Gia tăng tội phạm lừa đảo trên không gian mạng

Theo thống kê, năm 2024, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh, phối hợp với công an các đơn vị, địa phương đã tiếp nhận, xử lý hàng trăm tin báo, tố giác tội phạm liên quan đến lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; đã phát hiện, khởi tố 68 vụ 109 đối tượng sử dụng không gian mạng, sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội với số tiền chiếm đoạt trên 12 tỷ đồng.

Đặc biệt, thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 (từ ngày 14/12/2024 đến ngày 4/1/2025), Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với công an các đơn vị, địa phương đấu tranh, triệt xóa 14 vụ, 37 đối tượng sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội, với số tiền chiếm đoạt hàng tỷ đồng.

Điều đó cho thấy, thời điểm cuối năm, nhất là dịp giáp Tết Nguyên đán, tình hình tội phạm sử dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân có xu hướng hoạt động phức tạp. Bị hại trong các vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng không như trước đây là những người ít hiểu biết về pháp luật, không rành công nghệ mà hiện nay bị hại còn là nhiều người đã và đang làm trong các cơ quan, tổ chức của nhà nước, đang kinh doanh, am hiểu về công nghệ thông tin. Phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này chủ yếu vẫn là giả danh cơ quan tố tụng, giới thiệu việc nhẹ lương cao, kêu gọi bị hại đầu tư tài chính trên các trang web bán hàng, công ty tài chính, nhắn tin thông báo trúng thưởng theo chương trình khuyến mại của ngân hàng, các công ty hoặc giao dịch mua bán… Đặc biệt, phương thức thủ đoạn lừa đảo mới là lợi dụng việc đăng ký chạy Kunmarathon của trẻ em trên facebook, đối tượng hướng dẫn bị hại phải thao tác xác thực chuyển tiền mới được đăng ký và bị chiếm đoạt tiền... Dù đã có nhiều thông tin về các chiêu thức lừa đảo của tội phạm công nghệ cao, nhưng vì lòng tham và thiếu hiểu biết nên không ít người vẫn bị "sập bẫy".

Người dân cần cảnh giác với thủ đoạn của đối tượng sử dụng công nghệ AI để ghép khuôn mặt, giả giọng nói hoặc video để chiếm đoạt tài sản.

Người dân cần cảnh giác với thủ đoạn của đối tượng sử dụng công nghệ AI để ghép khuôn mặt, giả giọng nói hoặc video để chiếm đoạt tài sản.

Đơn cử, ngày 2/1/2025, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao phối hợp với Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh đấu tranh, triệt xóa, điều tra làm rõ, bắt đối tượng Nguyễn Huy Khá (sinh năm 1997, trú tại huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Thủ đoạn của đối tượng là giả danh nhân viên ngân hàng, sử dụng mạng xã hội Tiktok đăng video quảng cáo hỗ trợ cho vay tiền, sau đó chiếm đoạt tiền phí hồ sơ, bảo hiểm khoản vay, chứng minh thu nhập… với tổng số tiền lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại trên cả nước khoảng 500 triệu đồng. Trước đó, lợi dụng sự thiếu hiểu biết, cả tin của các nạn nhân, một nhóm đối tượng lừa đảo đã tự chế phẩm màu và hương liệu rồi đóng vào những lọ thủy tinh nhỏ hoặc chất bột để làm “bùa yêu”, sau đó quảng cáo và rao bán cho hàng trăm người trên mạng xã hội. Qua công tác nắm tình hình, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế và ma túy, Công an huyện Kim Bảng đã điều tra, bắt giữ 3 đối tượng, gồm: Lê Văn Hương (sinh năm 2002), Lê Văn Truyền (sinh năm 2004), Nguyễn Phi Lương (sinh năm 2003) đều trú tại thôn 1, xã Nhật Tân (nay là phường Tân Tựu, thị xã Kim Bảng). Khám xét nơi ở của các đối tượng, cơ quan công an thu giữ hàng nghìn “bùa yêu” được đóng gói bên trong gồm một chai nước hương liệu, một lá bùa, trong đó có hướng dẫn cách sử dụng, đang được chuẩn bị đem bán cho những người nhẹ dạ, tin vào những lời quảng cáo đầy mê tín dị đoan...

