không hiệu quả.

Do đó, tình trạng cho thuê mặt bằng trở nên ảm đạm, nhiều chủ kinh doanh phải trả mặt bằng. Thói quen của người kinh doanh cũng đã thay đổi so với trước kia, họ không còn phụ thuộc vào mặt bằng mà có thể bán hàng qua online. Giá thuê nhà phố thời gian qua đã giảm rất nhiều. Thực tế, cũng có rất nhiều căn nhà phố không thể cho thuê được khiến người bán ra nhiều hơn.

Tuy nhiên, do nguồn cung nhà phố tại Hà Nội hiện nay rất khan hiếm, nhiều chủ nhà phố đã mượn lý do này để tăng giá rao bán. Theo xu hướng chung của thị trường thì thời gian vừa rồi giá nhà phố vẫn tăng, thậm chí trong vòng 3 năm trở lại đây, có những nơi đã tăng 50%.

Trong vòng 3 năm, có những nơi giá nhà đã tăng 50%.

Trong vòng 3 năm, có những nơi giá nhà đã tăng 50%.

Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó chủ tịch thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội – khuyến cáo: "Nhiều chủ nhà chào bán mức giá cao là do kỳ vọng. Nhà đầu tư trước khi xuống tiền cần tìm hiểu kỹ, bởi có thể mức giá giao dịch sẽ thấp hơn nhiều so với giá chủ nhà đưa ra".

Những căn nhà tại phố cổ có giá trị cao nên khả năng thanh khoản rất thấp. Bởi số tiền để sở hữu một căn nhà ở đây rất lớn. Bên cạnh đó, việc cho thuê kinh doanh hiện nay khó khăn hơn trước nên những nhà đầu tư dòng tiền phải tính toán rất kỹ mới chốt mua. Vậy nên, dù giá rao bán rất cao nhưng hầu như không có người hỏi mua những căn nhà này. Và rõ là, nhu cầu bán là thật, nhưng giá bị đẩy lên quá cao nên người mua lại không thể tiếp cận.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đặt câu hỏi: Liệu giá cả có thực sự phù hợp với thị trường không hay lại được làm giá thông qua các chiêu trò của giới đầu cơ?

Thực tế này diễn ra ở tất cả các phân khúc nhà đất thời gian qua khi tình trạng đầu cơ, thổi giá, đẩy giá đất ở một số địa phương khiến những người có nhu cầu mua đất thật không thể tiếp cận thị trường. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở các thành phố lớn mà còn khá phổ biến tại các vùng nông thôn.

Một thống kê cho thấy có tới 70% nhà, đất được mua với mục đích đầu cơ. Một khi nhà, đất được xem là tài sản sinh lời, thì việc sử dụng chiêu trò lợi dụng đấu giá trả giá cao để kích sóng, sốt ảo, tạo mặt bằng giá mới sẽ xảy ra. Câu chuyện từ việc đất trúng đấu giá cao bất thường ở Thanh Oai và mới đây là Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ là những ví dụ.

Ông Trịnh Hùng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, than thở: Không ngờ rằng giá đất đấu giá lại bị đẩy lên cao đỉnh điểm. Ước mơ sở hữu mảnh đất tại chính quê hương mình của ông đã phải tạm dừng.

Tham gia đấu giá đất tại huyện Phúc Thọ, anh Hoàng Tuyển Hùng, xã Chu Minh, huyện Ba Vì, cho rằng các nhà đầu tư đang đẩy giá lên quá cao khiến người dân bình thường như anh không thể tiếp cận được.

Năm 2023, thu nhập bình quân của người lao động ở Hà Nội là 135 triệu đồng/năm. Nếu một người dùng toàn bộ số tiền lương để mua nhà thì phải mất 23 năm mới mua được một căn hộ chung cư và 123 năm nếu muốn sở hữu nhà riêng. Theo các chuyên gia, mức giá rao bán phải được thị trường chấp nhận mới có thể xác lập mức giá chung.

Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản được điều chỉnh có hiệu lực từ ngày 1/8 nhằm bịt kín các khoảng trống pháp lý, ngăn chặn đầu cơ, đưa giá nhà đất trở lại đúng với giá trị thực. Nhưng điều này vẫn là chưa đủ, nếu Nhà nước không khẩn trương bổ sung chính sách thuế để ngăn chặn đầu cơ bất động sản.

Ông Bùi Ngọc Sơn, chuyên gia kinh tế, cho biết: "Điều tiết về mặt tài nguyên là dùng thuế để điều tiết, để làm sao tài nguyên được sử dụng một cách hiệu quả nhất, đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng của thuế. Nếu sở hữu số lượng nhiều hoặc giá trị cao thì phải đóng thuế nhiều. Mà thuế đó còn tăng theo thời gian. Nếu như càng bỏ phí lâu thì thuế còn phải tăng lên nữa, thì phải cung ra để bán, dòng hàng hóa đó mới liên tục được. Nếu không sẽ tạo ra lỗ hổng để người ta đầu cơ thoải mái".

Trần Hằng

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/gia-moi-m2-nha-pho-co-ngang-ngua-can-chung-cu-cu-ha-noi-tin-moi-chieu-262990.htm