Gia tăng bệnh nhân mắc cúm A

Tại khoa truyền nhiễm của các bệnh viện tuyến tỉnh hiện đang gia tăng bệnh nhân điều trị cúm A.

Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, trong số 60 bệnh nhi đang có 25 trường hợp mắc cúm, chủ yếu là bệnh nhân mắc cúm A. Bệnh nhi mắc cúm điều trị tại Khoa gia tăng từ khoảng giữa tháng 7. Thời điểm đông nhất, khoa tiếp nhận điều trị 32 bệnh nhi mắc cúm. Để tránh tình trạng lây nhiễm chéo, các bệnh nhi được sắp xếp điều trị tại khu vực riêng ở tầng 1.

Bà Lê Thị L (phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai) đang chăm hai cháu nhỏ mắc cúm A tại Khoa Truyền nhiễm của bệnh viện. Bà chia sẻ: Cách đây 5 ngày, cháu tôi sốt cao và kéo dài, ho, hắt hơi, vì thế gia đình đưa cháu nhập viện và có kết quả tets nhanh dương tính với cúm A. Vài ngày sau, chị của cháu cũng nhiễm bệnh nên cũng được đưa vào viện để điều trị. Bản thân tôi chăm sóc các cháu cũng thấy trong người khá mệt mỏi và đã có triệu chứng của cúm.

Trong những bệnh nhi mắc cúm có bệnh nhi chỉ vài tháng tuổi, bởi vậy việc chăm sóc, theo dõi sức khỏe của trẻ cũng khó khăn hơn. Chị Mai Thị X, mẹ của bệnh nhi 4 tháng tuổi, ở xã Xuân Giao (huyện Bảo Thắng) cho biết: Con tôi sốt cao, sổ mũi, khó thở nên quấy khóc nhiều. Sau vài ngày điều trị, con đã cắt sốt, ít sổ mũi hơn, chỉ còn ho và khò khè. Bác sỹ đã hướng dẫn tôi cách chăm sóc, vệ sinh mũi, họng cho con và các biện pháp phòng bệnh.

Bác sỹ Nguyễn Hà Trang, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh cho biết: Sau khi bệnh nhi nhập viện sẽ được test nhanh, lấy máu xét nghiệm chẩn đoán cúm để có thể đưa ra biện pháp điều trị, cách ly phù hợp. Triệu chứng điển hình của trẻ là sốt cao, sổ mũi, ngạt mũi. Đến nay, chúng tôi chưa ghi nhận trường hợp biến chứng do cúm. Để phòng, tránh bệnh cho trẻ, chúng tôi khuyến cáo phụ huynh vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, rửa tay, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang, bổ sung chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho trẻ. Cha mẹ có thể chủ động tiêm vắc-xin phòng cúm cho con từ 6 tháng tuổi trở lên. Với trẻ từ 6 tháng đến 9 tuổi có thể tiêm 2 mũi vắc-xin cách nhau tối thiểu 1 tháng. Với những trẻ từ 9 tuổi trở lên, có thể tiêm vắc-xin nhắc lại mỗi năm một lần.

Không chỉ trẻ nhỏ, người lớn cũng là đối tượng mắc cúm A. Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện cũng có 13 bệnh nhân mắc cúm đang điều trị với các triệu chứng sốt, ho, ngạt mũi, viêm phổi.

Cụ Nguyễn Thị H, 87 tuổi, ở xã Sơn Hà (huyện Bảo Thắng) là trường hợp bệnh nhân có triệu chứng nặng bởi kèm viêm phổi. Bệnh nhân chuyển đến từ Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng, điều trị tại Khoa Ngoại do đau dây thần kinh liên sườn, hai ngày sau bệnh nhân có triệu chứng cúm và có kết quả tets dương tính với cúm A, sau đó được chuyển đến điều trị tại Khoa Truyền nhiễm.

Con trai của bà Hồng là ông Nguyễn Văn P, 64 tuổi, sau một thời gian chăm mẹ cũng đã bị lây nhiễm. Ông P chia sẻ: Sau hai ngày chăm mẹ, tôi cũng có triệu chứng sốt, đau đầu, sổ mũi và làm thủ tục nhập viện điều trị. Sức khỏe của tôi hiện đã ổn định, còn mẹ tôi do tuổi cao, sức yếu nên chậm hồi phục hơn.

Bác sỹ Nguyễn Thị Hồng Thương, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai không có thuốc kháng vi-rút nên chúng tôi chủ yếu chỉ điều trị triệu chứng cúm và kháng sinh đối với những bệnh nhân mắc viêm phổi kèm theo. Cúm mùa và Covid-19 có đặc điểm chung là đều lây truyền qua viêm đường hô hấp và có triệu chứng viêm long đường hô hấp, sốt, ho. Do đó, khi có triệu chứng biểu hiện bệnh về đường hô hấp, người dân nên đi khám, xét nghiệm để xác định bệnh.

"Hiện nay, một số người dân tự test cúm A và mua thuốc kháng vi-rút điều trị là điều không nên. Việc sử dụng thuốc kháng vi-rút Tamiflu cần phải có chỉ định của bác sỹ, nếu tự uống có thể gây ra tình trạng kháng thuốc rất nguy hiểm. Người dân cũng nên đến cơ sở y tế để được nhân viên y tế test cúm để có kết quả chính xác và được khám, điều trị", bác sỹ Hồng Thương nói.

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong tháng 7 toàn tỉnh ghi nhận 530 trường hợp mắc cúm, tăng 34% so với tháng trước đó. Trên địa bàn tỉnh hiện chưa ghi nhận ổ dịch cúm, các ca bệnh cúm mắc rải rác trong cộng đồng. Ông Phạm Văn Chiến, Phó trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Hệ thống giám sát thường quy về bệnh truyền nhiễm của ngành y tế từ tuyến tỉnh, huyện, xã vẫn đang giám sát chặt chẽ để kịp thời phát hiện, xử lý khi có ổ dịch xuất hiện. Bệnh cúm thông thường diễn biến nhẹ và sẽ hồi phục trong vòng từ 2-7 ngày, nhưng với người già, trẻ em có sức đề kháng kém, đặc biệt là người có bệnh mãn tính thì bệnh cúm có thể diễn biến nặng hơn và dễ gây các biến chứng. Bởi vậy, người dân cần chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm vắc xin phòng cúm; sử dụng khẩu trang khi đến nơi đông người, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm; vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu... cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và xử lý kịp thời.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/359377-gia-tang-benh-nhan-mac-cum-a