Đây chỉ là 2 trong số hàng chục vụ phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trên không gian mạng bị lực lượng chức năng điều tra, phát hiện, bắt giữ trong thời gian qua.

Thời gian gần đây, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tại tỉnh ta có xu hướng gia tăng về số vụ, phương thức lừa đảo ngày càng tinh vi, gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản, khiến người dân bức xúc, lo lắng. Hình thức lừa đảo gia tăng, chiêu thức lừa đảo tinh vi khiến người dân dễ bị “mắc bẫy” như: lừa đảo qua tuyển cộng tác viên bán hàng hưởng hoa hồng; lừa đảo qua hoạt động trao đổi, mua bán hàng qua mạng; giả danh cán bộ cơ quan thực thi pháp luật, cán bộ cơ quan nhà nước, nhân viên bán hàng để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; hack tài khoản qua mạng xã hội; kết bạn làm quen tặng quà qua mạng... Ngoài ra, gần đây còn xuất hiện thêm hình thức lừa đảo với thủ đoạn tinh vi hơn, như: tổ chức đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá, hoạt động “tín dụng đen” cho vay nặng lãi qua các trang mạng điện tử “app” vay tiền; quảng cáo, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; lừa đảo mua bán số lô, số đề… Đặc biệt, thời gian gần đây, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh còn nhận được nhiều thông tin phản ánh về việc các đối tượng lợi dụng công nghệ AI để cắt ghép khuôn mặt, giả danh giọng nói, dựng vi deo giả danh một số cá nhân là những cán bộ, công chức hoặc người có uy tín, người có điều kiện kinh tế, có địa vị xã hội… để tiếp cận, đe dọa với mục đích tống tiền. Nhiều người vì tâm lý lo lắng, nhẹ dạ, cả tin đã trở thành những nạn nhân của lừa đảo với thiệt hại hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Tại một số địa phương trong tỉnh nổi lên thủ đoạn mạo danh cán bộ công an, trung tâm dịch vụ công, gọi điện liên hệ hướng dẫn cập nhật, đồng bộ hóa tài khoản định danh điện tử mức độ 2, mức độ 3 để đánh cắp thông tin cá nhân...

Theo phân tích của cơ quan chức năng, đặc điểm của tội phạm trên không gian mạng là luôn ẩn danh, vì thế, quá trình trinh sát nắm tình hình trên không gian mạng gặp rất nhiều khó khăn. Đối tượng phạm tội hoạt động theo địa bàn hoạt động rộng, không phân biệt biên giới, lãnh thổ, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi. Ngoài ra, chúng còn luôn thay đổi facebook, fanpage, thay đổi địa điểm, hình thức mua bán trên không gian mạng để trốn tránh sự truy tìm của lực lượng chức năng. Do đó, công tác xác minh, đấu tranh, triệt xóa gặp không ít khó khăn.

Trước tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng có xu hướng gia tăng, nhất là dịp Tết Nguyên đán 2025 đang đến gần, Công an tỉnh Hà Nam khuyến cáo người dân nâng cao tinh thần cảnh giác; tham gia tuyên truyền rộng rãi với người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo để phòng tránh. Người dân không cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại và mạng internet (số điện thoại, căn cước công dân, địa chỉ nhà ở, tài khoản ngân hàng, đặc biệt là mã OTP...) cho bất kỳ ai không quen biết, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng, cơ quan chức năng. Trong mọi trường hợp, không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân; không bán, cho mượn, cho thuê tài khoản ngân hàng; không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết. Đặc biệt lưu ý, không truy cập, đăng nhập, tải các web, đường link được gửi từ người lạ, không rõ nguồn gốc; cảnh giác đối với những lời mời chào đầu tư, cơ hội việc làm với lợi nhuận cao bất thường. Khi được thông tin đề nghị chuyển tiền trên mạng xã hội của người thân, bạn bè… cần gọi điện qua số điện thoại để xác minh. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì cần liên hệ đến cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn, tránh bị các đối tượng lừa đảo.

Nhân Nghĩa

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/an-ninh/gia-tang-toi-pham-lua-dao-tren-khong-gian-mang-142970.html