Gia tăng 'đối trọng' gìn giữ ổn định Biển Đông

3 cường quốc châu Âu là Anh, Pháp, Đức (nhóm E3) gửi công hàm chung lên Liên hợp quốc (LHQ) vào ngày 16-9 khẳng định lập trường bảo vệ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982 đối với vấn đề Biển Đông. Giới chuyên gia quốc tế cùng chung đánh giá, sự kiện này đã ghi thêm một 'dấu mốc' quan trọng trong nỗ lực toàn cầu nhằm duy trì ổn định, hòa bình trên Biển Đông.

Cán bộ, chiến sĩ trên đảo Đá Lát, quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: TTXVN

Cán bộ, chiến sĩ trên đảo Đá Lát, quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: TTXVN

Góp sức hữu hiệu

Theo Tiến sĩ Takashi Hosoda, chuyên gia nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương, Đại học Tổng hợp Charles (Cộng hòa Czech), Công hàm của E3 vừa qua đã khẳng định cho nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) trong việc giải quyết các diễn biến phức tạp trên Biển Đông. Điểm nhấn quan trọng nhất trong Công hàm của E3 là lập trường chung về thượng tôn luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS năm 1982, đồng thời khẳng định phương pháp giải quyết mọi tranh chấp phải bằng biện pháp hòa bình.

Lý giải về sự vào cuộc quyết liệt của E3, Tiến sĩ Jan Hornat, chuyên gia nghiên cứu về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Đại học Tổng hợp Charles (Cộng hòa Czech) cho rằng, Biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với EU trong các lĩnh vực kinh tế, an ninh, thương mại toàn cầu. Vì vậy, việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do hàng hải tại khu vực Biển Đông nói riêng và toàn thế giới nói chung mang yếu tố “sống - còn” của EU.

Mặt khác, theo giới chuyên gia quốc tế, tầm ảnh hưởng và uy tín của EU trên toàn cầu là rất lớn với việc sở hữu nhiều thành viên là cường quốc, đồng thời, nhiều cường quốc ngoài EU cũng có mối quan hệ chặt chẽ với Khối trong việc giải quyết nhiều vấn đề bất ổn trên thế giới. Trong EU, Đức và Pháp là hai quốc gia “đầu tàu” định hình chính sách chung của Khối; Anh và Pháp là 2 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ. Các nước thành viên của EU cũng là thành viên của UNCLOS 1982.

Ông Vaclav Kopecky, chuyên gia nghiên cứu về an ninh châu Á, Hiệp hội các vấn đề quốc tế (AMO) nhìn nhận, Công hàm mới đây của nhóm E3 có thể cho thấy, EU đang ngày càng đóng góp vào nỗ lực chung của thế giới trong việc gìn giữ hòa bình, ổn định trên Biển Đông, từ đó tạo ra nền tảng trọng yếu cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng của khu vực nói riêng cũng như toàn cầu nói chung.

Trong một bài đăng mới đây, Báo Tin tức của Czech dẫn lời đánh giá của chuyên gia luật pháp quốc tế Jonathan Odom cho rằng, việc lần đầu tiên Anh - Pháp - Đức gửi Công hàm lên LHQ với nội dung chi tiết về vấn đề Biển Đông là minh chứng cho thấy, lập trường của 3 cường quốc này đã có sự điều chỉnh quan trọng. Nhiều ý kiến bình luận rằng, 3 cường quốc đại diện cho EU đang thể hiện lập trường “cứng rắn” hơn của EU đối với vấn đề Biển Đông.

Từ những cơ sở đó, giới chuyên gia quốc tế bày tỏ niềm tin rằng, E3 nói riêng và EU nói chung chắc chắn sẽ tiếp tục đóng góp một cách thiết thực hơn nữa để bảo vệ luật pháp quốc tế, gồm UNCLOS 1982, cũng như bảo vệ nền hòa bình, ổn định trên Biển Đông. Đặc biệt, sự vào cuộc quyết liệt của EU sẽ tạo nên “đối trọng” giúp duy trì sự cân bằng quyền lực tại khu vực.

