Giá nông sản ngày 22/11/2023: Cà phê giảm, hồ tiêu tiếp tục tăng 1.000 đồng/kg
Ghi nhận giá nông sản ngày 22/11, mặt hàng cà phê tiếp tục giảm 500 đồng/kg, trong khi hồ tiêu tăng 500 - 1.000 đồng/kg so với hôm qua.
Giá nông sản ngày 22/11: Cà phê tiếp tục giảm 500 đồng/kg
Cụ thể, tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) giá cà phê được thu mua với mức 57.100 đồng/kg. Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), Lâm Hà (Lâm Đồng) giá cà phê ở mức 57.000 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 57.800 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 57.700 đồng/kg.
Tại Pleiku (Gia Lai), La Grai (Gia Lai), giá cà phê hôm nay đang ở mức 57.500 đồng/kg. Còn tại huyện Chư Prông (Gia Lai) được thu mua với mức thấp hơn 57.400 đồng/kg.
Tại Gia Nghĩa và Đắk R'lấp (Đắk Nông), giá cà phê lần lượt đạt mức 57.500 đồng/kg, 57.400 đồng/kg.
Tại tỉnh Kon Tum giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 57.500 đồng/kg.
Như vậy, giá cà phê hôm nay đang dao động trong khoảng từ 57.000 - 57.800 đồng/kg.
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 1/2024 giảm 23 USD/tấn, ở mức 2.4825 USD/tấn, giao tháng 3/2024 giảm 16 USD/tấn, ở mức 2.421 USD/tấn.
Trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 3/2024 giảm 2,6 cent/lb, ở mức 168,55 cent/lb, giao tháng 5/2024 giảm 2,7 cent/lb, ở mức 167,7 cent/lb.
Những năm gần đây, cứ vào vụ thu hoạch cà phê, nhất là thời điểm cà phê được giá, nhiều chủ vườn tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị lại đối diện với nạn trộm cắp.
Ông Trần Đông Dương, trú tại thôn Cợp, xã Hướng Phùng cho biết, 2 tuần trước, 10 hàng cây cà phê của gia đình ông bị kẻ trộm đột nhập, tuốt hết quả chín lẫn quả xanh. Nhiều cây cà phê bị bẻ cả cành, nhất là những cành sai quả. Dưới đất, quả rơi vãi, cành và lá nằm la liệt, héo rũ. Vườn cà phê của gia đình ông Dương chẳng khác nào vừa bị bão quét qua.
“Một năm chăm vườn, đến kỳ thu hoạch lại vừa bị trộm, vừa bị phá, bức xúc lắm. Mới đầu mùa nhưng ước tính, gia đình tôi mất khoảng 100kg quả, rơi rụng thêm 100kg. Những cây bị bẻ cành chắc chắn sẽ phải dưỡng thêm 2-3 năm nữa may ra mới ra quả lại. Thật không còn cách nào để ngăn chặn”, ông Dương xót xa.
Cũng theo ông Dương, tình trạng mất trộm cà phê năm nào cũng xảy ra, nhất là thời điểm vào vụ thu hoạch. Ông Dương đã báo cáo sự việc với thôn và xã nhưng chưa thấy tình hình khá lên.
Để canh cà phê, ông Dương phỉa ở trên rẫy đến 7 giờ tối mới về. Khuya đến, ông lại cùng một số hộ dân mang đèn pin đi tuần.
“Một số hộ khác kéo đèn điện ra giữa rẫy, bật sáng cả đêm để canh trộm. Còn tôi, đêm nào cũng phải đi canh cà phê, ban ngày không còn sức lao động nữa”, ông Dương than thở.
Ông Dương cho biết thêm, qua theo dõi, một số hộ dân không trồng cà phê nhưng lại có cà phê mang bán. Mặt khác, một số đại lý thu mua quả cà phê xanh với giá 4.000 - 6.000 đồng/kg. Theo ông Dương, chỉ cần vận động các đại lý này không thu mua quả xanh thì sẽ ngăn chặn được một phần nạn ăn trộm cà phê hiện nay.
