Gia tăng bệnh nhi mắc bệnh tay – chân – miệng
Hiện nay, tại Bệnh viện Sản – Nhi, lượng bệnh nhi mắc bệnh tay – chân - miệng đến khám và điều trị đang gia tăng.
Tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản – Nhi có 18 buồng bệnh thì đến 10 buồng dành để điều trị bệnh nhi mắc bệnh tay – chân – miệng. Những em bé bị mọc những nốt mụn nước ở tay, chân, niêm mạc miệng… rất đau đớn, khó chịu nên quấy khóc, bởi vậy, phụ huynh chăm sóc các em cũng lộ rõ vẻ mệt mỏi, lo âu.
Chị Đại Thị Xuân, phường Sa Pả (thị xã Sa Pa) chăm con trai Lê Bảo Bình, 17 tháng tuổi đã điều trị 9 ngày tại viện. Chị chia sẻ: Tôi thấy cháu có biểu hiện sốt, tay, miệng có nốt đỏ nên đã đưa cháu đến bệnh viện khám, tại đây, các bác sỹ chẩn đoán cháu bị tay – chân - miệng, có tình trạng bội nhiễm nên cho cháu nhập viện điều trị… Đến nay, con tôi đã hết sốt, các vết phỏng nước trên da đã se lại.
Bệnh nhi Hà Thiên Phúc ở phường Nam Cường (thành phố Lào Cai) cũng đã điều trị nội trú được 3 ngày. Chị Chu Thị Thu - mẹ cháu chia sẻ: Con tôi có biểu hiện sốt nhưng tôi chủ quan và không cũng biết cháu bị bệnh nặng nên hai hôm sau mới cho cháu đến bệnh viện. Cháu vào viện trong tình trạng sốt cao liên tục, đau miệng, ăn kém, da phỏng nước rải rác ở cả tay, chân, miệng và mông, niêm mạc miệng viêm loét.
Tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản – Nhi hiện nay có 30 bệnh nhi thì hơn một nửa bệnh nhi điều trị bệnh tay – chân – miệng. Bác sỹ Nguyễn Thị Phương Thúy chia sẻ: Mọi năm, bệnh chân – tay – miệng thường khởi phát vào mùa thu đông, khoảng tháng 9, tuy nhiên, năm nay bệnh xuất hiện sớm hơn.
Bệnh tay – chân –miệng do 2 loại virus đường ruột là Coxsackie A16 và Enterovirus 71 hay gọi là EV71 gây ra. Biểu hiện phỏng nước do vi rút Coxackie to và dày hơn vi rút EV71, vết loét thường to và sâu hơn. Tuy nhiên, bệnh do vi rút EV71 độc tính khá mạnh nên có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương và gây biến chứng nặng như viêm cơ tim, phù phổi cấp, viêm màng não, nặng có thể dẫn đến tử vong. Đường lây bệnh chủ yếu là do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết ở mũi, miệng, họng và bọng nước hoặc phân của người bị bệnh. Ngoài ra, tiếp xúc gián tiếp với quần áo, đồ chơi, bát đũa... của trẻ mang bệnh.
Trẻ cần được khám tại cơ sở y tế để bác sỹ đánh giá mức độ bệnh, tuyệt đối không nên tự điều trị. Mức độ 1 là bệnh nhẹ có thể điều trị tại nhà, trẻ có tổn thương ở da, đi kèm hoặc không kèm sốt, khi đó, cha mẹ sẽ được bác sỹ hướng dẫn đầy đủ cách chăm sóc, phát hiện sớm các triệu chứng nặng để đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời. Tuy nhiên, từ độ 2a là mức độ bệnh nặng, trẻ có biểu hiện như có nốt phỏng nước, sốt cao liên tục không thể hạ được, mệt mỏi, ngủ nhiều, lơ mơ, giật mình, thở nhanh, run chi… thì cần điều trị nội trú.
Theo thống kê, một tháng qua đã có 38 bệnh nhi mắc tay - chân - miệng phải điều trị nội trú và 133 bệnh nhi được bác sỹ chỉ định điều trị ngoại trú sau khi đến khám tại Bệnh viện Sản - Nhi. Bác sỹ Nguyễn Thị Phương Thúy chia sẻ: Một lượng bệnh nhi khá lớn điều trị ngoại trú chính là nguồn lây nhiễm bệnh trong cộng đồng. Bệnh tay – chân – miệng hiện chưa có vắc xin phòng bệnh nên để phòng bệnh trong cộng đồng, cần thực hiện các bước như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt trước khi bế trẻ, sau khi đi vệ sinh…; thực hiện tốt vệ sinh ăn chín, uống sôi, đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày, không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ dùng chung khăn ăn, đồ chơi; thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, tay nắm cửa; không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh, hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cách ly trẻ mắc bệnh tại nhà, không đưa trẻ đến nhà trẻ, trường học; bổ sung vitamin tăng cường sức đề kháng cho trẻ...
Trước tình trạng gia tăng bệnh nhi mắc bệnh truyền nhiễm trong thời điểm hiện nay, Bệnh viện Sản – Nhi đã tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng, chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc bệnh viện chia sẻ: Bệnh viện đảm bảo thực hiện vệ sinh sạch sẽ không gian bệnh viện, xử lý rác thải đúng quy định; chuẩn bị nước sát khuẩn tay nhanh trước cửa buồng bệnh… Bên cạnh đó, chúng tôi đã khuyến cáo người nhà khi chăm sóc trẻ có thể nhiễm vi rút gây bệnh nên không nên đi lại tự do giữa các phòng bệnh; hạn hế tối đa người nhà vào phòng bệnh, không mang các vật dụng, đồ chơi từ bệnh viện về nhà, nếu mang cần tiệt trùng sạch sẽ.