Bảo vệ pháp lý quốc tế

Trả lời truyền thông về lý do Anh - Pháp - Đức lên tiếng về vấn đề Biển Đông, mới đây, Tiến sĩ Guido Hildner, Đại sứ Đức tại Việt Nam cho biết, Công hàm vừa qua của E3 không phải là lần đầu tiên ba nước châu Âu này công khai quan điểm về vấn đề Biển Đông lên LHQ mà đã lên tiếng nhiều lần trước đây. Công hàm mới của E3 tái khẳng định lập trường nhất quán về tôn trọng luật pháp quốc tế và giải quyết mọi vấn đề, mâu thuẫn, tranh chấp theo luật pháp quốc tế, gồm UNCLOS 1982. Tiến sĩ Guido Hildner nhấn mạnh rằng, UNCLOS 1982 là “chìa khóa” duy nhất để giải quyết các vấn đề trên biển bởi Công ước này quy tụ đầy đủ nội dung, bao trùm,hoàn thiện mọi vấn đề như chủ quyền biển đảo, giải thích các thuật ngữ, cách giải quyết các mâu thuẫn nảy sinh.

Đảo Phan Vinh thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Đảo Phan Vinh thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Chia sẻ về lý do Đức cùng Anh và Pháp đưa ra tuyên bố về Biển Đông vừa qua, Tiến sĩ Guido Hildner cho biết, tất cả những gì liên quan đến an ninh, tự do hàng hải và hàng không đều liên quan đến quyền lợi của EU nói chung và nhóm E3 nói riêng. Đồng thời, việc bảo vệ UNCLOS cũng chính là bảo vệ quyền lợi chính đáng của các quốc gia. Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp mới, E3 nhận thức trách nhiệm của mình trong việc duy trì trật tự, ổn định và hòa bình. Các nước E3 mong muốn gìn giữ pháp luật liên quan đến Biển Đông và nêu bật tầm quan trọng của khu vực này.

Khi công bố văn kiện chính thức mang tên “Đức - châu Âu - châu Á” vào tháng trước, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas khẳng định, các tuyến hàng hải, thương mại lớn của thế giới đi qua Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông phải được bảo vệ về mặt pháp lý theo tiêu chuẩn tự do hàng hải. Đức cũng đưa ra thông điệp rằng, quốc gia này đang ưu tiên ngoại giao ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây là khu vực quan trọng với Đức và toàn châu Âu. Ngoại trưởng Maas nhấn mạnh rằng, châu Âu đang thúc đẩy một chiến lược chung về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với sự đoàn kết của toàn Khối.

Các Công hàm từ nhiều quốc gia gửi lên LHQ thời gian gần đây đều cùng chung quan điểm trước những diễn biến mới trong vấn đề Biển Đông. Từ tháng 7, Malaysia, Philippines, Việt Nam, Indonesia đã gửi Công hàm bác bỏ các lập luận làm suy yếu luật pháp quốc tế trên Biển Đông. Không dừng lại ở khu vực Đông Nam Á, các quốc gia ngoài khu vực cũng lần lượt gửi Công hàm lên LHQ là Mỹ, Australia và mới đây nhất là Công hàm chung của Anh - Pháp - Đức.

Giới chuyên gia chính trị khu vực nhìn nhận, trong bối cảnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đang nối lại các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) dự kiến vào tháng 11 tới, những Công hàm mang tính pháp lý mạnh mẽ của quốc tế sẽ được xem như “đòn bẩy” trợ lực cho ASEAN, đồng thời là cơ sở nền tảng pháp lý quan trọng để ASEAN thúc đẩy các yêu cầu tuân thủ pháp luật quốc tế, gồm UNCLOS 1982.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/gia-tang-doi-trong-gin-giu-on-dinh-bien-dong-post433888.html