Giá nhà tăng cao: Người trẻ chật vật với ước mơ sở hữu nhà
Năm 2024, giá bất động sản tại các thành phố lớn vẫn 'neo' ở mức cao. Thậm chí, phân khúc căn hộ tại nhiều địa phương còn liên tục thiết lập mặt bằng giá mới lên mức cao kỷ lục, khiến nhiều người dân, nhất là những người trẻ dù 'thắt lưng buộc bụng', nhưng vẫn gặp khó khăn khi muốn sở hữu nhà…
Dữ liệu từ Batdongsan.com.vn cho thấy, trong tháng 11/2024, giá bán chung cư tại Hà Nội đạt mức 61 triệu đồng/m2, vượt Thành phố Hồ Chí Minh (55 triệu đồng/m2). Đây là lần đầu tiên sau gần 10 năm, thị trường chung cư Hà Nội bắt đầu vượt lên thị trường Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM).
Thông thường, thị trường chung cư Hà Nội lúc nào cũng thấp hơn TP.HCM khoảng 30%. Cho đến thời điểm tháng 5/2024, giá chung cư Hà Nội bất ngờ vượt lên và vượt lên nhanh chóng, tăng hơn 20% so với TP.HCM. Xu hướng này đang tiếp tục diễn ra, tạo áp lực tài chính nặng nề cho người có thu nhập trung bình và thấp.
Anh Phạm Văn Tú, sinh năm 1994, làm nghề cơ khí được hơn 7 năm và đang mở cửa hàng riêng tại phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội, cho biết, sau nhiều năm làm việc miệt mài, thậm chí không có cả thời gian hẹn hò, đến nay cửa hàng cũng gây dựng được một tệp khách quen, nên thu nhập tương đối ổn định. Tuy nhiên, tính cả khoản tiết kiệm cùng nguồn tiền hằng tháng sau khi trừ chi phí sinh hoạt, gửi về quê cho bố mẹ, anh chưa dám quyết định mua nhà.
“Giá nhà và chung cư ở Hà Nội thời gian qua tăng quá nhanh, trong khi thu nhập của tôi lại chưa thực sự đột biến. Vì vậy, dù rất “xiêu lòng” trước căn hộ hơn 60m2 thoáng đãng, nằm ở quận Hà Đông được rao bán 2,5 tỷ đồng, song tôi cũng đành nhanh chóng xếp vào top những “ước mơ xa vời”. Vì nếu phải vay tới 1/2 số tiền mua nhà thì hoàn toàn quá sức với một người trẻ mới khởi nghiệp”, anh Tú bày tỏ.
Thực tế, không chỉ những người độc thân mà nhiều cặp vợ chồng trẻ cũng hoang mang, lo ngại khi giá nhà đất và chung cư ngày càng tăng, trong khi thu nhập của gia đình thì lại có chiều hướng giảm sút.
Chị Nguyễn Thu Huệ đang thuê nhà ở quận Hai Bà Trưng, cho biết, vợ chồng chị cưới nhau đã 5 năm, cả hai cùng lên kế hoạch mua nhà. Tuy nhiên thời gian qua, giá nhà liên tục “nhảy múa” khiến dự định “an cư, lạc nghiệp” của gia đình chị Huệ ngày càng trở nên xa vời.
“Tôi nghĩ sẽ có một thế hệ trẻ không thể mua được nhà ở Hà Nội. Thực tế số tiền lao động trẻ kiếm được chẳng đuổi kịp giá nhà lẫn giá sinh hoạt tại đây. Với vợ chồng tôi cũng vậy, mặc dù hai vợ chồng “thắt lưng, buộc bụng”, liên tục nhận tăng ca với mong muốn cải thiện thu nhập, nhưng nhìn lại số tiền chỉ đủ mua vài ba mét vuông nhà Hà Nội. Với thu nhập hiện nay, có lẽ mong ước có được sở hữu một ngôi nhà ở Thủ đô còn lâu gia đình tôi mới thực hiện được”, chị Huệ chia sẻ.
