Giá sách tăng ảnh hưởng ra sao tới sức mua?

Các đơn vị xuất bản cho biết giá giấy in đang tăng lên không ngừng, có những đợt còn tăng theo từng tuần. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới giá sách và sức mua của bạn đọc.

“Cuối tuần trước, mình đến hiệu sách để mua 3 cuốn phục vụ công việc. Lúc chọn sách mình không để ý giá thành lắm. Nhưng đến khi thanh toán thì có hơi giật mình. Hình như dạo gần đây, giá bìa có sự tăng nhẹ”, Minh Ngọc (25 tuổi, Hà Nội) chia sẻ với Zing.

Đồng sở hữu một hiệu sách nhỏ giữa lòng Hà Nội, chị Quỳnh Anh cho biết kể từ giữa năm 2021, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, doanh thu bán sách giảm mạnh. Nhiều khu vực bị phong tỏa khiến sách khó đến tay bạn đọc. Bên cạnh đó, sức mua giảm một phần cũng do giá sách tăng.

 Chi phí sản xuất tăng khiến giá bìa của sách cũng tăng theo. Khi đó, bạn đọc là đối tượng chịu thiệt. Ảnh: Việt Hùng.

Chi phí sản xuất tăng khiến giá bìa của sách cũng tăng theo. Khi đó, bạn đọc là đối tượng chịu thiệt. Ảnh: Việt Hùng.

Giá giấy không ngừng tăng

Việc điều chỉnh giá bìa của một cuốn sách luôn phụ thuộc vào chi phí sản xuất, vận chuyển. Điều này đồng nghĩa với việc khi chi phí đầu vào tăng, giá sách cũng sẽ tăng theo.

Ông Trần Việt Anh - Phó giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam - tiết lộ trong 2 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, khâu vận chuyển gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, giấy, mực in hay những vật tư để làm nên một cuốn sách đa phần phải nhập khẩu.

Mới đây, ông Việt Anh nhận được thông báo từ nhà cung cấp giấy là sang đầu tháng 6, giá giấy lại tiếp tục tăng. “Từ đầu năm đến giờ, giá giấy liên tục tăng theo từng tháng. Có tháng tăng 5-10%, có tháng tăng tới 20%”, ông Việt Anh nói.

Khi chi phí sản xuất liên tục tăng, giá sách tăng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, đại diện Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam cho biết các đơn vị làm sách vẫn cố gắng điều tiết giá bìa ở mức vừa phải; thậm chí phải chấp nhận giảm bớt lợi nhuận để chia sẻ với bạn đọc.

Làm việc với nhiều nhà in khác nhau, bà Nguyễn Hương - Phó tổng giám đốc điều hành Thái Hà Books - chia sẻ trong năm 2021, giá giấy tăng 4 đợt. Riêng trong tháng 5 này, có tới 2 đợt tăng (hôm 1/5 và 15/5).

“Tỷ lệ tăng cũng tùy thuộc từng nhà in, có nhà tăng 5-10%, nhưng cũng có nhà tăng đến 20%. Các nhà in đều báo rằng do dịch bệnh nên vật tư khan hiếm, giấy và mực in khó nhập. Khi giá giấy tăng, giá sách phải có sự điều chỉnh”, bà Hương nói.

Bà Ngô Kim Thủy - Giám đốc kinh doanh công ty bán lẻ Phương Nam Book - cũng cho biết đứng trước thực trạng chi phí sản xuất tăng, đơn vị bà cũng như các nhà xuất bản, công ty sách khác đều phải cân nhắc tăng giá bìa cho phù hợp.

Bà Thủy đưa ra ví dụ với những cuốn sách tái bản, trước đây giá bìa khoảng 100.000 đồng. Hiện nay, giá giấy tăng 10-20%, Phương Nam Book phải điều chỉnh mức giá cao hơn so với đợt in trước, khoảng 105.000-110.000 đồng.

 Các nhà in phải liên tục điều chỉnh giá, ảnh hưởng trực tiếp tới sức mua sách. Ảnh minh họa: T. K.

Các nhà in phải liên tục điều chỉnh giá, ảnh hưởng trực tiếp tới sức mua sách. Ảnh minh họa: T. K.

Sức mua giảm, nguyên nhân chỉ nằm ở giá sách tăng?

“Kể từ đợt dịch bệnh bùng phát mạnh, đối với sách văn học hay các đầu sách khoa học thường thức có giá trị khoảng 300.000-500.000 đồng, đúng là khách cũng dè dặt hơn khi mua”, chị Quỳnh Anh (chủ hiệu sách Trần Lê, Hà Nội) chia sẻ.

Nhưng theo chị, giá sách tăng chỉ là một trong những nguyên nhân khiến sức mua giảm. Những nguyên nhân khác có thể kể đến như nền kinh tế thị trường và giá công nhân ngành in bị ảnh hưởng trong đại dịch.

Đồng tình với quan điểm đó, ông Trần Việt Anh - Phó giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam - lý giải sức mua sách giảm còn do mức thu nhập trong thời điểm Covid-19 của người dân bị giảm sút. Khi thu nhập hạn chế, mọi người phải cắt giảm chi tiêu để tập trung vào mặt hàng thiết yếu.

“Suy cho cùng, sách vẫn là mặt hàng còn khá xa xỉ với nhiều người Việt. Dịch bệnh khiến thị trường sách bị chững lại. Cộng thêm tình trạng lạm phát, giá xăng dầu tăng chóng mặt khiến sức mua của bạn đọc bị ảnh hưởng”, ông Việt Anh giải thích thêm.

Theo ông, giá xăng dầu tăng ảnh hưởng tới cả chi phí đầu vào và khâu vận chuyển, lưu thông nội địa. Tuy nhiên, các đơn vị xuất bản cần tính toán, cân đối cắt giảm những chi phí khác để hạn chế tăng giá bìa, đảm bảo sức mua ổn định.

Trước thực trạng này, Phó tổng giám đốc điều hành Thái Hà Books - Nguyễn Hương - nói: “Chi phí sản xuất tăng, việc bán sách của đơn vị tôi có sự giảm sút. Có một số đầu sách, chúng tôi phải chịu lỗ. Nếu để mức giá tỷ lệ thuận với mức tăng của giá giấy, sẽ rất khó cho độc giả”.

 Một số đơn vị xuất bản điều chỉnh giá sách hợp lý để hỗ trợ bạn đọc. Ảnh: Duy Hiệu.

Một số đơn vị xuất bản điều chỉnh giá sách hợp lý để hỗ trợ bạn đọc. Ảnh: Duy Hiệu.

Hỗ trợ bạn đọc

“Nếu giá giấy tăng 20%, chúng tôi cũng chỉ dám điều chỉnh giá bìa tăng nhẹ ở mức 5-10% để cùng chia sẻ với bạn đọc”, ông Việt Anh cho hay.

Lường trước tình hình giá giấy tăng, Phương Nam Book có chủ trương đặt hàng trước với nhà in để tránh tình trạng biến động giá cả.

“Với những đợt in rơi đúng vào thời điểm chi phí sản xuất tăng, chúng tôi phải giảm lợi nhuận của đơn vị mình xuống để giá bìa sách không bị độn lên quá cao. Mục đích cuối cùng vẫn là hỗ trợ bạn đọc”, bà Thủy nói.

Trong khi đó, bà Kim Ngà - Giám đốc Truyền thông Tân Việt Books - cho rằng một trong những nguyên nhân khiến giá giấy tăng là các cơ sở in hiện tập trung in ấn sách giáo khoa và tham khảo để phục vụ năm học mới. Điều này dẫn đến tình trạng khan hiếm giấy.

Đại diện Tân Việt Books cũng lý giải giá thành chi phí sản xuất tăng chỉ quyết định khoảng 40% sức mua của bạn đọc. 60% còn lại nằm ở thói quen đọc sách của người Việt chưa cao. Bên cạnh đó, sách nói, sách điện tử đang phát triển, bước đầu tạo sự quan tâm trong cộng đồng.

“Khi giá sách tăng, sức mua giảm, chúng tôi cũng không thể ngồi yên mà luôn có tính toán riêng cho việc khuyến khích bạn đọc mua sách thông qua các hoạt động tích hợp không gian đọc với khu vui chơi giải trí, tặng voucher mua hàng…”, bà Kim Nga cho hay.

Thu Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gia-sach-tang-anh-huong-ra-sao-toi-suc-mua-post1320911.html