Giá nông sản hôm nay 9/7/2025: Giá cà phê 'đổi màu', Hồ tiêu gặp khó; Mỹ lại vừa có tuyên bố mới về thuế đối ứng
Báo Thế giới và Việt Nam cập nhật giá nông sản hôm nay 9/7/2025, giá cà phê, giá tiêu... giao dịch trên thị trường quốc tế và thị trường trong nước:
Giá cà phê hôm nay 9/7/2025
Giá cà phê thế giới lại có pha quay đầu ngoạn mục.
Sắc xanh đã trở lại các sàn giao dịch. Đây cũng là phiên tăng đầu tiên sau 6 ngày giao dịch liên tiếp giảm giá của arabica. Tồn kho cà phê arabica trên sàn giảm và lo ngại đợt giá lạnh mới tại Brazil giúp cà phê sàn New York phục hồi.
Về xu hướng giá, các chuyên gia trong ngành cho hay, rất khó để robusta phục hồi như thời đỉnh cao cách đây mấy tháng. Hiện có nhiều yếu tố tác động đến thị trường ngoài cung - cầu.
Trong khi đó, thị trường cà phê arabica được cho là đã bị bán quá mức sau đợt lao dốc gần đây và đang ở thời điểm thích hợp để điều chỉnh tăng trở lại. Đồng thời, hiện các chuyên gia cho biết thêm rằng, hiện không có nguy cơ sương giá diễn ra tại Brazil, với nhiệt độ ở mức bình thường so với thời điểm này trong năm. Tuy nhiên, thời tiết tại quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu thế giới vẫn sẽ được theo dõi chặt chẽ trong vài tuần tới.
Xuất khẩu cà phê tiếp tục là điểm sáng nổi bật của Việt Nam. Trong tháng 6/2025, khối lượng cà phê xuất khẩu đạt 130 nghìn tấn, trị giá 741,1 triệu USD. Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng khối lượng xuất khẩu cà phê đạt 953,9 nghìn tấn, kim ngạch đạt mức cao kỷ lục 5,45 tỷ USD, tăng 5,3% về lượng và tăng tới 67,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024.
Giá xuất khẩu cà phê bình quân đạt 5.708,3 USD/tấn, tăng mạnh 59,1% so với cùng kỳ năm 2024. Đức, Italia và Tây Ban Nha là 3 thị trường tiêu thụ lớn nhất, chiếm lần lượt 16,3%, 7,9% và 7,4% thị phần.
Tuy nhiên, về dài hạn, Chủ tịch khu vực Mỹ Latinh Oscar Schaps của StoneX, nhận định "trong ba năm tới, chúng ta có thể chứng kiến một cú sốc về nguồn cung".
Theo dữ liệu tổng hợp từ Hãng tư vấn StoneX, Brazil đã trồng thêm 300 triệu cây giống robusta mới trong năm 2025. Mặc dù cần khoảng ba năm để các cây bắt đầu cho sản lượng đáng kể, nhưng số lượng này có tiềm năng giúp tăng thêm 2 triệu bao cà phê. Phần lớn các đồn điền mới ở Brazil đang tập trung vào giống robusta — loại cà phê được sử dụng trong cà phê hòa tan và espresso. Sự chuyển hướng này diễn ra sau khi giá kỳ hạn robusta tăng khoảng 40% trong hai năm qua, giúp tăng thu nhập cho người sản xuất.
Việc mở rộng sản xuất của Brazil diễn ra trong bối cảnh nhu cầu robusta toàn cầu được dự báo sẽ tăng, đặc biệt là ở các quốc gia châu Á như Indonesia và Trung Quốc. Trong khi, tại bang sản xuất robusta hàng đầu là Espirito Santo, nông dân ở các khu vực vốn không phải là vùng trồng cà phê truyền thống cũng đã bắt đầu tiến hành trồng loại cây này. Những đồn điền mới này được tưới tiêu đầy đủ và đang thay thế đất chăn thả gia súc ở khu vực phía Bắc của bang.
Giá cà phê hôm nay 9/7 giao dịch trong khoảng 94.300 - 94.800 đồng/kg.
Giá cà phê trong nước hôm nay 9/7 tăng 1.000 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm. (Đơn vị tính: VNĐ/kg)

(Nguồn: giacaphe.com)
Ghi nhận của Báo Thế giới và Việt Nam, chốt phiên giao dịch ngày 8/7, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London quay đầu tăng, kỳ hạn giao hàng tháng 9/2025 tăng 42 USD giao dịch tại 3.568 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 11/2025 tăng 45 USD, giao dịch tại 3.508 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York giảm, kỳ hạn giao hàng tháng 9/2025 tăng 7,25 Cent, giao dịch tại 285,60 Cent/lb. Kỳ hạn giao tháng 11/2025 tăng 7,35 Cent giao dịch tại 280,45 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình cao.