Trước chia sẻ của những người trẻ về mơ ước sở hữu nhà tại Hà Nội, theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, việc tiếp cận nhà của người trẻ tại các thành phố lớn chưa bao giờ dễ dàng. Năm 2004, một cá nhân thuộc thế hệ 7x phải sử dụng 31,3 năm thu nhập để mua được một căn chung cư 60m2, giá 0,6 tỷ đồng, trong điều kiện lãi suất huy động là 7,4%. Sau 10 năm, số năm thu nhập để một cá nhân thuộc thế hệ 8x mua được căn hộ như trên là 22,7 năm, giá căn hộ ước tăng 1,5 tỷ đồng, trong khi lãi suất huy động giảm còn 6%.
Tuy nhiên, đến năm 2024, một cá nhân 9x cần tới 25,8 năm thu nhập để mua căn hộ như trên (giá 3 tỷ đồng) trong điều kiện lãi suất huy động 4,5%. Số năm thu nhập và lãi suất dù giảm dần theo thời gian, nhưng nhìn chung, người trẻ vẫn cần nỗ lực trong thời gian dài mới có thể tự sở hữu nhà.
Cũng theo đại diện Batdongsan.com.vn, đánh giá kết quả trên không quá bất ngờ, bởi tại những thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, quy mô về diện tích đất không đổi, nhưng lượng di dân từ các địa phương khác đến thành phố mỗi năm lại tăng, do vậy, nhu cầu nhà ở ngày càng cao. Đặc biệt, vài năm gần đây, nguồn cung trên thị trường chủ yếu tập trung vào phân khúc trung, cao cấp, nguồn cung nhà ở có giá bình dân vẫn hạn chế, nên việc tiếp cận nhà ở trở nên “gian nan” hơn và điều này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, một số người trẻ thậm chí có suy nghĩ phải mua được nhà trước khi kết hôn hoặc sinh con, nhưng giá nhà đất hiện nay tăng vọt, nên họ phải “cày ngày, cày đêm” mua nhà cho bằng được. Vô hình chung, họ đã bỏ qua thời điểm “vàng” để lập gia đình. Nhiều gia đình trẻ muốn tiết kiệm tiền mua nhà, trong khi vẫn phải chi tiêu hằng ngày nên họ chỉ dám sinh một con hoặc trì hoãn sinh con.
Có thể thấy, hiện nay, đa số người trẻ ít nhất đến độ tuổi 30 mới bắt đầu có khả năng tài chính để mua căn nhà đầu tiên, trừ khi được hỗ trợ tài chính bởi người thân, còn thông thường, đến khoảng 35 tuổi, sau khi lập gia đình và có nguồn thu nhập từ hai vợ chồng, khả năng tài chính để sở hữu nhà mới tăng lên đáng kể bởi khoản tiết kiệm, khả năng tiếp cận vốn vay, nguồn thu nhập khác…
Vì vậy, theo chuyên gia các chuyên gia, đối với bạn trẻ để sở hữu nhà ở thì cần phải thiết lập kỷ luật trong chi tiêu, xác định tổng số tiền cần tiết kiệm và thời gian cụ thể để đạt được mục tiêu.
Cụ thể, các bạn trẻ nên nâng cao kiến thức tài chính nhằm xây dựng một kế hoạch chi tiết về thu nhập và chi tiêu hằng tháng, kế hoạch dòng tiền cho bản thân. Đồng thời, liên tục cập nhật thông tin của thị trường bất động sản nhà ở, sao cho đủ sự hiểu biết về các sản phẩm.
Ngoài ra, người trẻ cũng cần nỗ lực gây dựng nghề nghiệp, giúp tạo ra nguồn thu nhập ổn định và đa dạng để nâng cao khả năng tiết kiệm. Việc có được nghề nghiệp và thu nhập ổn định chính là nền tảng quan trọng để tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay… có như vậy cơ hội sở hữu nhà ở các thành phố lớn của người trẻ mới nhanh chóng trở thành hiện thực.