Giá sách giáo khoa có dấu hiệu 'lợi ích nhóm'

Ý kiến của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV bày tỏ bức xúc vì giá sách giáo khoa, có dấu hiệu 'lợi ích nhóm'.

Đó là nội dung được trình bày trong Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Trình bày báo cáo trên tại Phiên Khai mạc kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV sáng 20/10, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, từ sau Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.365 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước thông qua các Đoàn đại biểu Quốc hội, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên gửi tới kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày báo cáo

Đánh giá cao sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước thực hiện mục tiêu kép

“Cử tri đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, vừa thực hiện phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế và đảm bảo đời sống nhân dân”, ông Mẫn nói.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đổi mới, củng cố hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực; công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, thực hành tiết kiệm đạt nhiều kết quả; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được củng cố; quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả; vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

Đối với hoạt động đối ngoại, cử tri và Nhân dân đánh giá cao những kết quả đã đạt được trên lĩnh vực đối ngoại. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác đối ngoại đã được điều chỉnh linh hoạt, sáng tạo. Việt Nam đã đảm nhiệm thành công các trọng trách Chủ tịch ASEAN năm 2020, Chủ tịch AIPA 41 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, thể hiện được vai trò, trách nhiệm của Việt Nam đối với các vấn đề khu vực và toàn cầu…

Đối với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ông Trần Thanh Mẫn cho biết, cử tri và Nhân dân đánh giá cao nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cấp đã chung sức, đồng lòng cùng người dân và doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid -19; triển khai có hiệu quả nhiều chính sách, giải pháp duy trì, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, kích thích tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

“Sản xuất nông nghiệp tiếp tục thể hiện vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn và đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu”, ông Mẫn nói.

Còn nhiều vấn đề bức xúc trong nhân dân

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cử tri và Nhân dân phản ánh việc triển khai Nghị quyết số 42 của Chính phủ về thực hiện hỗ trợ cho các nhóm đối tượng bị tác động của dịch Covid-19 còn bất cập. Nhiều doanh nghiệp, người dân chưa tiếp cận được gói hỗ trợ.

Hoan nghênh Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm hơn việc giải ngân vốn đầu tư công, song cử tri và Nhân dân còn bức xúc về một số dự án đầu tư công tiến độ triển khai rất chậm, chất lượng thấp, gây lãng phí nguồn lực quốc gia.

Về giáo dục, các ý kiến ghi nhận những nỗ lực của ngành giáo dục, nhưng cử tri và Nhân dân một số nơi bức xúc vì giá sách giáo khoa, có dấu hiệu “lợi ích nhóm”.

“Đặc biệt, việc phát hành và đưa vào sử dụng sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, bộ Cánh diều gây ra nhiều phản ứng trong Nhân dân”, ông Mẫn nhấn mạnh.

Đối với ngành y tế, cử tri và Nhân dân đánh giá cao và ghi nhận những nỗ lực tích cực, hiệu quar trong phòng, chống dịch Covid -19. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân vẫn bức xúc về các hành vi nâng giá thiết bị phục vụ phòng, chống dịch, nâng khống giá thiết bị, vật tư y tế, giá dịch vụ khám, chữa bệnh nhằm trục lợi. Việc liên doanh, liên kết xã hội hóa tại các bệnh viện công còn nhiều lỗ hổng, dẫn đến việc câu kết, lợi dụng trong mua sắm, lắp đặt trang thiết bị y tế khi thực hiện đề án xã hội hóa phục vụ khám, điều trị bệnh cho Nhân dân.

Về vấn đề môi trường, dù ghi nhận Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm hơn đến công tác bảo vệ môi trường, có nhiều nỗ lực trong kiểm soát, xử lý các vi phạm về xả thải ra môi trường, nhưng tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề vẫn diễn ra phức tạp; tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái phép còn xảy ra ở một số nơi.

Cử tri và Nhân dân phản ánh và lo lắng về an toàn hồ, đập, đê chắn sóng, lũ lụt gây thiêt hại nặng nề và mong muốn Nhà nước tiếp tục quan tâm đảm bảo đời sống cho nhân dân vùng bị thiên tai, dành nguồn lực thích đáng trong việc phòng ngừa, chống chịu với thiên tai, đặc biệt trong mùa mưa bão.

Đánh giá cao những kết quả trong đấu tranh, trấn áp tội phạm của ngành Công an, nhưng người dân vẫn lo lắng về tội phạm cướp giật, tín dụng đen, lừa đảo, bắt cóc trẻ em, giết người, đánh bạc qua mạng, cho vay nặng lãi; tội phạm ma túy vẫn diễn biến hết sức phức tạp, mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/gia-sach-giao-khoa-co-dau-hieu-loi-ich-nhom-d131712.html