Gia tăng bệnh nhân nhập viện sau Tết
Sau Tết, tại nhiều bệnh viện, lượng bệnh nhân đến khám, điều trị các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa, hô hấp, mạn tính, đột quỵ tăng trước Tết. Chuyên gia y tế khuyến cáo, sau Tết, người dân cần chủ động bảo vệ sức khỏe trước những thay đổi thất thường của thời tiết.
Bệnh nhân đến khám, điều trị tăng cao
Đến Bệnh viện Đa khoa Vân Đình (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) khám sức khỏe sau Tết, bà N.T.H. (73 tuổi, xã Lưu Hoàng, huyện Ứng Hòa) cho biết, bà bị bệnh tim mạch, tăng huyết áp nên bà thường xuyên phải đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe và lấy thuốc.
“Bản thân tôi phát hiện mắc bệnh mạn tính vài năm trở lại đây. Với căn bệnh này, tôi phải tuân thủ nghiêm phác đồ điều trị của bác sĩ để tránh dẫn đến những biến chứng sau này. Vì thế, tôi phải chủ động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, nhất là dịp sau Tết” – bà H. chia sẻ.
Đang điều trị tại khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Vân Đình, bệnh nhân C.Đ.H. (sinh năm 1982, trú tại xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa) cho hay: “Tôi vào viện khám và được chuẩn đoán mắc viêm tụy cấp. Trong quá trình điều trị tại bệnh viện, tôi được các y, bác sĩ chăm sóc, điều trị tận tình, chu đáo, sức khỏe của tôi đã dần hồi phục”.
Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa Vân Đình cho thấy, lượng bệnh nhân đến khám sau Tết tăng lên đáng kể so với thời điểm trước Tết. Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Vân Đình cho biết, trung bình, đơn vị tiếp đón 700 - 900 lượt bệnh nhân/ngày.
Bệnh nhân đến khám sau Tết Nguyên đán tăng khoảng 10% so với trước Tết. Các bệnh nhân đến khám chủ yếu là các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, tiêu hóa...
Cũng từ ngày 15/2 người dân đi làm trở lại, tại khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Vân Đình tiếp nhận, điều trị trung bình 20 bệnh nhân/ngày.
Các bệnh nhân đến khám hầu hết liên quan đến bệnh đường tiêu hóa như viêm tụy cấp, viên dạ dày, xơ gan; một số bệnh nhân liên quan đến nội tiết như đái tháo đường; bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm phế quản phổi mãn...
Bác sĩ Nghiêm Xuân Khương - Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Vân Đình cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do người dân có suy nghĩ ngại đi viện trong dịp Tết hoặc sử dụng thuốc điều trị không đều; uống rượu, bia nhiều trong dịp tết; ăn uống không điều độ, khoa học...
Đặc biệt, các bệnh nhân viêm tụy cấp, viêm dạ dày, xuất huyết tiêu hóa tăng khá nhanh. Có những ngày, khoa tiếp nhận đến 80% bệnh nhân liên quan đến tiêu hóa do uống rượu, bia gây ra. Tại khoa có khoảng 5 bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa, 6 bệnh nhân viêm tụy cấp, 15 bệnh nhân viêm dạ dày.
Dịp Tết, do bệnh nhân ăn nhiều bánh, kẹo nên tiểu đường không kiểm soát được. Nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng tăng đường huyết cao. Bên cạnh đó, do thời tiết rét, nóng, ẩm có nhiều bệnh nhân nhập viện liên quan đến đường hô hấp....
Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mỹ Đức, sau những ngày nghỉ Tết, số lượng bệnh nhân có xu hướng tăng. Các bệnh nhân đến khám chủ yếu liên quan đến các bệnh lý về tim mạch, tăng huyết áp, tiêu hóa, hô hấp...
Bác sĩ Nguyễn Văn Quý - Phụ trách khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa huyện Mỹ Đức cho biết, lượng bệnh nhân vào khoa Ngoại tổng hợp điều trị tăng khoảng 30% so với trước Tết. Các bệnh nhân được điều trị liên quan đến các bệnh lý đường tiêu hóa như viêm tụy cấp, viêm dạ dày...
Bên cạnh đó, đặc thù trên địa bàn huyện Mỹ Đức có tổ chức lễ hội chùa Hương nên du khách thập phương đi lại di chuyển nhiều, có các trường hợp bệnh nhân liên quan đến tai nạn, chấn thương...
Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Cao Thanh Đỗ - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa huyện Mỹ Đức cho hay, do dịp Tết, người dân thay đổi thói quen sinh hoạt như thức khuya, ăn uống nhiều đồ ăn giàu chất đạm, chất mỡ, uống rượu, bia...
Đặc biệt, dịp Tết, người dân thường tụ tập chúc tụng nhau, ra Tết nhiều hội hè tập trung đông người là yếu tố thuận lợi phát triển, lây lan các bệnh liên quan đến hô hấp. Trong đó, trẻ em và người già là nhóm đối tượng có sức đầy kháng kém dễ mắc các bệnh liên quan đến hô hấp... Ngoài ra, thời tiết nồm, ẩm, rét đậm là điều kiện thuận lợi để phát triển các bệnh lý về hô hấp.
