Gia tăng nguy cơ sa mạc hóa ở Tây Ban Nha

Hạn hán kéo dài và tình trạng khai thác quá mức đất đai cho sản xuất nông nghiệp và công nghiệp đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ gia tăng diện tích 'đất cằn cỗi và sa mạc hóa' ở Tây Ban Nha.

Một hồ chứa kho cạn do hạn hán kéo dài tại Huesca, Tây Ban Nha ngày 26/7/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Một hồ chứa kho cạn do hạn hán kéo dài tại Huesca, Tây Ban Nha ngày 26/7/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Ở vùng Andalusia thuộc miền Nam Tây Ban Nha, thành phố Almeria được biết đến với kiểu khí hậu và thời tiết rất khô. Mặc dù vậy, thành phố này đã chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp và được mệnh danh là “khu vườn rau xanh của châu Âu”.

Với các khu trồng rau lợp nhựa có diện tích khoảng 40.000 hecta, Almeria còn được ví như một “biển nhựa”, sản xuất hàng nghìn tấn cà chua, dưa chuột và nhiều loại rau củ quả khác mỗi năm.

Tuy nhiên, “khu vườn rau” này đang làm tình trạng sa mạc hóa trở nên trầm trọng hơn do sử dụng nước ngầm để tưới tiêu, từ đó làm cạn kiệt các tầng chứa nước.

Ông Gabriel del Barrio - chuyên gia nghiên cứu vấn đề sa mạc hóa - đã bày tỏ lo lắng khi giám sát tình trạng đất đai ngày càng thoái hóa và cằn cỗi ở thành phố Almeria.

Ông del Barrio cho biết tình trạng sa mạc hóa, chủ yếu do sự suy thoái đất ở cấp độ nghiêm trọng, đang làm giảm độ phì nhiêu và màu mỡ của đất đai.

Tình trạng đáng quan ngại trên không chỉ đang xảy ra ở thành phố Almeria. Theo số liệu của Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa, 75% diện tích đất của Tây Ban Nha có nguy cơ bị sa mạc hóa do tác động của các điều kiện khí hậu và thời tiết cực đoan. Điều này khiến Tây Ban Nha có nguy cơ trở thành quốc gia châu Âu bị đe dọa nhiều nhất bởi vấn đề sa mạc hóa.

Vào tháng 6, bà Teresa Ribera, Bộ trưởng Chuyển đổi sinh thái của Tây Ban Nha, từng cảnh báo sự kết hợp của nhiệt độ khắc nghiệt, hạn hán và các yếu tố khác đang làm gia tăng tình trạng xói mòn đất và giảm độ phì nhiêu của đất đai nước này.

Theo Hội đồng nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha, mức độ suy thoái đất đã tăng gấp 3 lần trong 10 năm qua. Điều này đồng nghĩa rằng đất mất khả năng giữ nước, không thể phục vụ trồng trọt và chăn nuôi. Đây là vấn đề nghiêm trọng bởi nông nghiệp đóng góp tới 60 tỷ euro (66 tỷ USD) giá trị xuất khẩu hằng năm của Tây Ban Nha.

Biến đổi khí hậu là một trong những nhân tố gây ra tình trạng sa mạc hóa. Khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên, lượng nước bốc hơi cũng tăng theo, khiến mặt đất trở nên khô cằn hơn. Ngoài ra, phương thức thâm canh nông nghiệp khiến đất nhanh chóng cằn cỗi cũng là nhân tố gây ra sa mạc hóa.

Trước thực trạng này, hiệp hội nông dân AlVelAl tại Andalusia đã quyết định áp dụng một số biện pháp như bón phân xanh thay vì phân hóa học, không sử dụng thuốc trừ sâu, hạn chế cày xới để bảo vệ đất, che phủ đất để giữ độ ẩm nhằm đảm bảo trồng trọt hiệu quả mà không làm xói mòn đất./.

Nguyễn Hà/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/gia-tang-nguy-co-sa-mac-hoa-o-tay-ban-nha/301614.html