Giá nhiên liệu tăng cao ở đỉnh dịch, lao động nghèo 'oằn mình' mưu sinh giữa Thủ đô

Giữa làn sóng dịch COVID-19, cuộc sống của những người sống bằng công việc giúp việc, rửa bát thuê, nhặt ve chai... trở nên xáo động và càng khốn đốn khi giá cả các mặt hàng đều lần lượt 'leo thang'. Nỗi lo 'miếng cơm manh áo' cũng vì thế mà đè nặng lên đôi vai tiều tụy của người lao động nghèo nơi phố thị.

Hà Nội bước vào trạng thái “bình thường mới” với sự khởi sắc nhờ chính sách mở cửa để phát triển kinh tế - xã hội, chuyển từ trạng thái “zero COVID” sang sống chung với dịch. Quy định này được xem là “giấy thông hành” mang đến nhiều cơ hội việc làm cho người lao động trong bối cảnh số ca mắc vẫn tăng cao.

Tuy vậy, khi giá cả các mặt hàng có dấu hiệu tăng dầu theo giá xăng, gas thì có một bộ phận không nhỏ đang gồng mình để lo cuộc sống tại Thủ đô. Họ là những người lao động chân tay, với công việc rửa bát thuê, giúp việc gia đình hay nhặt ve chai…

Thu nhập của họ được chi trả dựa trên số giờ làm việc trong ngày nên với đồng tiền công ít ỏi, họ đang “oằn mình" sống trong những căn phòng trọ lụp xụp, tồi tàn giữa lòng Thủ đô.

Xóm trọ tồi tàn của những lao động nghèo sống “lay lắt” giữa lòng Thủ đô. Ảnh: Hồ Thành

Xóm trọ tồi tàn của những lao động nghèo sống “lay lắt” giữa lòng Thủ đô. Ảnh: Hồ Thành

Bà Nguyễn Thị Thoa (55 tuổi, quê Nghệ An) là một trong số đó.

Bà Thoa lên Hà Nội kiếm sống đã ngót nghét 5 năm, với công việc tạp vụ, rửa bát ở quán ăn, nhà hàng. Mỗi giờ làm việc, bà Thoa được chi trả 18.000 - 20.000 đồng tiền công.

Bà Thoa cho biết: “Lúc chưa có dịch COVID-19, thu nhập của tôi dao động từ rơi vào khoảng 5.000.000 - 6.000.000 đồng/tháng. Đến giai đoạn Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, tôi không có thu nhập, phải về quê vì nhà hàng đóng cửa. Sau giãn cách, tôi đi làm lại nhưng tiền lương không được tính theo tháng, mà tính theo giờ làm. Làm được bao nhiêu thì chủ trả bấy nhiêu, không có trợ cấp thêm”.

Khi giá xăng kéo theo các mặt hàng tăng, mà thu nhập chỉ dựa vào việc rửa bát theo giờ thì cuộc sống của bà Thoa tại Thủ đô chật vật hơn. Ảnh: Hồ Thành

Khi giá xăng kéo theo các mặt hàng tăng, mà thu nhập chỉ dựa vào việc rửa bát theo giờ thì cuộc sống của bà Thoa tại Thủ đô chật vật hơn. Ảnh: Hồ Thành

Bà Thoa chia sẻ thêm, một giờ rửa bát chỉ được 18.000 đồng - 20.000 đồng, ca làm của từ 9h -14h chiều. Những ngày quán ít khách, bà Thoa chỉ được làm nửa ca. Thời gian rảnh rỗi sau đó, bà Thoa đã tìm thêm các quán ăn gần trọ để làm thêm. Với cách làm này, bà Thoa vừa linh hoạt ca làm việc vừa kiếm thêm ít đồng chi trả tiền trọ.

Lý giải về công việc tính theo giờ làm tại các quán ăn hiện nay, bà Thoa giải thích: “Do dịch bệnh phức tạp, số ca mắc COVID-19 tăng thì người dân rất ngại đi ăn ở hàng quán. Hơn nữa, phần lớn những người thuộc diện F0, F1 sẽ nấu ăn tại nhà để hạn chế tiếp xúc. Chính vì tâm lý đó nên lượng khách đến quán “hao hụt” dần. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu quán, mà túi tiền chi tiêu hàng tháng của tôi cũng ảnh hưởng không nhỏ".

Theo bà Thoa, hiện nay, giá nguyên liệu đốt như xăng, dầu, gas tăng “kỷ lục” đã kéo theo một số mặt hàng tăng, khiến những lao động nghèo như bà Thoa “đứng ngồi không yên” khi phải đối mặt với vấn đề chi tiêu hằng ngày.

Đứng trước khó khăn đó, bà Thoa giãi bày: “Nếu như trước kia, ngoài khoản chi cho đời sống, thực phẩm hàng ngày tôi có thể có được một khoản tiết kiệm nho nhỏ để gửi về quê nhà làm khoản dự phòng, thì bây giờ, tôi phải chi thêm các vật tư y tế cần thiết. Số tiền chi này tôi trích từ quỹ tiết kiệm hàng tháng của tôi. Tuy nhiên, bây giờ, giá nhiên liệu tăng như “vũ bão", cuộc sống của tôi xóa trộn hơn trước. Dù đã chi tiêu dè sẻn nhưng số tiền còn lại chẳng được bao nhiêu”.

Bà Liên đang chuẩn bị bữa tối cho một gia đình tại tòa chung cư King Palace (Hạ Đình, Thanh Xuân). Ảnh: Hồ Thành

Bà Liên đang chuẩn bị bữa tối cho một gia đình tại tòa chung cư King Palace (Hạ Đình, Thanh Xuân). Ảnh: Hồ Thành

Bà Đào Thị Liên (48 tuổi, quê ở Thái Bình) cũng tương tự. Để kiếm được tiền tại Hà Nội, bà Liên nhận làm giúp việc gia đình theo giờ từ sau Tết Nguyên đán nhưng thu nhập được tính theo giờ (50.000 đồng/giờ làm) nên cuộc sống của bà Liên tại Thủ đô ngày càng chật vật hơn.

Với tổng lương hàng tháng nhận được từ công việc giúp việc gia đình, bà Liên có khoảng 4.500.000 đồng nhưng số tiền này chẳng đủ để nuôi 2 đứa con đang tuổi ăn học, nên bà Liên buộc phải nhặt ve chai để kiếm thêm tiền cho con ăn học.

Tâm sự với phóng viên, bà Liên cho hay, số tiền nhận được vào cuối tháng chỉ chi tiêu cầm cự trong nửa tháng đầu, còn nửa tháng sau, có khi bà phải đi vay mượn để có tiền đóng trọ và chi tiêu.

Trong bối cảnh giá các mặt hàng tăng theo giá xăng dầu, mức thu nhập thấp càng làm cho cuộc sống của một lao động nghèo như bà Liên phải quay quắt.

“Thời điểm trước đó, khi xăng chưa tăng giá, tôi vẫn đi làm ở chỗ xa được. Nhưng kể từ lúc giá xăng lên “vèo vèo”, tôi buộc phải xin chỗ làm gần nhà và tranh thủ bán đồng nát kiếm thêm chút tiền để đỡ phần nào chi phí xăng xe”, bà Liên ngậm ngùi chia sẻ.

Bảo Loan - Hồ Thành

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-nhien-lieu-tang-cao-o-dinh-dich-lao-dong-ngheo-oan-minh-muu-sinh-giua-thu-do-172220315171707626.htm