Gia tăng áp lực… cho trẻ

Các bậc phụ huynh luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với con. Nhưng trước khi làm gì cần nghĩ đến cảm nhận của con cái.

Nhiều trẻ cảm thấy áp lực khi bị cha mẹ so sánh về điểm số. Ảnh minh họa: INT

Nhiều trẻ cảm thấy áp lực khi bị cha mẹ so sánh về điểm số. Ảnh minh họa: INT

Con có thích được khoe?

Trước mặt con, bố mẹ không mấy khi khen ngợi nhưng trước mặt bạn bè, họ hàng con cái luôn là nhất. Thậm chí, không ít người sẽ cố tình thêm thắt một số chi tiết để thành tích của con được nổi bật hơn. Theo chuyên gia, việc phụ huynh mặc sức khoe con bất chấp đúng sai vô tình khiến con trẻ cảm thấy tổn thương. Nếu thành tích đó không phải thật mà chỉ là bố mẹ tâng bốc thì chứng tỏ bản thân con cái vẫn chưa đạt được kỳ vọng. Cũng chính vì thế bố mẹ mới phóng đại thành tích lên để khoe cho bằng “con nhà người ta”.

Bên cạnh đó, khi một lời nói dối xuất hiện chúng ta sẽ phải liên tiếp dùng các lời nói dối khác làm lá chắn. Giữa bố mẹ và con cái sẽ dần hình thành khoảng cách. Con trẻ cũng sẽ bị áp lực phải cố gắng đạt bằng được những lời nói trước đó của bố mẹ.

Ngoài việc cảm thấy không vui, áp lực, thậm chí mệt mỏi khi bị khoe khoang thái quá thì trẻ còn rất có thể bị “nhiễm” tính hay khoe, sống ảo từ cha mẹ. Bởi, khoe khoang thái quá, đồng nghĩa với việc trẻ nói dối.

Chị Nguyễn Thị Hà Thu (Thanh Xuân, Hà Nội) kể, gần nhà có một cháu học Trường Đại học Ngoại giao, chỉ mới thi đỗ vào trường mẹ cháu đã đi khoe khắp họ hàng sau này con bà sẽ làm phiên dịch cho nước ngoài và có thể sẽ sang nước ngoài làm việc. Khi học năm 2, mẹ cháu đã khoe được công ty chào mời. Mỗi khi thấy mọi người hỏi han mà cháu chỉ biết cười trừ “mẹ cháu cứ thích khoe vậy thôi chứ không phải đâu”.

Thế rồi cháu cũng học năm 4, một lần có người hỏi cháu chuẩn bị đi nước ngoài du học nước ngoài và đang dạy Ngoại ngữ cho những người nổi tiếng? Cháu gái “tá hỏa” nhớ ra video đăng tải trên mạng đang phiên dịch để thực hiện cho bài tập thực hành cuối khóa đã bị mẹ “hô biến” thành thông tin mới mẻ khác.

Không phải trẻ nào cũng thích bố mẹ mang thành tích của mình ra để khoe. Bởi đôi khi, điều đó vô tình tạo áp lực cho con khi thành tích được tô vẽ thêm hoặc khi con không đạt được kết quả như mong muốn sẽ thêm phần nặng nề hơn. Thậm chí, chúng cảm thấy cha mẹ quá đáng khi vô tình khiến những người chưa đạt thành tích cao cảm thấy bị tổn thương, hụt hẫng.

Chị Vũ Thu Hiền (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, con gái mới thi đỗ vào lớp 10 với số điểm mong ước. Ngay lập tức, chị gọi điện không thiếu một ai để khoe với chủ đề “cháu nó thừa điểm”. Người mẹ trải lòng, khi biết tin con đỗ, chị rất phấn khích, hồ hởi và không quên chia sẻ lên mạng xã hội. Nhưng trái lại, cô con gái tỏ ra khó chịu, gắt gỏng mà hét lên rằng “mẹ đừng khoe con nữa, còn những người bạn bị trượt thì sao, mẹ đừng xát muối vào cả nhà họ nữa”,… Đến lúc đó, chị Hiền mới giật mình suy xét lại hành vi của mình.

Cha mẹ bớt khen con thái quá chính là giảm áp lực cho trẻ. Ảnh UNICEF Việt Nam.

Cha mẹ bớt khen con thái quá chính là giảm áp lực cho trẻ. Ảnh UNICEF Việt Nam.

Hãy khen ngợi trực tiếp với con

Nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ: Sau những điều tôi khoe về thành tựu của cô con gái út trên trang mạng xã hội của mình, cô bé đã chịu rất nhiều áp lực mà tôi không hề hay biết. Cô bé đã phải cố gắng nhiều hơn nữa, chịu trách nhiệm với kể cả những thứ không thuộc quyền kiểm soát, chức năng, vai trò của mình.

Khi tôi tự hào vì con mình là một lớp phó văn minh, một thành viên của Hội đồng học sinh trường, cô bé đã luôn nỗ lực giữ thành tích cho lớp, tham gia vào mọi hoạt động của trường và… thất vọng khi trong lớp có bạn làm ảnh hưởng đến thành tích của lớp. Sự chán nản của cô bé không phải vì người bạn kéo thành tích đi xuống mà là thất vọng với chính bản thân vì mình không làm được những điều bố tự hào về mình. Tôi nhận ra điều đó khi những ngày cô bé về nhà trở nên trầm lắng hơn rất nhiều. Và khi đó tôi mới nhận ra, những thứ mình viết ra, về cô con gái mình yêu thương hết mực lại thành gây hại cho con mình như thế.

Cô giáo Nguyễn Thị Trường (THCS Bình Ba, Phú Thọ) cho rằng, thay vì tích cực khoe con rồi thành khoe quá đà, cha mẹ hãy động viên, làm bạn với con. Thường xuyên khen ngợi trực tiếp để tạo sự khích lệ cho con. Bởi khi khen ngợi trẻ đúng cách, hào hứng và vui vẻ sẽ là phần thưởng tinh thần vô cùng quý giá. Trong học tập, thi đua khen ngợi sẽ tạo động lực giúp trẻ phấn đấu đạt thành tích cao trong học tập. Còn ở đời sống, khen ngợi sẽ giúp trẻ biết được đâu là việc tốt cần phát huy và đâu là việc không nên làm.

“Bất cứ bậc cha mẹ nào cũng mong muốn con mình học hành giỏi giang, thi cử đỗ đạt, có công ăn việc làm ổn định và thành công trong cuộc sống. Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ được sinh ra đều có những tố chất lẫn thiên hướng khác biệt để hướng tới những công việc khác nhau tùy theo sở thích và năng lực bản thân.

Nghịch lý ở chỗ không phải ai cũng nhận ra điều ấy, nên mới có nhiều cha mẹ không chấp nhận thực tế mà lại luôn ảo tưởng, khoe khoang về con cái mình thái quá. Và điều đó lại trở thành những áp lực nặng nề chồng chất lên đôi vai những đứa trẻ còn chưa kịp lớn”, cô Trường nói.

Nhà văn Hoàng Anh Tú cho biết: Tôi cho rằng việc phụ huynh bày tỏ niềm tự hào với con cái, động viên, khích lệ tinh thần ham học của trẻ là điều rất tốt. Tuy nhiên, chúng ta cần phải làm đúng cách để vừa động viên, khen ngợi, vừa bảo vệ con tránh khỏi những nguy cơ mất an toàn trên không gian mạng.

Tùng Bách

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gia-tang-ap-luc-cho-tre-post644448.html