Giá phòng trọ tăng bất chấp quy luật, tân sinh viên đổ xô xin ở ký túc xá

Giá nhà trọ quanh khu vực các trường đại học lớn liên tiếp bị 'thổi cao' khiến nhiều tân sinh viên đau đầu tìm chỗ ở.

'Chủ nhà thích là tăng giá, sinh viên ấm ức chịu trận'

Trần Đức Anh (18 tuổi, quê Nghệ An, tân sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội) ra Hà Nội từ hôm 22/8 - trước ngày nhập học 1 tuần - cùng bạn tìm nhà trọ quanh trường, thuận tiện việc đi học.

Sau "bảy bảy bốn chín lần" đi tìm khắp các con ngõ quanh trường, Đức Anh và bạn chốt được căn phòng chừng 15m2 trên phố Tạ Quang Bửu với giá 2,8 triệu đồng/tháng, chưa tính tiền dịch vụ. "Em đi khảo giá nhiều nhà, thấy mức giá này khá hợp lý nên đặt cọc một tháng tiền nhà để thuê, dự tính sau ngày ra nhập học sẽ chuyển đồ về ở", cậu tân sinh viên nói.

Tân sinh viên chật vật tìm nhà trọ đầu năm học mới. (Ảnh minh họa)

Tân sinh viên chật vật tìm nhà trọ đầu năm học mới. (Ảnh minh họa)

Tưởng mọi chuyện êm xuôi, sau ngày nhập học, Đức Anh quay trở lại để dọn dẹp phòng, chuyển quần áo vào ở thì chủ trọ không đồng ý cho thuê mức giá cũ. "Ông chủ lập luận do công an khu vực đang kiểm tra gắt gao công tác phòng cháy chữa cháy nên phải sắm thêm nhiều thiết bị chữa cháy, bình cứu hỏa cho các phòng. Do đó, mức giá thuê mới 3,5 triệu đồng/tháng, nếu không chấp nhận sẽ trả lại một nửa tiền cọc", Đức Anh ấm ức nhưng không biết kêu ai, chỉ sau 1 tuần mà tiền nhà tăng hơn 700.000 đồng bất chấp quy luật.

Đức Anh đành gửi tạm đồ nhà người quen, cùng bạn đi tìm phòng trọ khác nhưng giá nhà trọ bên ngoài tăng quá cao, Đức Anh và nhóm bạn không thể chi trả. Nam sinh cũng dự phòng nộp đơn đăng ký xin vào ở ký túc xá "dù kết quả khá mong manh vì không thuộc diện chính sách".

Rơi vào hoàn cảnh tương tự, Nguyễn Thế Tùng (18 tuổi, quê Tuyên Quang, tân sinh viên trường Đại học Xây dựng Hà Nội) cũng bị chủ nhà ép giá thuê cao chỉ sau vài ngày thuê.

Ngày nhập học, Tùng và mẹ tìm được phòng trọ 16m2 cách trường gần 1km với giá 3,2 triệu đồng/tháng, đóng tiền 3 tháng/lần. Ngoài chi phí phòng trọ, nam sinh phải đóng thêm các chi phí dịch vụ hằng tháng như 150.000 đồng tiền nước, 100.000 đồng tiền internet, tiền điện 4.000 đồng/số, tiền gửi xe 20.000 đồng/xe.

Cắn răng chịu đựng mức giá cắt cổ, Tùng định bụng khi vào học sẽ tìm thêm 2 bạn cùng thuê cho rẻ. Thế nhưng, chỉ mới vào ở được 2 ngày, chủ nhà trọ thông báo mỗi tháng sẽ thu thêm 500.000 đồng tiền đảm bảo phòng cháy chữa cháy.

"Mẹ và em cùng thắc mắc, ông chủ một mực phân tích nhà trọ vừa được sắm thêm nhiều thiết bị đạt chuẩn phòng cháy chữa cháy nên khoản tiền thu thêm này như chi phí bảo hiểm an toàn tính mạng cho người ở", nam sinh nói và cho biết, đã đăng ký vào ở ký túc của trường để không phải chịu cảnh giá trọ tăng bất hợp lý như vậy.

Đức Anh và Tùng chỉ là hai trong số nhiều trường hợp tân sinh viên đang gặp khó khăn trong việc tìm chỗ ở những ngày đầu nhập học. Ngoài gánh nặng về học phí, chi phí sinh hoạt, ăn ở cũng trở thành khoản lớn với tân sinh viên và phụ huynh trong năm học này. Nhiều sinh viên còn lập nhóm trên các trang mạng xã hội để "bóc phốt" những nhà trọ tăng tiền nhà bất chấp.

Đổ xô xin vào ký túc xá

PGS.TS Đinh Văn Hải, Giám đốc Trung tâm truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội dành hơn 1.000 chỗ cho tân sinh viên ở ký túc xá. Tuy nhiên, số lượng sinh viên có nguyện vọng ở ký túc xá lên đến 3.000- 4.000 em, tăng mạnh so với các năm trước.

Lý giải việc này, ông Hải cho rằng, năm nay, giá thuê nhà trọ quanh khu vực trường tăng cao, cùng tâm lý lo lắng về công tác phòng cháy chữa cháy nên số lượng sinh viên đăng ký vào ở ký túc xá năm nay tăng cao. Nhiều trường hợp không nằm trong diện chính sách cũng đăng ký xin vào ở ký túc xá.

Để hỗ trợ tân sinh viên, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng liên hệ với Ban quản lý khu ký túc xác sinh viên Pháp Vân để có phương án hướng dẫn đăng ký và đảm bảo ổn định chỗ ăn ở trước ngày đi học.

Nguyện vọng sinh viên vào ở ký túc xá tăng vọt. (Ảnh minh họa: TBD)

Nguyện vọng sinh viên vào ở ký túc xá tăng vọt. (Ảnh minh họa: TBD)

TS Vũ Trọng Nghĩa, Trưởng phòng truyền thông Đại học Kinh tế quốc dân cho hay, trường có khoảng hơn 2.600 chỗ ký túc xá cho sinh viên. Hàng năm, trường sẽ dành một nửa số lượng để phục vụ tân sinh viên. Tuy nhiên, năm nay số lượng sinh viên có nguyện vọng đăng ký vào ở ký túc xá tăng vọt, đồng thời một số sinh viên năm 2, 3, 4 tiếp tục xin nhà trường ở lại, bởi giá nhà trọ quanh trường tăng quá cao, các em không thể đáp ứng được.

Theo TS Nghĩa, nguyên nhân việc sinh viên đổ xô đăng ký ở ký túc do các cơ quan quản lý nhà nước đang siết chặt công tác phòng cháy chữa cháy, nhiều nhà trọ tư nhân không đảm bảo các yêu cầu phòng chống cháy nổ, yêu cầu về diện tích tối thiểu, thang thoát hiểm nên bị đóng cửa. "Một số chủ nhà trọ lợi dụng chính sách đảm bảo an toàn này của nhà nước để nâng giá nhà trọ khiến các tân sinh viên và gia đình gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm chỗ trọ cho mình", ông Nghĩa nêu.

Hiện nay, các phòng trọ ở khu vực quanh trường Đại học Kinh tế quốc dân rất khan hiếm, đồng thời giá nhà trọ tăng rất cao. Các tân sinh viên cần tìm hiểu kỹ thông tin và tìm đúng chính chủ các nhà trọ có uy tín để làm các thủ tục ở trọ, không nên thông qua các dịch vụ cò cho thuê nhà.

Ông cũng khuyên sinh viên khi ở nhà trọ phải làm hợp đồng thuê nhà đầy đủ, khai báo với công an khu vực đảm bảo bảo vệ quyền lợi hợp pháp. Tân sinh viên cũng có đăng ký ở tại các khu ký túc xá như: KTX Hacinco, Mỹ Đình 2 và Pháp Vân - Tứ Hiệp, mặc dù hơi xa một chút nhưng vẫn có xe buýt đưa đón đến trường.

Đại diện trường Đại học Điện lực Hà Nội cho hay, năm nay nhu cầu sinh viên ở ký túc xá tăng rõ rệt, nguyên nhân do giá phòng trọ quanh khu vực trường tăng cao hơn so với thời điểm từ tháng 7 đổ về trước.

Tuy nhiên số lượng phòng trong ký túc xá trường Đại học Điện lực có hạn, không thể đáp ứng hết nhu cầu của tân sinh viên. Trường ưu tiên sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, diện chính sách đảm bảo các em không chịu thêm áp lực gánh nặng về tài chính trong việc thuê trọ bên ngoài.

Cùng với đó, trường cũng có những hội nhóm sinh viên để hỗ trợ, tư vấn cho tân sinh viên trong việc tìm nhà trọ quanh khu vực trường học, phù hợp với tài chính của các em, đảm bảo sinh viên ổn định nơi ăn ở, tập trung vào việc học sau dịp nghỉ lễ 2/9.

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/gia-phong-tro-tang-bat-chap-quy-luat-tan-sinh-vien-do-xo-xin-o-ky-tuc-xa-ar893068.html