Giá nhà trọ tăng sớm 'đón đầu' tân sinh viên

Bên cạnh niềm vui đỗ đại học, nhiều sinh viên lại lo lắng khi giá nhà trọ trên địa bàn Hà Nội 'nhảy múa', đặc biệt là phân khúc nhà nhỏ, giá thấp. Nguyên nhân là do quy định bắt buộc phải lắp thiết bị phòng cháy, chữa cháy tại nhà cho thuê, nhà cao tầng khiến chi phí đầu tư của chủ nhà tăng cao nên họ phải lấy thu bù chi. Thị trường nhà trọ trở nên 'nóng' hơn bao giờ hết.

Tăng giá, khan hiếm phòng

Mấy ngày nay, dù nắng nóng nhưng chị Nguyễn Như Trang, phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) đứng ngồi không yên, len lỏi khắp các ngõ nhỏ quanh khu vực quận Cầu Giấy để tìm nhà trọ gần trường cho cháu gái sắp lên Hà Nội học đại học. Tuy nhiên, càng đi tìm, chị Trang càng hoa mắt vì giá nhà trọ nhảy múa, các phương án lựa chọn thay đổi liên tục. “Tôi đọc quảng cáo của các chủ nhà trọ trên mạng thì một giá, nhưng khi đến xem phòng thì họ đã tăng giá. Chẳng hạn, một phòng trọ ở phố Hạ Yên Quyết, phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) chỉ có 20m2 mà họ phát giá 3,5 triệu đồng/tháng, trong khi giá quảng cáo là 3 triệu đồng”, chị Trang chia sẻ.

Giá nhà trọ tăng trước thềm năm học mới. Ảnh chụp tại phố Hạ Yên Quyết (quận Cầu Giấy). Ảnh: Vũ Dung

Giá nhà trọ tăng trước thềm năm học mới. Ảnh chụp tại phố Hạ Yên Quyết (quận Cầu Giấy). Ảnh: Vũ Dung

Phân khúc nhà trọ giá rẻ rất hiếm tại phố Hạ Yên Quyết (quận Cầu Giấy). Ảnh: VD

Phân khúc nhà trọ giá rẻ rất hiếm tại phố Hạ Yên Quyết (quận Cầu Giấy). Ảnh: VD

Trực tiếp tìm hiểu thị trường nhà trọ trên địa bàn Hà Nội ngày 7-8, phóng viên nhận thấy, tình trạng thiếu phòng, hoặc tăng giá khoảng 10-15% khá phổ biến. Đặc biệt, những nhà trọ có diện tích nhỏ từ 12-15m2 với giá 2-2,5 triệu đồng/tháng khá khan hiếm nên nếu có trống phòng thì giá đội lên ít nhất 500.000 đồng/phòng/tháng. Còn đối với nhà trọ mới, diện tích 30m2 trở lên, gần mặt đường, trang bị các phương tiện chống cháy nổ tốt thì được đẩy giá cao hơn so với bình thường.

Điển hình, tại phố Hạ Yên Quyết, theo quan sát, tại một nhà trọ 5 tầng, căn phòng khoảng 15-25m2 có giá 2,8-3,5 triệu đồng/tháng, tăng từ 300.000-500.000 đồng/tháng. Với căn phòng rộng hơn, 35-40m2 thì được phát giá 6-6,5 triệu đồng/tháng. Tương tự, tại ngõ 331 Cầu Giấy, hàng chục nhà trọ đã tăng giá chóng mặt: 4,5-5 triệu đồng/tháng cho phòng 28-30m2.

Tiếp tục tìm đến ngõ nhỏ hơn, thật khá bất ngờ khi giá thấp nhất là 2,8 triệu đồng/phòng 13-15m2. Điển hình ở phố Phan Văn Trường, giá dao động ở mức 2,7-3 triệu cho phòng 15m2. Nhà ở ngõ 76 đường Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm) cũng khá thu hút sinh viên khi phòng khoảng 15m2 vẫn có giá 2,8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, hầu hết các nhà trọ này đều cháy phòng.

Sinh viên "đỏ mắt" tìm nhà trọ phân khúc thấp dù giá tăng cao, ảnh chụp tại ngõ 220 đường Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm). Ảnh: Vũ Dung

Sinh viên "đỏ mắt" tìm nhà trọ phân khúc thấp dù giá tăng cao, ảnh chụp tại ngõ 220 đường Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm). Ảnh: Vũ Dung

Khu vực để xe tại nhà trọ ở phố Phạm Thận Duật (quận Cầu Giấy). Ảnh: Vũ Dung

Khu vực để xe tại nhà trọ ở phố Phạm Thận Duật (quận Cầu Giấy). Ảnh: Vũ Dung

Tình trạng tăng giá cũng phổ biến tại địa bàn quận Hai Bà Trưng, nơi có nhiều trường đại học như: Kinh tế quốc dân, Xây dựng, Bách khoa... Hay trên địa bàn quận Đống Đa với các trường Đại học Ngoại thương, Học viện Ngoại giao, Đại học Luật Hà Nội; địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Đông với rất nhiều trường đại học như Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Hà Nội… Ghi nhận chung cho thấy, phân khúc nhà trọ giá thấp luôn được tìm kiếm dù các chủ nhà đồng loạt tăng giá. Những phòng trọ nhỏ xinh ở ngõ 208 đường Trần Đại Nghĩa (quận Hai Bà Trưng) diện tích 15m2 cũng đội giá lên 3,5 triệu đồng/tháng trong khi trước đó chỉ 2,8-3 triệu đồng/tháng. Đối với phòng trọ mới xây, diện tích 15-20m2 tại khu vực đường Láng, Chùa Láng (quận Đống Đa) có đầy đủ đồ đạc như giường, tủ, bếp ăn, hầu hết đều ở mức giá từ 3 triệu đồng trở lên. Với nhà trọ rộng hơn từ 25-40m2 thì giá dao động từ 3,5-5 triệu đồng.

