Gia tài nghệ thuật khổng lồ của cố NSND Trần Phương

Ngày 26-8, NSND Trần Phương qua đời do tuổi cao sức yếu, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp cùng khán giả. Những cống hiến to lớn của ông đối với nền nghệ thuật nước nhà sẽ còn sống mãi với thời gian, trong trái tim những người ở lại…

Lời khuyên của nhà văn Nguyễn Tuân

Nghệ sĩ Trần Phương, SN 1930 tại Thái Nguyên. Ông được coi là một trong những nghệ sĩ thuộc thế hệ diễn viên kỳ cựu và tài năng nhất của điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Nghệ sĩ Trần Phương cũng là một trong những học viên đầu tiên của trường Văn nghệ nhân dân được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Năm 1955, ông trở thành diễn viên của Xưởng phim truyện Việt Nam (Hãng phim truyện Việt Nam sau này).

4 năm sau, ông tham gia đóng chính bộ phim đầu tiên trong sự nghiệp diễn xuất của mình, là “Vợ chồng A Phủ”. Đây được coi là vai diễn thành công nhất trong vai trò diễn viên của nghệ sĩ Trần Phương. Hình ảnh chàng trai người Mông A Phủ mạnh mẽ, sẵn sàng vượt qua nhiều khó khăn, trắc trở để bảo vệ người mình yêu đã đi sâu vào trái tim hàng triệu khán giả. Chia sẻ về những kỷ niệm đóng vai A Phủ, nghệ sĩ Trần Phương cho biết hồi đó, nhà văn Tô Hoài, vừa là tác giả truyện ngắn, vừa là người viết kịch bản phim “Vợ chồng A Phủ”, cũng là một người bạn của NSND Trần Phương đã khuyên ông trước khi vào vai A Phủ phải sống cùng người dân tộc trên miền núi để thâm nhập thực tế rồi mới đóng phim. Bản thân nhà văn Tô Hoài cũng từng trải nghiệm cuộc sống của bà con vùng cao nên mới viết được “Vợ chồng A Phủ”. Chính vì thế, NSND Trần Phương làm theo lời khuyên của nhà văn Tô Hoài để có thêm nhiều tư liệu phục vụ quá trình đóng phim.

Có lần, nghệ sĩ Trần Phương gặp nhà văn Nguyễn Tuân đi thực tế ở Tuần Giáo (Điện Biên) để thâm nhập thực tế viết tùy bút Sông Đà. Nhà văn Nguyễn Tuân mới hỏi nghệ sĩ Trần Phương: “Cậu biết thế nào về thằng A Phủ?”. Hồi ấy nghệ sĩ Trần Phương chưa biết trả lời thế nào nên nói đúng kịch bản của nhà văn Tô Hoài: “A Phủ là người nông dân nghèo khổ, sau này vùng dậy tự giải phóng bản thân”. Nhà văn Nguyễn Tuân mới cười bảo nghệ sĩ Trần Phương chưa hiểu gì về A Phủ.

Theo nhà văn Nguyễn Tuân, A Phủ trước tiên phải cưỡi ngựa rất giỏi, thứ hai là phải biết “ghẹo gái” bởi người dân tộc quen nhau là rủ nhau đi suốt đêm. Nhà văn Nguyễn Tuân khuyên ông bạn mình làm được 2 điều đó thì mới đóng được vai A Phủ. Thế là lời khuyên của nhà văn Nguyễn Tuân lúc nào cũng thường trực trong đầu của nghệ sĩ Trần Phương. Có điều, ông chỉ làm được điều đầu tiên là cưỡi ngựa, còn “ghẹo gái” thì ông “chịu”.