Ông Trần Minh Chẩm, trú tại thôn Cợp cũng vừa bị kẻ trộm đột nhập. Kẻ trộm chọn cây nhiều trái hái và bẻ cả cành. Ông ước tính mất khoảng 200kg quả cà phê tươi, đổ dưới đất khoảng 70kg.
“Họ bẻ hết các cành sai quả, muốn phục hồi phải vài ba năm sau nên sẽ ảnh hưởng năng suất các vụ tới. Gia đình bị mất trộm rất nóng ruột. Mong chính quyền vào cuộc quyết liệt để chặn đứng nạn trộm cà phê”, ông Chẩm cho biết.
Ông Phan Ngọc Long, Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng xác nhận, trên địa bàn xã có tình trạng mất trộm cà phê vào vụ thu hoạch trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng vẫn còn tiếp diễn. Để ngăn chặn tình trạng này, chính quyền địa phương đã thành lập đội tuần tra vào các đêm; tuyên truyền, khuyến cáo để các chủ đại lý không thu mua cà phê xanh. Bước đầu, các phương án này đem lại hiệu quả nhưng về lâu về dài phải có các phương án quyết liệt hơn.
“Mất trộm cà phê xẩy ra tại 2 thôn của xã Hướng Phùng. Vừa rồi, tại thôn Cợp có bắt được 4 đối tượng, trong đó có 3 học sinh. Đây đều là những người lần đầu vi phạm nên chính quyền và ngành chức năng đang dừng lại ở mức độ nhắc nhở, nếu tái phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật” - ông Long cho hay.
Giá nông sản ngày 22/11: Hồ tiêu tiếp tục tăng 500 - 1.000 đồng/kg
Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông giá tiêu hôm nay ở mức 70.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức cao nhất toàn miền 72.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.
Trong khi đó, tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 72.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg.
Tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 69.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Gia Lai giá tiêu hôm nay đạt mức 69.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.
Như vậy, giá hồ tiêu toàn miền hôm nay dao động trong khoảng 69.500 - 72.000 đồng/kg.
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) cho biết giá tiêu Indonesia bắt đầu giảm nhẹ; giá tiêu Brazil, Malaysia,.. duy trì ổn định.
Cụ thể, giá tiêu đen Lampung (Indonesia) đang giao dịch ở mức 4.072 USD/tấn, giảm 0,12% so với hôm qua; giá tiêu trắng (Indonesia) ở mức 6.282 USD/tấn, giảm 0,11% so với hôm qua.
Trong khi đó, giá tiêu đen Brazil ASTA 570 cũng tiếp tục giữ nguyên ở mức 3.350 USD/tấn; giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA giữ mức 4.900 USD/tấn; giá tiêu trắng Malaysia ASTA vẫn ở 7.300 USD/tấn.
Giá tiêu đen Việt Nam xuất khẩu cũng vẫn giữ giao dịch ở mức 3.500 USD/tấn với loại 500 g/l, loại 550 g/l mức 3.600 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 5.100 USD/tấn.
Số liệu từ Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết, 15 ngày đầu tháng 11/2023, Việt Nam đã xuất khẩu 9.570 tấn hồ tiêu, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 36,9 triệu USD. Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu nửa tháng 11 bao gồm: Olam Việt Nam: 1.137 tấn, Nedspice Việt Nam: 1.106 tấn, Phúc Sinh: 612 tấn, Pearl Group: 400 tấn và Prosi Thăng Long: 381 tấn…
Mỹ, Trung Quốc và UAE là 3 thị trường xuất khẩu chính trong nửa đầu tháng 11 với lượng xuất khẩu lần lượt đạt: 1.572 tấn, 993 tấn và 636 tấn. Đáng chú ý, thị trường Mỹ và Trung Quốc tăng cường nhập khẩu của Việt Nam so với nửa đầu tháng trước.