Gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn của bảo hiểm xã hội
Cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 25, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, dự thảo Luật có nhiều nội dung mới gia tăng quyền lợi và tính hấp dẫn của BHXH, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền lợi cho người lao động.
Tạo điều kiện cho người tham gia BHXH muộn được hưởng lương hưu
Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 25, Chính phủ đề xuất sửa đổi Điều 71 theo hướng quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu hằng tháng. Quy định này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45 - 47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu hằng tháng thay vì phải nhận BHXH một lần.
Với quy định trên, mức lương hưu của những người này có thể thấp hơn những người có thời gian đóng dài, nếu tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc hoặc thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện là như nhau. Tuy nhiên, những trường hợp này trước đây không đủ điều kiện hưởng lương hưu và phải nhận BHXH một lần (nếu không lựa chọn tự nguyện đóng một lần cho thời gian còn thiếu), thì nay sẽ có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng. Tờ trình của Chính phủ nhấn mạnh, với mức lương hưu hằng tháng ổn định, định kỳ được Nhà nước điều chỉnh và trong thời gian hưởng lương hưu sẽ được quỹ BHXH đóng bảo hiểm y tế sẽ góp phần bảo đảm tốt hơn cuộc sống khi về già của người lao động.
Cũng theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần như: điều kiện hưởng lương hưu dễ dàng hơn (giảm từ 20 năm xuống 15 năm); hưởng trợ cấp hằng tháng trong trường hợp có thời gian đóng BHXH mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; hưởng bảo hiểm y tế bảo hiểm y tế do NSNN đảm bảo trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng; hưởng bảo hiểm y tế do quỹ BHXH đóng đối với người lao động sau một năm nghỉ việc không nhận BHXH một lần mà tiếp tục bảo lưu thời gian đóng BHXH, thời gian hưởng bảo hiểm y tế tối đa bằng thời gian đóng BHXH của người lao động; ngoài ra, người lao động trong thời gian bị mất việc chưa có việc làm còn được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt của người lao động.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn (tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ BHXH bắt buộc); bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện.
Cụ thể hóa hơn nữa chủ trương của Đảng về cải cách BHXH
Về điều kiện hưởng lương hưu ở Điều 71 dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đề xuất của Chính phủ về việc giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết số 28-NQ/TW của Trung ương. Cụ thể, Nghị quyết này xác định, sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, dự thảo Luật cần cụ thể hóa thêm một bước ý kiến chỉ đạo của Trung ương, nếu có thể thì giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu xuống 10 năm.
Cũng tán thành với đề xuất của Chính phủ về điều kiện hưởng lương hưu, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu dẫn chứng số liệu thống kê cho thấy, trong 7 năm thực hiện Luật BHXH năm 2014, có trên 476 nghìn người hưởng BHXH một lần đã có thời gian tham gia BHXH trên 10 năm với độ tuổi từ 40 tuổi trở lên; trên 53 nghìn người đã hết tuổi lao động phải nhận BHXH một lần do chưa đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc; trên 20 nghìn người khi đến tuổi nghỉ hưu chưa đủ thời gian đóng phải đóng một lần cho thời gian còn thiếu để hưởng lương. Nếu vẫn quy định thời gian tối thiểu để hưởng lương hưu là 20 năm thì những người này khó có cơ hội nhận lương hưu.
Do đó, việc giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm sẽ tạo cơ hội cho những người tham gia muộn cũng được hưởng lương hưu hằng tháng thay vì phải nhận BHXH một lần. Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, mặc dù người tham gia BHXH muộn sẽ được mức lương hưu (tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu) khiêm tốn hơn so với những người có thời gian đóng dài, nhưng với mức lương hưu hàng tháng ổn định và trong thời gian hưởng lương hưu, người tham gia BHXH sẽ được Quỹ BHXH đóng bảo hiểm y tế, góp phần bảo đảm cuộc sống tốt hơn cho người lao động khi về già.
Tham gia ý kiến tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh cho biết, qua khảo sát, tổng hợp số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc sửa đổi quy định về điều kiện hưởng lương hưu cũng sẽ tạo điều kiện để người lao động được hưởng lương hưu sớm hơn trong trường hợp đã đủ tuổi và có thời gian đóng BHXH là 15 năm trở lên, phù hợp với quan điểm cũng như đường lối của Đảng và được người lao động rất đồng tình ủng hộ về vấn đề này.
Tuy nhiên, với những người lao động có tuổi đời từ 45 tuổi trở lên tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, do cách tính mức hưu dựa trên thời gian đóng góp theo nguyên tắc đóng - hưởng nên mức lương hưu được hưởng sẽ chỉ khoảng 33,75% (đối với những người lao động đóng khoảng 15 năm chẳng hạn). Nêu vấn đề này, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho biết, đây là điều mà nhiều người lao động còn đang băn khoăn và đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét ở khía cạnh chia sẻ để có những hỗ trợ đối với đối tượng khi về nghỉ hưu có thu nhập thấp, không bảo đảm được mức sống tối thiểu.
Về mức hưởng trợ cấp thai sản đối với người tham gia BHXH tự nguyện, Điều 101 dự thảo Luật quy định: "Lao động nữ khi sinh con thì lao động nam có vợ sinh con được hưởng 2 triệu đồng cho một con mới sinh". Trưởng Ban Công tác đại biểu nhận thấy, việc bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện là phù hợp với Nghị quyết số 28, trong đó yêu cầu mở rộng các chế độ chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. Việc bổ sung quyền lợi này sẽ góp phần tăng tính hấp dẫn của BHXH tự nguyện và thu hút người dân, đặc biệt là nhóm lao động trẻ tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, theo Trưởng Ban Công tác đại biểu, cần cân nhắc việc quy định mức tiền cụ thể là 2 triệu đồng trong dự thảo Luật để bảo đảm tính ổn định lâu dài của luật; thay vào đó, nên cân nhắc quy định mức trợ cấp thai sản bằng bao nhiêu lần mức lương cơ sở sẽ phù hợp hơn.
Nêu ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, chính sách thai sản cho phụ nữ trong luật được tính khá ưu việt cả về thời điểm, thời gian cũng như tỷ lệ hưởng, tuy nhiên diện bao phủ còn thấp. Hiện nay mới chỉ khoảng trên 30% lực lượng lao động tham gia BHXH bắt buộc được hưởng chế độ thai sản. Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng cho biết, Theo Nghị định số 39/2015/NĐ-CP ngày 27.4.2015 của Chính phủ nhằm hỗ trợ một phần để cải thiện đời sống, nâng cao sức khỏe cho phụ nữ nghèo, nhất là phụ nữ nghèo vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn khi sinh con, nhất là thiếu thốn về kinh tế, đối tượng này được trợ cấp tiền mặt một lần là 2 triệu đồng. Nếu áp dụng mức 2 triệu đồng trong dự thảo Luật cho tất cả các đối tượng thì chưa phù hợp với mức sống hiện nay, chưa đủ để thay thế thu nhập cho phụ nữ trong thời gian nghỉ thai sản.
Chính vì vậy, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu, đánh giá chính sách này để có thể quy định trong dự thảo Luật mức hưởng trợ cấp thai sản đối với người tham gia BHXH tự nguyện tương đương với mức hưởng của đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.