Gia tăng bệnh viêm màng não ở trẻ em
Khi thời tiết thay đổi thất thường, đặc biệt thời điểm giao mùa là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh phát triển. Thời gian vừa qua, các cơ sở y tế trong tỉnh đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều trẻ nhập viện mắc viêm màng não, nguyên nhân chủ yếu do Enterovirus (viết tắt là EV).
Khoảng 3 tuần trở lại đây, mỗi ngày Khoa hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Sản – Nhi Hưng Yên tiếp nhận từ 2 đến 3 trẻ bị viêm màng não nhập viện với triệu chứng bị sốt, nôn nhiều, mệt mỏi, đau đầu... Qua khám lâm sàng, nhận thấy đây là những triệu chứng nghi ngờ viêm màng não nên trẻ được chỉ định làm các xét nghiệm chẩn đoán. Kết quả cho thấy trẻ bị viêm màng não do EV. Bệnh nhi Trần Hương Gi., 6 tuổi có tiền sử khỏe mạnh, 2 ngày trước khi vào bệnh viện, bệnh nhân xuất hiện sốt cao, đau đầu từng cơn, đau quặn bụng, không đi đại tiện được. Bệnh nhân được uống thuốc hạ sốt nhưng không giảm nên được đưa vào Bệnh viện Sản – Nhi Hưng Yên. Sau khi nhập viện, các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm chẩn đoán bệnh. Kết quả cho thấy trong dịch não tủy của bệnh nhân có nhiều tế bào bạch cầu, chủ yếu là bạch cầu Lympho, xét nghiệm PCR dương tính với EV. Sau 5 ngày điều trị theo phác đồ viêm màng não do vi rút, bệnh nhân tỉnh táo, hết sốt, không có biến chứng và được xuất viện.
Bác sĩ Lê Mạnh Tuấn, Khoa hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Sản – Nhi Hưng Yên cho biết: Viêm màng não vi rút là tình trạng viêm màng não do căn nguyên vi rút gây nên, bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng nguy cơ cao hơn ở những người suy giảm miễn dịch và trẻ em. Căn nguyên gây viêm màng não vi rút thường gặp nhất là EV. EV là một họ vi rút đường ruột, gồm nhiều loại vi rút khác nhau và có thể gây bệnh thành dịch. EV chủ yếu lây qua đường tiêu hóa, nghĩa là người bệnh sẽ đào thải vi rút qua phân. Do không vệ sinh sạch sẽ, vi rút có thể bám trên tay, sau đó lây lan qua nhiều đồ dùng cá nhân, thức ăn, bề mặt bàn ghế qua cầm nắm… từ đó lây nhiễm cho trẻ xung quanh. Ngoài gây ra tình trạng viêm màng não, EV còn gây ra bệnh lý tay – chân – miệng.
Các triệu chứng chính của viêm màng não do vi rút nói chung và EV nói riêng có thể xuất hiện đột ngột, bao gồm: Sốt, ớn lạnh, đau đầu, cổ cứng, buồn nôn hoặc nôn, suy giảm tri giác (lơ mơ), chán ăn, mệt mỏi, tình trạng nặng có thể hôn mê, mất nước nặng, co giật. Ở trẻ sơ sinh, triệu chứng thường không đặc hiệu, bao gồm: sốt, nôn, thóp phồng, bú kém, ngủ nhiều…
Điều trị triệu chứng hiện đang là phương pháp chính trong quản lý bệnh viêm màng não do vi rút với các thuốc giảm đau, hạ sốt, giảm viêm và dinh dưỡng nâng cao thể trạng… Đến nay, bệnh chưa thấy có biến chứng đặc biệt, bệnh thường lành tính, điều trị khoảng từ 5 đến 7 ngày là xuất viện, chỉ một số ít biến chứng nặng, có thể suy tuần hoàn, suy hô hấp phải thở oxy, thở bằng máy.
Năm nay số ca bệnh viêm màng não do nhóm vi rút đường ruột EV tăng đột biến. Triệu chứng của bệnh là sốt, buồn nôn, đau đầu, cổ cứng, kèm theo rối loạn tiêu hóa. Nhiều cha, mẹ khi thấy con sốt, tiêu chảy lại nghĩ đến con bị ngộ độc thực phẩm hoặc sốt vi rút nên tự điều trị tại nhà. Vì vậy, có trẻ vào bệnh viện trong tình trạng bị co giật do sốt cao. Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện nay đang điều trị cho gần 10 ca bệnh mắc viêm màng não do EV...
Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh viêm màng não do EV chưa có thuốc đặc trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Vì vậy, để phòng bệnh cho trẻ, cha mẹ và người chăm sóc cần hướng dẫn trẻ vệ sinh tay sạch với xà phòng trước khi ăn, sau khi ho, hắt hơi, đi vệ sinh. Thực hiện ăn chín, uống sôi, sử dụng thực phẩm sạch có nguồn gốc rõ ràng. Vệ sinh đồ chơi chung, giữ môi trường sống sạch sẽ, khử trùng các bề mặt tiếp xúc nhiều như tay nắm cửa, bàn, ghế để ngăn ngừa lây lan vi rút. Cho trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất khi có dấu hiệu nôn, đau đầu, không đáp ứng với thuốc hạ sốt để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Trước nguy cơ viêm màng não do vi rút EV dễ lây lan ở nhóm trẻ mầm non, tiểu học, bác sĩ khuyến cáo, các nhà trường hướng dẫn trẻ rửa tay với xà phòng sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn; vệ sinh phòng học, tẩy rửa nhà vệ sinh, vệ sinh khử khuẩn đồ chơi, sàn nhà, bát đũa. Phụ huynh cần thông báo với giáo viên nếu con mắc bệnh truyền nhiễm để nhà trường có biện pháp phòng bệnh tránh lây lan sang các học sinh khác.
Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/gia-tang-benh-viem-mang-nao-o-tre-em-3176558.html