Giá rẻ lên ngôi

Khi hàng hóa, dịch vụ giá rẻ được ưa chuộng điều đó cho thấy khả năng chi trả của số đông người tiêu dùng đang bị hạn chế. Hiện tượng này đang xảy ra ở nhiều nước châu Âu cũng như Trung Quốc nhưng nguyên nhân lại khác nhau: một bên do lạm phát (inflation), còn một bên do thiểu phát (deflation).

Người tiêu dùng tìm giá rẻ vì cuộc sống đắt đỏ hơn

Ở nhiều nước khu vực đồng euro, các hệ thống siêu thị, cửa hàng giá rẻ ngày càng phát triển và thu hút người tiêu dùng kể từ khi lạm phát bùng phát. Những cái tên như Action, GiFi, Stokomani, Primark hay Aldi, Lidl trở nên phổ biến hơn là nhờ ở mức giá cạnh tranh. Chiến lược mà các thương hiệu này áp dụng là giá cả bù chất lượng hoặc bán những mặt hàng được xả kho từ nhà cung cấp.

Mặc dù lạm phát đã có dấu hiệu chững lại nhưng khả năng cao là sẽ dai dẳng và kéo dài hơn dự tính của các nhà hoạch định chính sách. Lạm phát lõi (core inflation) của khu vực đồng euro tháng 7-2023 vẫn giữ ở mức 5,5%, và lạm phát toàn phần (headline inflation) là 5,3% sau khi có giảm nhẹ. Vì vậy, mục tiêu lạm phát 2% còn khá xa và nhiều nhà kinh tế dự báo phải đến năm 2025 thì may ra mới đạt được.

Để chống lại lạm phát, các ngân hàng trung ương sử dụng triệt để công cụ lãi suất. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), trong vòng một năm từ tháng 7-2022 đến tháng 8-2023 đã tăng lãi suất 9 lần, nhưng khủng khiếp hơn là lãi suất cơ bản từ 0% lên 3,75% – tức là hơn 3 lần. Chi phí lãi vay tăng mạnh sẽ khiến nhiều hộ gia đình phải cân đối chi tiêu, gánh chịu phần chi phí tăng khi doanh nghiệp có thể chuyển (pass-through) cho người tiêu dùng cuối cùng.

Lạm phát không chỉ bào mòn sức mua của người tiêu dùng có thu nhập thấp mà giờ đây cũng đã chạm đến tầng lớp trung lưu. Các chi phí nhà cửa, năng lượng, thực phẩm, y tế, giáo dục có tốc độ tăng nhanh hơn tốc độ tăng thu nhập đã khiến cho thu nhập thực tế bị giảm. Đây là lý do mà nhiều người ở tầng lớp trung lưu thấy thu nhập tăng nhưng mình lại trở nên nghèo hơn.

Thắt lưng buộc bụng, tìm đến những giải pháp tiết kiệm là lựa chọn hợp lý của nhiều hộ gia đình nhưng đây cũng là một mối nguy cho tăng trưởng của nền kinh tế khi chi tiêu giảm, đà tăng trưởng chưa được phục hồi hoàn toàn sau đại dịch Covid-19. Và đây là vấn đề của nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới: Trung Quốc.

Doanh nghiệp dùng giá rẻ để kích cầu

Không như các nền kinh tế lớn khác bị lạm phát thách thức, Trung Quốc lại rơi vào tình trạng thiểu phát khi khả năng chi tiêu của người dân bị giảm mạnh. Lý do là các chính sách kiểm soát dịch Covid-19 quá chặt và kéo dài, người dân nước này lại không nhận được nhiều hỗ trợ về tài chính nên đã phải dùng đến các quỹ dự phòng. Và với triển vọng kinh tế chưa rõ ràng, các chế độ hưu trí chưa đảm bảo thì người dân rất cân nhắc trong việc chi tiêu giai đoạn này.

Thêm vào đó, suốt nhiều năm qua giá nhà đất, chi phí giáo dục, y tế tăng nhanh đã trở thành gánh nặng của các hộ gia đình. Mặc dù lãi suất còn ở mức thấp nhưng với các khoản vay lớn thì áp lực trả tiền gốc và lãi hàng tháng cũng rất cao đối với nhiều người lao động ở Trung Quốc. Ngoài ra, vấn đề ba thế hệ, tức thế hệ đi làm chính phải lo cho bố mẹ và con cái, khá phổ biến ở đất nước tỉ dân này cũng hạn chế khá nhiều khả năng chi tiêu.

Sức mua kém đã khiến cho nhiều doanh nghiệp ở Trung Quốc dùng chính sách giá rẻ để kích cầu. Nhiều người không khỏi bất ngờ khi biết rằng một buổi ăn sáng ở thủ đô Bắc Kinh với ba món cháo, súp, và sữa có giá chưa tới 10.000 đồng (3 nhân dân tệ). Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực ăn uống cũng áp dụng triệt để các chính sách giảm giá, tăng thêm giá trị với cùng số tiền bỏ ra để thu hút khách hàng trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm và sức mua bị yếu đi.

Nghĩ về người lao động ở Việt Nam

Một khảo sát mới đây về tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động Việt Nam cho thấy đa số người lao động có tiền lương không đủ sống, tiền lương không tăng theo kịp mức tăng của chi phí sinh hoạt. Tầng lớp công nhân luôn là nhóm khách hàng chính của những mặt hàng giá rẻ, vì ưu tiên giá rẻ mà các tiêu chí an toàn, chất lượng trở thành thứ yếu.

Mặc dù dịch Covid-19 cũng đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người lao động nhưng so với Trung Quốc thì Việt Nam có phần nhẹ hơn, vì chính sách kiểm soát không khắc nghiệt bằng và cũng có những hỗ trợ tài chính nhất định cho người lao động. Bên cạnh đó, lạm phát ở Việt Nam cũng được kiểm soát khá tốt, các mặt hàng thiết yếu có tăng giá nhưng không đột ngột và mạnh như ở nhiều nền kinh tế khác.

Để cải thiện sức mua của người lao động, việc tăng lương là điều không tránh khỏi nhưng cũng phải tính đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường thế giới. Và do đó cần thay thế dần lợi thế lao động giá rẻ bằng các lợi thế khác như năng suất, chất lượng. Muốn vậy, cần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào công nghệ, vào R&D.

Trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm lại, lo ngại lạm phát thì tâm lý thắt chặt chi tiêu của người dân sẽ gia tăng. Kéo theo đó, chi tiêu và đầu tư của khu vực tư nhân sẽ bị chậm lại. Lúc này, vai trò chi tiêu và đầu tư của chính phủ sẽ trở nên quan trọng hơn. Các chính sách nghịch chu kỳ (countercyclical) cần được phối hợp để thúc đẩy tăng trưởng, tăng thu nhập thực tế của người lao động, từ đó kéo theo tăng chi tiêu và đầu tư.

Trong giai đoạn kinh tế khó khăn, giá rẻ là giải pháp của cả người tiêu dùng và doanh nghiệp. Tuy nhiên giá rẻ không thể là động lực chính và kéo dài mãi được, vì như vậy thì giá trị gia tăng tạo ra không thể nhiều. Do đó, các chính sách vĩ mô như kiểm soát và ổn định lạm phát, tạo ra việc làm, đảm bảo tăng trưởng trong dài hạn luôn là ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách.

TS. Võ Đình Trí

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/gia-re-len-ngoi/