Giá rau xanh ở Hà Nội tăng trở lại
Sau một thời gian giảm mạnh, mấy ngày gần đây, giá rau xanh trên thị trường đã tăng trở lại. Đây được coi là tín hiệu tích cực để người nông dân tập trung vào vụ sản xuất mới với kỳ vọng vào những 'mùa vàng' và cân bằng nguồn cung - cầu rau xanh trên thị trường trong thời gian tới.
Nông dân xã Tiền Phong (huyện Mê Linh) xuống giống vụ rau mới.
Giá rau tăng, nông dân phấn khởi
Ghi nhận sáng 11-3, ở “vựa rau” thôn Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh), bà con nông dân đều phấn khởi vì giá rau đã tăng trở lại. Bà Nguyễn Thị Thế ở thôn Đông Cao, xã Tráng Việt cho biết: “Giá củ cải bán tại ruộng đã tăng gấp 3 lần so với những ngày sau Tết Nguyên đán Tân Sửu. Nếu bán tại ruộng cho thương lái, người dân thu được 3.000 đồng/kg, còn qua sơ chế bán được 4.000 đồng/kg. Với giá này, người nông dân đã có lãi từ 1.000 đồng đến 1.500 đồng/kg…”.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Khang ở xã Tiền Phong (huyện Mê Linh) cho biết, những ngày qua, thương lái đã về thu mua nên giá nông sản bắt đầu tăng.
“Khoảng 15 ngày trước đó, tôi bán 20 củ su hào được 6.000-7.000 đồng thì nay đổ buôn cho thương lái 20.000-22.000 đồng. Trong những ngày tới, dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định trở lại..., giá rau xanh sẽ tiếp tục tăng, người nông dân chúng tôi có lãi để tái sản xuất”, ông Nguyễn Văn Khang cho biết.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới, ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Văn Đức (huyện Gia Lâm) chia sẻ: "Mấy hôm nay, giá rau xanh đã tăng trở lại. Cụ thể, các loại rau ăn lá sản xuất theo quy trình an toàn được bán với giá 7.000-8.000 đồng/kg (trước chỉ 2.000-3.000 đồng/kg). Hiện nay, mỗi ngày hợp tác xã tiêu thụ cho các bếp ăn tập thể trường học, doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng tiện ích với số lượng lên tới 15-20 tấn".
Nông dân xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) tập trung chăm sóc rau.
Về giá rau xanh tăng mạnh trở lại trong những ngày gần đây, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết: "Vụ rau đông và xuân, người dân “tăng gia” thêm và đến nay cơ bản đã thu hoạch gần hết, sản lượng rau xanh đưa ra thị trường giảm. Đặc biệt, các nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể trong các trường học… hoạt động trở lại sau khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát đã có những tác động nhất định tới thị trường rau xanh Hà Nội".
Tập trung chăm sóc rau vụ mới
Hiện tại giá rau xanh tăng mạnh và người dân bắt đầu có lãi. Để ổn định nguồn cung rau xanh trên thị trường trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp khuyến cáo người nông dân tập trung làm đất, trồng rau ở những vùng đã được quy hoạch và thường xuyên thăm đồng để có biện pháp phòng, chống sâu bệnh kịp thời.
Mặt khác, để rau sinh trưởng và phát triển tốt, người trồng rau phải tuyệt đối tuân thủ các kỹ thuật trồng, chăm sóc và sử dụng phân bón phù hợp với từng giai đoạn tăng trưởng của rau để mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bà Nguyễn Thị Hoa, ở thôn Bá Dương Nội, xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) cho biết, hiện nay, gia đình bà đã chuyển sang trồng các loại rau vụ hè như: Rau muống, rau mùng tơi, rau đay, mướp...
Tương tự, theo ông Hoàng Văn Thám, Giám đốc Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ), hiện hợp tác xã đã chuyển toàn bộ các loại rau vụ đông như bắp cải, su hào sang rau vụ hè như: Muống, dền, mùng tơi, bầu, mướp để có sản phẩm mới cung cấp ra thị trường.
Để hỗ trợ nông dân sản xuất và tiêu thụ nông sản ổn định, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô thông tin: Trước mắt, huyện chỉ đạo các xã Tráng Việt, Tiền Phong, Tiến Thắng, Văn Khê, Hoàng Kim tuyên truyền, vận động người dân giảm vụ và đa dạng sản phẩm rau, củ, quả... không sản xuất tràn lan như thời gian vừa qua; đồng thời đẩy nhanh thủ tục đề nghị cấp nhãn hiệu tập thể cho các vùng rau trên địa bàn. Mê Linh sẽ mời một số doanh nghiệp về khảo sát xây dựng nhà máy chế biến củ cải thành các sản phẩm như mứt, kim chi, củ cải sấy khô...
Người dân thôn Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) sản xuất vụ rau mới.
Phó Giám đốc Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: "Để ổn định sản xuất tại các vùng rau trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp chỉ đạo các địa phương hạn chế việc tăng vụ rau, tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm. Với diện tích sản xuất rau nhỏ lẻ, xen kẹt, các địa phương cần quản lý và hướng dẫn nông dân thực hiện đúng quy trình sản xuất an toàn".
Mặt khác, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp thúc đẩy việc xây dựng kho bảo quản, cơ sở chế biến tại vùng rau tập trung để bảo quản sản phẩm khi vào vụ thu hoạch, giảm áp lực tiêu thụ sản phẩm tươi như hiện nay.
Mới đây, tại buổi làm việc, khảo sát thực tế tại xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) về tình hình sản xuất nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, để nghề trồng rau phát triển bền vững, không còn lo về đầu ra của sản phẩm thì nông dân, hợp tác xã phải tập trung vào liên kết chuỗi và bảo quản nông sản, chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm...