Gia tăng giá trị và thương hiệu cho các sản phẩm OCOP
Sau hơn 6 năm triển khai, Chương trình Mỗi xã Một sản phẩm (OCOP) tại Yên Bái phát triển mạnh mẽ, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, dần hình thành các vùng nguyên liệu tập trung gắn với chuỗi liên kết để nâng cao giá trị đặc sản của nông sản, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế, cải thiện đời sống người dân và xây dựng nông thôn mới.

Sản phẩm miến đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao của Hợp tác xã Xanh Toàn Nga, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Ảnh: TTXVN phát
Sản phẩm OCOP phát triển mạnh mẽ
Qua mỗi năm, số lượng sản phẩm OCOP tại tỉnh Yên Bái được cấp giấy chứng nhận tăng nhanh, cả năm 2021 là 34 sản phẩm, con số này lên 67 sản phẩm, đạt 223% so với chỉ tiêu được giao. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 282 sản phẩm OCOP; trong đó 29 sản phẩm OCOP 4 sao và 253 sản phẩm OCOP 3 sao.
Nhóm thực phẩm chiếm ưu thế với 201 sản phẩm; 21 sản phẩm thuộc về nhóm thảo dược; nhóm đồ uống có 14 sản phẩm; nhóm thủ công mỹ nghệ và trang trí có 15 sản phẩm và nhóm dịch vụ du lịch nông thôn có 16 sản phẩm.
Ông Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa, tập quán sản xuất của người dân khu vực nông thôn, tỉnh Yên Bái đã phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng, tập trung, ổn định.
Đi đôi với đẩy mạnh chuẩn hóa sản phẩm gắn với lợi thế và điều kiện của từng địa phương, tỉnh Yên Bái tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho chủ thể OCOP, trọng tâm là đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kỹ năng quản trị; sáng tạo trong thiết kế mẫu mã, bao bì, ghi nhãn sản phẩm; quan tâm đăng ký sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị.
Điển hình là huyện Trấn Yên, nơi đã hình thành khá rõ nét nhiều vùng sản xuất tập trung chuyên canh gắn với chuỗi liên kết, tạo ra những sản phẩm có giá trị cao, nhờ vậy tất cả các xã, thị trấn đều có ít nhất 1 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Toàn huyện hiện có 49 sản phẩm OCOP; trong đó, có 8 sản phẩm OCOP 4 sao và 41 sản phẩm OCOP 3 sao, toàn bộ sản phẩm OCOP của huyện đều có tem truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý; có chứng nhận VietGAP, hữu cơ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên Nguyễn Thành Lê chia sẻ, các sản phẩm OCOP chia ra theo các nhóm gắn với lợi thế vùng nguyên liệu tập trung, tiêu biểu như: 5 sản phẩm quế gắn với diện tích vùng trồng quế trên 20.000 ha, sản lượng vỏ quế khô 5.000 tấn; 7 sản phẩm trà gắn với vùng trồng chè chất lượng cao diện tích 1.600 ha, sản lượng 11.500 tấn/năm; 6 sản phẩm mật ong gắn với vùng trồng cây ăn quả với 7.000 tổ, cho sản lượng mật trên 50 tấn/năm...
Bên cạnh đó, huyện Trấn Yên đã huy động, lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn lực của chủ thể OCOP và các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ, tạo cơ chế khuyến khích theo hướng có trọng điểm phát triển các sản phẩm đặc sản, chủ lực, tiềm năng của mỗi địa phương cơ sở; tạo điều kiện ứng dụng quy trình sản xuất sạch hơn trong sản xuất giống, chăm sóc, thu hái và bảo quản theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP

Quế Yên Bái được chế biến thành 50 loại sản phẩm, trong đó có 28 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên. Ảnh: TTXVN phát
Không chỉ dừng lại ở việc phát triển số lượng sản phẩm, tỉnh Yên Bái còn tập trung nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và thương hiệu cho các sản phẩm OCOP, trong đó đặc biệt quan tâm đến cải tiến quy trình sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.
Nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể được tỉnh Yên Bái ban hành, tập trung hỗ trợ chủ thể OCOP ứng dụng công nghệ, tạo nguồn giống tốt, nguyên chủng để chuyển giao cùng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm.
Tính đến hết năm 2024, tỉnh Yên Bái đã có 59 sản phẩm đặc sản, nông sản chủ lực được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ; trong đó, chỉ dẫn địa lý 10 sản phẩm; nhãn hiệu chứng nhận 22 sản phẩm và 27 sản phẩm nhãn hiệu tập thể. Toàn tỉnh có 86 mã số vùng trồng, đảm bảo quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm...
Bà Nguyễn Thị Phương Đông, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Yên Bái cho rằng, nhiều chủ thể OCOP đã ứng dụng thành công khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất để giải quyết những thách thức, rủi ro trong phát triển các sản phẩm OCOP, đây được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm. Điều đó, không chỉ tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng mà còn giúp các chủ thể OCOP khắc phục được tính mùa vụ, tăng hiệu quả kinh tế, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, đáp ứng nhu cầu về chất lượng.
Hiện nay, tỉnh Yên Bái đã ứng dụng đại trà các mô hình hỗ trợ ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, tưới nhỏ giọt, cảm biến theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; thí điểm xây dựngmô hình tự động hóa, số hoágắn với chương trình "3 giảm, 3 tăng”, sản xuất sạch hơn để từng bước phổ biến, nhân rộng vào thực tế.
Đi đôi với phát triển nhanh số lượng và không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, tỉnh Yên Bái hỗ trợ mở rộng các kênh tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hình thức quảng bá, giới thiệu nhằm tăng thêm giá trị gia tăng, đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng.
Bà Đồng Thị Hiền, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất chế biến nông sản Tây Bắc Hiền Vinh, huyện Yên Bình chia sẻ, nhờ sự phát triển của mạng internet, công nghệ truyền thông đa phương tiện... mà hàng trăm sản phẩm OCOP được quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm trên nhiều nền tảng của mạng xã hội, đặc biệt là trên các sàn thương mại điện tử. Nhờ đó mà hoạt động kết nối cung - cầu diễn ra ngay từ giai đoạn sản xuất, trao đổi thông tin nhanh chóng giữa chủ thể OCOP với khách hàng, làm tăng giá trị sản phẩm và dễ dàng mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Đến nay, tỉnh Yên Bái có gần 300 cơ sở chế biến nông sản đưa khoảng 950 sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; trong đó 100% các sản phẩm OCOP có mặt trên các sàn thương mại điện tử uy tín như Voso.vn, Shopee, Alibaba, Sendo, Postmart.vn, Viettel Post và các siêu thị lớn trên cả nước như Go!, Mega, Saigon Co.op, Winmart… tạo thị trường tiêu thụ rộng lớn, ổn định cho các sản phẩm OCOP.