Giá như...

Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định về kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không. Theo đó, Bộ này đề xuất 8 vi phạm của nhân viên hàng không sẽ bị đình chỉ ngay công việc.

Đội Thủ tục hành lý nhập khẩu (Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất) thực hiện kiểm tra hải quan phát hiện hành lý của 4 nữ tiếp viên nghi vấn có chứa ma túy.

Đội Thủ tục hành lý nhập khẩu (Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất) thực hiện kiểm tra hải quan phát hiện hành lý của 4 nữ tiếp viên nghi vấn có chứa ma túy.

Cụ thể, đối tượng áp dụng trong các chức danh nhân viên hàng không đã tăng từ 14 lên 16 đối tượng.

Các đối tượng được áp dụng thêm gồm: Nhân viên điều khiển, vận hành thiết bị hàng không, phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay; Nhân viên bản đồ, sơ đồ, dữ liệu hàng không. Đáng chú ý, nhân viên hàng không sẽ bị tạm đình chỉ ngay công việc nếu vi phạm 1 trong 8 trường hợp gồm: Vi phạm các quy định, nội quy gây sự cố, tai nạn, uy hiếp an toàn, an ninh hàng không;

Bị điều tra, khởi tố trong các vụ án hình sự; Tự ý bỏ vị trí làm việc; Uống rượu, bia trong giờ làm việc hoặc có nồng độ cồn trong máu, hơi thở trong khi thực hiện nhiệm vụ; Trộm cắp, chiếm đoạt trái phép tài sản của tổ chức, cá nhân;

Lợi dụng vị trí làm việc để buôn lậu, vận chuyển trái phép người, tài sản, hàng hóa; Sử dụng hoặc có kết quả dương tính đối với các chất ma túy hoặc chất kích thích không được phép sử dụng khác theo quy định; Đánh bạc, gây rối, làm mất an ninh, trật tự tại nơi làm việc.
So với thông tư cũ, dự thảo thông tư mới của Bộ GTVT đã bổ sung quy định những hành vi vi phạm pháp luật hình sự, thời gian tạm đình chỉ được thực hiện theo quy định của pháp luật hình sự.

Với những điều chỉnh trên, bản dự thảo Thông tư này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Không ít ý kiến tỏ ra tiếc nuối khi cho rằng, giá như văn bản trên xuất hiện sớm hơn thì những “bi kịch” tương tự như trường hợp 4 tiếp viên của Vietnam Airlines “cầm hộ” ma túy từ Pháp về Việt Nam vừa qua đã không xảy ra.

Hiện nay, vụ án này vẫn đang trong quá trình điều tra và những ai liên quan, chịu trách nhiệm hình sự ra sao trong vụ án chỉ có thể được khẳng định khi có kết luận cuối cùng của cơ quan công an. Tuy nhiên, nhìn vào quá khứ có thể dễ dàng nhận ra, tình trạng tiếp viên hàng không vận chuyển hàng lậu, hàng cấm trong quá trình làm nhiệm vụ trên các chuyến bay tương tự như trường hợp 4 tiếp viên của Vietnam Airlines vừa qua không phải đến tận bây giờ mới có.

Thậm chí, không ít trường hợp đã từng bị khởi tố, bắt giam vì hành vi này trong những năm trước đây. Có điều, bất chấp có những bài học nhãn tiền nhưng vẫn có những tiếp viên hàng không liều lĩnh “vượt rào”. Và vụ 4 tiếp viên của Vietnam Airlines vừa qua như một hệ quả tất yếu, một kết cục đã được báo trước.
Một trong những điểm đáng chú ý trong nội dung dự thảo Thông tư quy định về kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không của Bộ GTVT là việc không bố trí làm việc tại vị trí chức danh nhân viên hàng không đối với nhân viên có hành vi vi phạm thuộc một số trường hợp, trong đó có hành vi vận chuyển trái phép người, tài sản, hàng hóa.
Nên nhớ, xưa nay hàng không luôn được biết đến là một nghề vừa được xã hội trân trọng, vừa có nguồn thu nhập cao.

Theo như lời khai của 4 tiếp viên hàng không trên thì họ nhận “cầm hộ” số tuýp kem đánh răng (họ không biết bên trong các tuýp kem đánh răng chứa ma túy) với giá 10 triệu đồng.

Giá như những tiếp viên hàng không này sáng suốt hơn, tỉnh táo hơn; giá như công tác quản lý, giám sát nhân viên của các hãng bay chặt chẽ hơn; và giá như văn bản trên được Bộ GTVT ban hành sớm hơn... thì không có những bi kịch như vậy xảy ra, hình ảnh của các tiếp viên hàng không đã không bị ảnh hưởng đến vậy.

Nguyễn Quý

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/gia-nhu.html