Kỷ niệm sâu sắc nhất đối với nghệ sĩ Trần Phương trong suốt chiều dài bộ phim “Vợ chồng A Phủ” cũng là câu chuyện học cưỡi ngựa. Để có những thước phim đẹp về chàng thanh niên người Mông cưỡi ngựa dũng mãnh, đoàn làm phim đã mua cho NSND Trần Phương một con ngựa để tập cưỡi. Tuy nhiên, con ngựa đó lại vô cùng hung dữ, ông cứ trèo lên người nó là bị nó quật ngã, thậm chí còn…suýt chết, bị cả vết sẹo to trên đầu. Thế là phải tập hàng tháng trời, ông mới có thể cưỡi được ngựa. Đổi lại những khó khăn, vất vả trong quá trình đóng phim chính là tình cảm của khán giả. Nhân dân nơi ông đóng phim nhất quyết không cho ông về xuôi, họ coi ông là trai bản. Sự yêu thương ấy chính là động lực để nghệ sĩ Trần Phương tiếp tục cố gắng mang đến những vai diễn hay cho khán giả.

NSND Trần Phương hồi trẻ. Ảnh tư liệu

NSND Trần Phương hồi trẻ. Ảnh tư liệu

Đạo diễn xuất sắc!

Sau vai diễn đầu tiên này, nghệ sĩ Trần Phương tiếp tục tham gia nhiều bộ phim khác như: “Chị Tư Hậu” (1962), “Tiền tuyến gọi” (1969), “Biển gọi” (1967), “Ngày lễ Thánh”, “Vợ chồng anh Lực”... Bên cạnh sự nghiệp diễn xuất, nghệ sĩ Trần Phương còn quyết định chuyển sang làm đạo diễn phim. Ông đã từng đạo diễn các bộ phim như: “Mưa rơi trên thành phố”, “Dưới chân núi trắng”, “Tội lỗi cuối cùng”, “Hy vọng cuối cùng” (1981), “Đứng trước biển” (1985), “Hoàng Hoa Thám” (1987), “Dòng sông hoa trắng” (1989),… Thập niên 1990, nghệ sĩ Trần Phương từng làm nhiều bộ phim đem về doanh thu cao như: “Vụ án Hồ Con Rùa”, “Dòng thác”, “SBC” (Săn bắt cướp), “Thủ môn từ trên trời rơi xuống”, “Tình ngỡ đã phôi phai”, “Vệt sáng ngược”, “Hai năm nữa anh về”... Trong số các phim nghệ sĩ Trần Phương thực hiện với vai trò đạo diễn, phim “Tội lỗi cuối cùng” đã tạo nên một cơn sốt vé trong các rạp chiếu ở cả Nam lẫn Bắc vào năm 1980, đem về cho đạo diễn Trần Phương giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ V, diễn viên Phương Thanh của phim này giành giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất. Còn phim “Hy vọng cuối cùng” với sự tham gia của hai nghệ sĩ Đặng Tất Bình và Như Quỳnh đã giành giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ VI, nghệ sĩ Trần Phương cũng giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất.

Với những cống hiến to lớn cho sự phát triển của điện ảnh nước nhà, sự ảnh hưởng tích cực đến khán giả, năm 2001, đạo diễn Trần Phương được trao tặng danh hiệu NSND. Năm 2007, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các phim “Hy vọng cuối cùng”, “Tội lỗi cuối cùng”, “Dòng sông hoa trắng”.

Chia sẻ về nghệ sĩ Trần Phương - người anh, một nghệ sĩ gạo cội của làng điện ảnh Việt, NSND Trà Giang cho biết, thời điểm bà cùng nghệ sĩ Trần Phương đóng phim “Chị Tư hậu” là lúc nam nghệ sĩ đã rất nổi tiếng với vai diễn A Phủ, còn bà là diễn viên mới ra trường. Trong mắt NSND Trà Giang cũng như thế hệ nghệ sĩ hồi đó, nghệ sĩ Trần Phương là một đàn anh đẹp trai, tài năng, nhiệt huyết với công việc.

Chị Trần Phương Thủy, con gái của NSND Trần Phương cho biết, cha chị ra đi thanh thản. Trong khoảng thời gian sống cùng con cháu, ông sống rất vui vẻ. Gia đình của nghệ sĩ Trần Phương cho biết, lễ tang của ông sẽ diễn ra từ 14g30 đến 15g30 ngày 30-8, tại Nhà tang lễ TP, 125 Phùng Hưng, Hà Nội, hỏa táng tại Đài hóa thân hoàn vũ Văn Điển.

An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/gia-tai-nghe-thuat-khong-lo-cua-co-nsnd-tran-phuong-207804.html