Giá nông sản hôm nay 9/7/2025: Giá cà phê 'đổi màu', Hồ tiêu gặp khó; Mỹ lại vừa có tuyên bố mới về thuế đối ứng.
Giá tiêu hôm nay 9/7/2025
Giá hồ tiêu trong nước 'quay đầu'.
Thị trường trong nước giảm 1.000 – 2.000 đồng/kg ở một vài tỉnh thành, hiện dao động trong khoảng 140.000 – 142.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Đắk Lắk, giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 142.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg.
Tại khu vực Đắk Nông (tỉnh Lâm Đồng), giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 141.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 140.000 đồng/kg.
Tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 140.000 đồng/kg.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu (TP Hồ Chí Minh), giá tiêu hôm nay ở mức 140.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg.
Tại khu vực Bình Phước (tỉnh Đồng Nai) giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 140.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg.
Giá tiêu thế giới mới nhất được cập nhật từ Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế vào 9:54 ngày 9/7:

Giá hồ tiêu nội địa và xuất khẩu của Việt Nam phục hồi từ tuần trước, sau 5 tuần giảm liên tiếp. Tuy nhiên, trên thị trường thế giới, khi giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm khoảng 200 USD/tấn, các nước khác đều giảm.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, xuất khẩu hạt tiêu trong 6 tháng đầu năm đạt 124,9 nghìn tấn với giá trị 859,6 triệu USD, giảm 12,4% về lượng nhưng tăng 35,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu bình quân đạt 6.881 USD/tấn, tăng 54,8%.
Mỹ, Đức và Ấn Độ là ba thị trường lớn nhất, với thị phần tương ứng là 26,8%, 9,2% và 7,7%. Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sang Ấn Độ đạt 86,7%, Đức tăng 73,7% và Mỹ tăng 34,8%.
Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu lớn nhất, giá trị xuất khẩu hạt tiêu tăng mạnh nhất ở thị trường Anh với mức tăng 2,1 lần và giảm mạnh nhất ở thị trường Hà Lan với mức giảm 12,5%.
Tuy nhiên, nguồn cung gặp khó, Việt Nam đã phải nhập khẩu tăng gấp đôi hồ tiêu Brazil. Số liệu thống kê của Comexstat cho thấy, tính đến hết tháng 6/2025, xuất khẩu hồ tiêu Brazil đạt 49.761 tấn, kim ngạch đạt 309,7 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái lượng xuất khẩu tăng 33,8% và kim ngạch tăng 118,6%.
Các thị trường xuất khẩu chính của hồ tiêu Brazil bao gồm: Việt Nam: 17.563 tấn, chiếm 35,3% thị phần và tăng 197,2% so với cùng kỳ năm 2024. Tiếp theo là các thị trường: UAE: 4.675 tấn, chiếm 9,4% thị phần, tăng 31,4%; Ấn Độ: 4.623 tấn, chiếm 9,3% thị phần, tăng 18,8%; Senegal: 3.696 tấn, chiếm 7,4% thị phần, tăng 1,0% và Morocco: 3.502 tấn, chiếm 7,0% thị phần, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước.
Thông tin thị trường xuất nhập khẩu
Trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social vào ngày 8/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại có tuyên bố mới về thuế đối ứng với nhiều nước, theo đó, ông cho biết sẽ không gia hạn hạn chót áp thuế quan đối ứng mới là ngày 1/8.
“Các nước sẽ bắt đầu thanh toán thuế quan vào ngày 1/8/2025. Không có thay đổi nào đối với ngày này. Nói cách khác, tất cả thuế quan sẽ đến hạn và các nước phải thanh toán từ ngày 1/8/2025. Sẽ không gia hạn thêm”, Tổng thống Mỹ viết.
Trước đó, vào đầu ngày 7/7, ông Trump đã chia sẻ lên Truth Social ảnh chụp màn hình các bức thư nêu rõ mức thuế mới cho lãnh đạo Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Nam Phi, Lào và Myanmar. Sau đó, chủ nhân Nhà Trắng chia sẻ thêm 7 lá thư khác gửi đến lãnh đạo của Bosnia & Herzegovina, Tunisia, Indonesia, Bangladesh, Serbia, Campuchia và Thái Lan.
Theo các lá thư mà ông Trump đăng tải, hàng hóa nhập khẩu từ 5 nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Kazakhstan và Tunisia vào Mỹ sẽ phải đối mặt với mức thuế quan đối ứng 25%.
Hàng hóa của Nam Phi và Bosnia sẽ chịu mức thuế 30% và hàng hóa từ Indonesia chịu thuế 32%. Bangladesh và Serbia bị đánh thuế 35%, trong khi Campuchia và Thái Lan chịu thuế 36%. Hàng nhập khẩu từ Lào và Myanmar sẽ chịu thuế 40%.
Động thái gửi thư diễn ra gần thời điểm ông Trump ký một sắc lệnh hành pháp mới nhằm dời thời hạn áp thuế đối ứng từ ngày 9/7 sang 1/8. Sắc lệnh nêu rõ ông Trump đưa ra quyết định “dựa trên thông tin bổ sung và khuyến nghị từ nhiều quan chức cấp cao”.
Vào tối cùng ngày, vị tổng thống chia sẻ với truyền thông rằng hạn chót 1/8 “không chắc chắn 100%”, hàm ý phía Mỹ sẵn sàng tiếp tục đàm phán thương mại với các nước, theo Bloomberg.
“Không, tôi sẽ nói chắc chắn, nhưng không chắc chắn 100%. Nếu họ gọi điện và bảo ‘chúng tôi muốn đề xuất theo cách khác’, Mỹ sẽ cởi mở với điều đó. Nhưng về cơ bản, đây là cách mọi thứ đang diễn ra ngay lúc này”, ông Trump cho hay. Tổng thống Trump nói thêm, gợi ý ông sẽ đánh giá cao các quốc gia tiếp tục đưa ra các nhượng bộ mới. “Chúng tôi sẽ không đối xử bất công”.