Gia tăng nguy cơ cháy nổ dịp cuối năm

Dịp cuối năm, nhằm thực hiện những đơn hàng lớn, các doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tích trữ hàng hóa, kéo theo đó, mức tiêu thụ điện tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Để hạn chế sự cố xảy ra, mỗi DN cần nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy.

“Bà hỏa” rình rập

Chưa đầy một tháng qua, toàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ cháy, nổ tại các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh. Cụ thể, rạng sáng 12/10, một phần diện tích xưởng sản xuất viên gỗ nén tại xã Hồng Thái (Việt Yên) bị hỏa hoạn. Người dân địa phương đã kịp thời phát hiện, thông báo đến lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH), vì thế, sự cố không gây thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản không đáng kể.

Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh) tổ chức chữa cháy tại xưởng chế biến viên gỗ nén ở huyện Việt Yên.

Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh) tổ chức chữa cháy tại xưởng chế biến viên gỗ nén ở huyện Việt Yên.

Vào đêm 26/10, lán trại công nhân xây dựng của Công ty cổ phần Xây dựng và Kỹ nghệ Intercontinental tại Khu công nghiệp (KCN) Quang Châu (Việt Yên) đột ngột bốc cháy. Công ty này đang thi công dự án mở rộng nhà máy cho Công ty TNHH Công nghệ chính xác Fuyu thuộc Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hồng Hải ở KCN Quang Châu.

Ngọn lửa nhanh chóng bao trùm 4 nhà tạm bằng khung sắt, lợp mái tôn dành cho công nhân nghỉ ngơi. Thời điểm xảy ra cháy, hàng trăm công nhân xây dựng quê từ các tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên… hoảng hốt tháo chạy. Cả quản lý lẫn công nhân bất lực nhìn ngọn lửa thiêu rụi khoảng 1,6 nghìn m2 lán trại cùng nhiều xe mô tô, đồ dùng phục vụ sinh hoạt. Anh Quàng Văn M (SN 2004) quê ở huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) đã tử vong trong vụ cháy. Theo lãnh đạo Công an huyện Việt Yên, nguyên nhân cháy ban đầu được xác định là do chập điện.

Sáng 2/11, văn phòng và kho chứa hàng của hai DN gồm: Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Solar Việt Nam và Công ty TNHH Yeong Heon Việt Nam cùng ở thôn Ba, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang) bị chập điện gây cháy. Chị Trần Thị Nhung, kế toán của Công ty TNHH Yeong Heon (Việt Nam) chia sẻ: “Có mặt vào thời điểm xảy ra cháy, tôi phát hiện chập điện, ngọn lửa lan rất nhanh”. Đám cháy đã lan sang nhà để xe của một hộ dân bên cạnh. Hậu quả, một xe ô tô, một xe mô tô và nhiều tài sản của hai DN bị thiêu rụi.

Những vụ cháy không chỉ gây thiệt hại về tài sản của DN mà còn để lại nỗi mất mát không gì bù đắp được đối với gia đình có người thân có người tử vong.

Thực hiện nghiêm quy định về phòng cháy

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, năm 2023, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy định bảo đảm an toàn PCCC và CNCH của hơn 6,9 nghìn lượt cơ sở, DN sản xuất, kinh doanh; xử phạt vi phạm hành chính 271 trường hợp với số tiền hơn 1,9 tỷ đồng. Riêng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh) đã kiểm tra khoảng 1,1 nghìn DN. Lực lượng chức năng đã chỉ ra một số tồn tại, đó là DN không kiểm tra bảo dưỡng phương tiện PCCC định kỳ; sắp xếp hàng hóa cản trở lối thoát nạn, không có đầy đủ tài liệu trong hồ sơ quản lý PCCC.

Đoàn kiểm tra của Công an tỉnh tổ chức kiểm tra, nhắc nhở các nhà thầu thi công sớm hoàn thành tháo dỡ lán trại, bàn giao mặt bằng ở KCN (Quang Châu).

Đoàn kiểm tra của Công an tỉnh tổ chức kiểm tra, nhắc nhở các nhà thầu thi công sớm hoàn thành tháo dỡ lán trại, bàn giao mặt bằng ở KCN (Quang Châu).

Ngay sau vụ cháy lán trại công nhân gây thiệt hại nghiêm trọng tại KCN Quang Châu, từ ngày 6/11 đến nay, Công an tỉnh đã tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về PCCC và CNCH đối với các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các DN đã trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ; chủ đầu tư, nhà thầu thi công ban hành quy định an toàn PCCC, tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng cho công nhân.

Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở, DN chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo đảm an toàn PCCC, chưa xây dựng phương án tình huống cháy nổ xảy ra tại khu vực công ty tiến hành xây dựng. Một số đơn vị xây dựng công trình trọng điểm có vốn đầu tư nước ngoài, để bảo đảm tiến độ thi công đã xây dựng lán trại cho công nhân lưu trú trong các KCN. Việc làm này không đúng với Nghị định 35/2022/NĐ - CP của Chính phủ quy định về quản lý KCN và khu kinh tế.

Thực tế cho thấy, nhiều vụ cháy lớn xuất phát từ nguyên nhân chập điện, sự cố kỹ thuật trong quá trình vận hành. Thời điểm DN phát hiện, báo cháy, ngọn lửa đã lan ra khiến cho việc tổ chức chữa cháy của lực lượng tại chỗ không hiệu quả, khó kiểm soát. Bên cạnh đó, các cơ sở, DN xảy ra cháy nổ đều sản xuất, kinh doanh hoặc tồn chứa vật liệu dễ cháy.

Thượng tá Nguyễn Văn Viện, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh) cho biết: “Nhằm bảo đảm an toàn PCCC và CNCH, các DN cần chú trọng công tác huấn luyện nghiệp vụ, duy trì hoạt động của đội PCCC cơ sở. Niêm yết tiêu lệnh chữa cháy, biển cấm ở các nơi nguy hiểm; duy trì các biện pháp kiểm soát nguồn nhiệt, lửa. Bố trí, sắp xếp hàng hóa ngăn nắp, cách lửa, cách nhiệt. Lắp đặt aptomat tự ngắt cho hệ thống điện toàn nhà máy, từng khu vực, từng xưởng cũng như thiết bị có công suất lớn. Hướng dẫn công nhân, người lao động những kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH; bố trí lối thoát nạn dễ quan sát”.

Bài, ảnh: Tuyết Mai

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/phap-luat/415168/gia-tang-nguy-co-chay-no-dip-cuoi-nam.html