Chủ động bảo vệ sức khỏe sau Tết
Còn tại Bệnh viện Thanh Nhàn, trước, trong và đặc biệt sau Tết, đơn vị tiếp nhận nhiều bệnh nhân viêm tụy cấp, nguyên nhân chủ yếu do rượu bia.
Bác sĩ Lại Thanh Hà – Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, năm 2023, lượng bệnh nhân đến khám tại khoa khám bệnh trung bình tăng 500 đến 1.000 lượt người/tuần so với năm 2022.
Sau Tết năm 2024, bệnh nhân cũng theo xu hướng tăng lên so với đầu năm 2023. Nếu như ngày thường, trung bình chỉ từ 1.400 đến 1.500 bệnh nhân/ngày, thì sau Tết hơn 1.900 bệnh nhân/ngày, tăng khoảng 500 bệnh nhân.
Số lượng bệnh nhân quá tải tập trung ở nhóm bệnh mạn tính như bệnh lý tim mạch là 60-70 bệnh nhân/ngày và nội tiết là 40-50 bệnh nhân/ngày.
Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, sau kỳ nghỉ Tết, đơn vị đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân đột quỵ phải nhập viện điều trị. Đặc biệt, trong những ngày thời tiết chuyển lạnh của miền Bắc, mỗi ngày, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 50 - 55 người bệnh bị đột quỵ, trong số đó khoảng 8% là người trẻ.
TS Trần Song Giang - Trưởng Đơn vị C9, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngay từ những ngày đầu đi làm sau kỳ nghỉ Tết, đơn vị C9 đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân đột quỵ phải nhập viện điều trị trong tình trạng nguy cấp, trong đó có 2 trường hợp điển hình.
Nguyên nhân gây ra đột quỵ ở cả 2 bệnh nhân đều là do việc điều trị tăng huyết áp (THA) chưa được tốt. HA tối ưu cần đạt được khi điều trị là dưới 130/80mmHg. Theo bác sĩ, khi HA còn cao trên 140/90mmHg, cần quay lại gặp bác sĩ để tăng liều thuốc hoặc thêm thuốc. Bác sĩ cũng lưu ý, bệnh nhân không được tự ý bỏ thuốc, hoặc uống thuốc không đều hàng ngày.
TS Trần Song Giang cảnh báo, cả 2 bệnh nhân bị đột quỵ nhồi máu não nhưng nhập viện muộn. Nếu nhập viện sớm, trong giai đoạn "giờ vàng" (tính từ lúc xuất hiện triệu chứng bất thường cho đến khi được chẩn đoán là từ 4-6 giờ), bệnh nhân sẽ được dùng thuốc tiêu cục máu đông hoặc được hút cục máu đông gây tắc mạch não thì các dấu hiệu của đột quỵ như liệt nửa người sẽ được hồi phục nhanh chóng, thậm chí có thể trở về bình thường. Do đó, khi xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ cần đến bệnh viện ngay lập tức.
Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, sau Tết, người dân cần chủ động bảo vệ sức khỏe. Trong đó, người dân nên hạn chế sử dụng rượu, bia, chú ý đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày, bổ sung vào bữa ăn các loại rau xanh, trái cây để tăng cường vitamin và chất xơ, hỗ trợ tiêu hóa...
Bên cạnh đó, người dân chủ động bảo vệ sức khỏe trước những thay đổi thất thường của thời tiết, nhất là thời điểm rét đậm, nồm ẩm, tránh mắc các loại bệnh về hô hấp...
Đặc biệt, sau Tết, các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính như tiểu đường, tim mạch, tăng huyết áp... cần đi khám lại theo hẹn để các bác sĩ kiểm tra phát hiện thay đổi bất thường kịp thời, điều chỉnh đơn thuốc, tư vấn chế độ dinh dưỡng, luyện tập giúp giữ gìn sức khỏe và phòng tránh những biến chứng sau này.
Bộ Y tế khuyến cáo, sau Tết, nhiều dịch bệnh đường hô hấp có thể lây lan; người dân đi lại, tham gia các lễ hội đông người cần đeo khẩu trang để đảm bảo tránh lây lan các dịch bệnh qua đường hô hấp.
Đặc biệt, với những người có dấu hiệu sốt, ho, khó thở... cần đến các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán kịp thời và có biện pháp phòng bệnh lây lan.
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đột quy cao nhất, với khoảng 200.000 người bị đột quỵ mỗi năm. Đột quỵ là nguyên nhân thường gặp thứ hai gây tử vong tại Việt Nam. Trong số người sống sót sau đột quỵ, tỷ lệ bị khuyết tật do đột quỵ ở mức cao. Những năm gần đây, nhờ công tác truyền thông nên số người dân bị đột quỵ đến viện sớm đạt khoảng 20%. Tuy nhiên, con số này vẫn là rất thấp so với thế giới.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/gia-tang-benh-nhan-nhap-vien-sau-tet.html