Còn tại khu vực quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, nơi ở trọ thuận tiện cho các sinh viên đại học Thương mại, Sư phạm, Học viện Báo chí, Đại học Công nghiệp…, giá cả cũng leo thang ở mức chóng mặt. Mục sở thị phòng trọ rộng 25m2 tại ngõ 36 Hàm Nghi (quận Nam Từ Liêm), chủ nhà trọ báo giá 3,8 triệu đồng/tháng khiến nhiều sinh viên lắc đầu ngán ngẩm. Hay một phòng trọ 25m2 tại ngõ 12 Nguyễn Đổng Chi (quận Nam Từ Liêm) cũng có mức giá gần 4 triệu đồng/tháng.

Nhu cầu ở ghép nhà trọ gia tăng

Theo quan sát của phóng viên tại các khu nhà trọ, thật khó mà chọn được phòng có giá "hữu nghị" 2-2,5 triệu đồng như trước đây. Việc tìm nhà trọ phân khúc thấp khó hơn “mò kim đáy biển”. Do đó, để giảm bớt gánh nặng về kinh tế, nhiều sinh viên lựa chọn phương án ở ghép dù xác định sẽ nảy sinh nhiều vấn đề trong sinh hoạt. Nhà ở ghép đã thực sự lên ngôi. Đây cũng là một trong những lý do mà giá cả nhà trọ tăng trong dịp này.

Chia sẻ về mô hình ở ghép, Nguyễn Khánh An, sinh năm 2006, quê ở Bắc Giang cho biết, em đã chắc chắn đỗ vào trường yêu thích tại đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy) nên cùng mẹ xuống Hà Nội để tìm phòng trọ. Song, sau 3 ngày tìm kiếm bất thành, nhờ người quen, Khánh An đã tìm được một phòng trọ 38m2 tại đường Cầu Diễn (quận Bắc Từ Liêm) giá 4,2 triệu đồng để ở ghép với 3 người khác. Phòng ở ghép có đủ đồ nội thất và thiết bị phòng cháy, chữa cháy an toàn. Còn chị Nguyễn Như Trang cũng tư vấn cho cháu chị ở nhà ghép với 1 nhóm sinh viên 3 người ở phòng 42m2 tại phố Phạm Thận Duật (quận Cầu Giấy) với giá 4,5 triệu đồng. Nếu chia đều cả tiền điện, nước và dịch vụ, mỗi người chỉ mất chi phí khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Đây là cách tính khoa học trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.

Theo bà Nguyễn Hải Anh, chủ nhà trọ ở ngõ 89 phố Phú Kiều (quận Bắc Từ Liêm), nhu cầu ở ghép của sinh viên ngày càng cao. Trong khu vực này, nhiều nhà trọ mới mọc lên với phân khúc giá cao hơn, tiện nghi tủ lạnh, ti vi, máy giặt, nội thất đầy đủ nên nhiều sinh viên muốn ở thì chỉ còn cách ghép. "Nhiều bạn tự tìm người ở ghép rồi báo với chủ nhà. Còn đa số, chủ nhà phải tự ghép người đến ở chung. Gần đây, số người liên hệ yêu cầu ở ghép khá lớn vì năm học mới sắp bắt đầu. Vì thế, việc tăng giá phòng lên 500.000 đồng/tháng là bình thường ", bà Hải Anh chia sẻ.

Nhu cầu ở ghép của sinh viên tại khu vực ngõ 2 Phú Kiều (quận Bắc Từ Liêm) tăng cao để giảm áp lực tăng giá nhà trọ. Ảnh: VD

Nhu cầu ở ghép của sinh viên tại khu vực ngõ 2 Phú Kiều (quận Bắc Từ Liêm) tăng cao để giảm áp lực tăng giá nhà trọ. Ảnh: VD

Nhu cầu ở ghép của sinh viên tại khu vực ngõ 2 Phú Kiều (quận Bắc Từ Liêm) tăng cao để giảm áp lực tăng giá nhà trọ. Ảnh: VD

Nhu cầu ở ghép của sinh viên tại khu vực ngõ 2 Phú Kiều (quận Bắc Từ Liêm) tăng cao để giảm áp lực tăng giá nhà trọ. Ảnh: VD

Đánh giá về thị trường nhà trọ hiện nay, anh Phạm Ánh Dương, chuyên gia môi giới nhà ở, nhà trọ trên địa bàn quận Cầu Giấy cho biết, số người đăng ký tìm nhà trọ qua môi giới gia tăng trong mấy ngày qua. Tuy nhiên, nhiều người khi biết giá thuê trọ, diện tích phòng thì không liên lạc lại. Có người yêu cầu môi giới dẫn đi xem cũng lắc đầu vì giá tăng cao, không có khả năng chi trả. Nắm bắt tâm lý này, khi khách có nhu cầu tìm nhà trọ, anh Dương đã hướng họ tìm đến nhà ở ghép để tăng hiệu quả môi giới.

Theo thống kê của chuyên trang batdongsan.com.vn, phân khúc tăng trưởng cao nhất từ đầu năm đến nay trong thị trường cho thuê là nhà trọ, mức tăng từ 12-15% so với cùng kỳ năm ngoái. Vì vậy thị trường đã nảy sinh một số tình huống “treo đầu dê bán thịt chó” của các đối tượng đăng trên mạng. Các tân sinh viên cần tìm hiểu kỹ để tránh mất tiền oan.

Kim Vũ

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/gia-nha-tro-tang-som-don-dau-tan-sinh-vien-674199.html