Gia tăng nhóm 'bùng' nợ, công ty tài chính không dám cho vay tiền qua app

Làn sóng cố tình bùng nợ xuất hiện trên các trang mạng xã hội với hàng trăm nghìn thành viên chia sẻ kinh nghiệm. Theo các chuyên gia điều này sẽ ảnh hưởng đến nhóm người nghèo có nhu cầu vay tiền thật khi công ty tài chính không muốn cho vay mới.

Trước tình trạng này, các chuyên gia cho rằng, cần có những giải pháp và hỗ trợ kịp thời từ cơ quan quản lý để hạn chế bớt trào lưu lây lan này. Ngoài ra, cần thiết lập hệ thống đánh giá tín nhiệm tài chính trong bối cảnh mọi dữ liệu của người dân đều được số hóa.

Người vay “bùng nợ” ngày một nhiều

Mới đây, cơ quan công an cũng kiểm tra, khám xét Công ty F88 để làm rõ nhiều vấn đề liên quan tới hoạt động cho vay và thu hồi nợ. Từ vụ việc này ông Lê Quốc Ninh – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng cho biết, hoạt động đòi nợ trái pháp luật gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Bên cạnh đó, việc các đơn vị cầm đồ hoạt động “núp bóng” công ty tài chính cũng khiến dư luận nhầm lẫn, đánh đồng với công ty tài chính tiêu dùng hợp pháp (được Ngân hàng Nhà nước cấp phép).

Trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều hội, nhóm được lập ra với mục đích chia sẻ cách vay tiền của công ty tài chính tiêu dùng rồi trốn nợ, bùng nợ. (Ảnh minh họa: Int)

Trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều hội, nhóm được lập ra với mục đích chia sẻ cách vay tiền của công ty tài chính tiêu dùng rồi trốn nợ, bùng nợ. (Ảnh minh họa: Int)

Điều này không chỉ gây ảnh hưởng tới hình ảnh các công ty tài chính tiêu dùng mà sẽ nảy sinh một số nguy cơ tiềm ẩn đến hành vi trả nợ của khách hàng, gây khó khăn cho công tác thu hồi nợ.

Theo tìm hiểu của VnBusiness, chỉ riêng mạng xã hội Facebook đã có đến hàng chục hội nhóm liên quan đến chủ đề "bùng" tiền vay các dịch vụ tài chính cũng như cách đối phó khi bị đòi nợ. Đáng nói là mỗi hội nhóm có hàng chục đến hàng trăm thành viên. Điển hình như: hội 'bùng' app vay tiền và chia sẻ cách đối phó (174.000 thành viên), hội hướng dẫn 'bùng' tiền qua các app online (27.000 thành viên), hội 'bùng' app vay tiền online (60.000 thành viên), hội 'bùng' app vay tiền và cách đối phó 2023 (38.000 thành viên)...

Tài khoản facebook Hoang Phi chia sẻ trên “hội bùng app vay tiền”: Làm cách nào để vay được 10 triệu nhưng em tính bùng nợ? mong tìm kiếm "cao nhân chỉ giáo". Đáp lời yêu cầu của tài khoản Hoang Phi là hàng chục bình luận chia sẻ cách thức "bùng" nợ, chẳng hạn: làm CMND/CCCD giả và thay sim mới, danh bạ mới…

Theo một số chuyên gia tài chính, do còn sơ hở, thiếu quy định trong việc trả nợ với các khoản vay công ty tài chính nên hiện có xu hướng tiêu cực là cố tình "bùng nợ". Việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường, bởi các doanh nghiệp phải siết lại cho vay, thậm chí tăng lãi suất để bù lại rủi ro. Nhiều người sẽ khó vay, dễ lâm vào tín dụng đen với lãi suất cao và nhiều ẩn số.

Công ty tài chính “sợ” cho vay mới

Đại diện Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTF) cũng nêu thực trạng, thời gian gần đây xảy ra tình trạng nhiều khách hàng đã không chấp hành nghĩa vụ trả nợ, chây ì trả nợ ngày một nhiều. Chính vì thế, 3 tháng qua doanh nghiệp này đã phải tạm thời ngừng cho vay mới mà tập trung vào nhóm khách hàng có điểm tín nhiệm tốt.

Phía FE Credit cũng khẳng định, doanh nghiệp này “không chấp nhận hành vi đòi nợ bất hợp pháp”. Tuy nhiên, trước tình hình người vay bùng nợ nhiều như hiện nay, công ty này cũng đề nghị các cơ quan, ban ngành cần có chế tài với người đi vay, phải thực hiện nghiêm các nghĩa vụ, tuân thủ các quy định trả nợ để hình thành một thói quen “vay văn minh, trả văn minh”.

Ngoài ra, các công ty tài chính cũng cần xây dựng một bộ quy tắc ứng xử cho nhân viên, nhất là nhân viên thu hồi nợ, sales...

Nhiều công ty tài chính cũng cho rằng, hiện nay, một số cá nhân lợi dụng mạng xã hội đã tung thông tin không đúng bản chất sự việc khiến cho hình ảnh thu hồi nợ của các công ty tài chính tiêu dùng bị méo mó, xuyên tạc, ảnh hưởng đến ý thức và trách nhiệm trả nợ của người dân.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, hiện nay, nhiều công ty sẵn sàng rao bán khoản nợ sang công ty thu hồi nợ để được thực hiện hợp pháp theo quy định của pháp luật. Do đó, khi các app không đòi, chủ nợ có thể bán khoản nợ hoặc khởi kiện để đảm bảo con nợ khi vay sẽ phải trả theo đúng nguyên tắc của pháp luật. “Sẽ rất khó để "bùng" nợ nếu tổ chức tài chính thực hiện hoạt động cho vay đúng quy định”, luật sư Thái nhận định.

Trường hợp người vay cố tình bùng nợ, luật sư cho biết sẽ phải đối diện với tội "Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản" hoặc tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, quy định tại Bộ luật hình sự. Nếu cơ quan điều tra có đầy đủ căn cứ sẽ bị khởi tố hình sự.

Các chuyên gia khuyến cáo người dân cần thực sự tỉnh táo, không để kẻ gian lợi dụng tâm lý nhẹ dạ cả tin nhằm lôi kéo, tham gia các hoạt động vay nợ thông qua các app bất hợp pháp, hoặc sử dụng dịch vụ "bùng" nợ do các cá nhân trong các hội nhóm này cung cấp. Hãy thực sự cảnh giác với các nhóm, hội lập được lập ra trên mạng xã hội ra vì đằng sau đó có khi lại chính là tín dụng đen.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tien-te/gia-tang-nhom-bung-no-cong-ty-tai-chinh-khong-dam-cho-vay-tien-qua-app-1091496.html