Gia tăng nhiều loài động vật chết vì nắng nóng tại Mexico
Bộ Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên Mexico (Semarnat) hôm 28/5 cho biết số lượng khỉ rú chết do say nắng, sốc nhiệt và rơi vào tình trạng mất nước nghiêm trọng kể từ hôm 5/5 đến nay đã tăng lên 157 con tại các bang miền Nam nước này.
Phóng viên TTXVN tại Mexico dẫn báo cáo của Semarnat cho biết tình trạng nắng nóng gay gắt kéo dài đã khiến 125 con khỉ rú (tên khoa học Alouatta Palliata) chết tại các thành phố Cunduacán, Comalcalco, Jalapa, Cárdenas và Centro thuộc bang Tabasco, và 32 con còn lại thuộc bang Chiapas.
Một công viên sinh thái ở miền Bắc Mexico cũng xác nhận ít nhất một trăm con vẹt đuôi dài, dơi và nhiều loài động vật khác tại đây đã chết có thể cũng vì nguyên nhân trên.
Các chuyên gia khí tượng cho biết hiện tượng vòm nhiệt tập trung ở phía Nam Vịnh Mexico và phía Bắc khu vực Trung Mỹ đã ngăn cản sự hình thành mây và gây ra tình trạng nắng nóng, nhiệt độ cao trên khắp đất nước Mexico. Gần 2/3 diện tích quốc gia Mỹ Latinh này hôm 27/5 đã hứng chịu đợt nắng nóng gay gắt với nhiệt độ lên tới 45 đô C (113 độ F).
Theo nhà sinh vật học hoang dã Gilberto Pozo, nguyên nhân các loài động vật, đặc biệt là khỉ chết hàng loạt gần đây do nhiều yếu tố như nhiệt độ cao, hạn hán kéo dài, cháy rừng và nạn phá rừng khai thác gỗ ảnh hưởng đến môi trường sống của chúng. Ông Pozo cũng không loại trừ khả năng liên quan đến mầm bệnh và các nguyên nhân khác dẫn đến hiện tượng trên.
Phát biểu với báo giới, bà Ena Buenfil, giám đốc Công viên sinh thái Selva Teenek tại bang miền Bắc San Luis Potosí bày tỏ quan ngại trước tình trạng nắng nóng gay gắt chưa từng xảy ra như hiện nay khiến gia cầm và các loài chim tại địa phương chết hoặc trong tình trạng yếu ớt vì mất nước. Bà Buenfil kêu gọi cơ quan bảo vệ dân sự địa phương tăng cường các biện pháp bảo vệ các loài động vật trước hiện tượng thời tiết cực đoan, đồng thời cảnh báo sẽ có nhiều tổn thất đối với hệ sinh thái nếu xu hướng sóng nhiệt vẫn còn tiếp tục ảnh hưởng trong khu vực.
Trước tình trạng trên, Semarnat cho biết đang phối hợp với chính quyền các địa phương, chuyên gia môi trường, sinh vật học và bác sĩ thú y để điều tra nguyên nhân khiến các loài động vật chết hàng loạt, đồng thời triển khai các biện pháp khẩn cấp giải quyết hiện tượng này.