Gia tăng trẻ mắc bệnh truyền nhiễm theo mùa
Trong khi thời tiết miền Bắc nồm ẩm kéo dài khiến bệnh đậu mùa tái phát thì ở miền Nam nắng nóng, bệnh tay chân miệng lại bùng mạnh.
Quá tải bệnh nhân mắc tay chân miệng ở BV Nhi đồng 1 TP HCM
Quá tải bệnh nhi tay chân miệng ở TP HCM
Ghi nhận tại BV Nhi đồng 1 TP HCM, phòng cấp cứu có 7 trẻ mắc tay chân miệng độ nặng, có 4 trẻ phải nằm ghép chung hai giường với nhau. Bé gái tên N.TV (15 tháng tuổi, Bạc Liêu) được chuyển tuyến lên BV cấp cứu trong tình trạng bị trụy tim mạch tuần hoàn, nguy kịch do bệnh tay chân miệng.
Theo gia đình, khoảng 3 ngày trước khi nhập viện, bé V. sốt cao kèm theo ói. Dù rất lo lắng nhưng gia đình chủ quan không đưa con đến viện. Chỉ khi thấy con rơi vào lơ mơ, tím tái, tay chân lạnh, da nổi bông mới vội vàng đưa đi cấp cứu.
Phòng cách ly bên ngoài cũng tương tự, nhiều giường điều trị phải để bệnh nhi nằm ghép. Theo BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng phòng Công tác xã hội BV Nhi đồng TP HCM, trong tháng qua, trung bình mỗi tuần có khoảng 20 ca nhập viện để điều trị bệnh tay chân miệng nhưng con số đã tăng vọt trong tuần này với 40 trường hợp được chỉ định điều trị nội trú. Đáng lưu ý, có tới 7 ca nhập viện trong tình trạng nặng, phải theo dõi đặc biệt.
“Nếu tình hình bệnh nhân mắc tay chân miệng giữ đà tăng như hiện tại, thì các khoa điều trị có nguy cơ quá tải”, BS. Khanh chia sẻ.
Tình trạng quá tải tương tự cũng diễn ra tại các BV Nhi đồng 2 TP HCM, BV Nhiệt đới TP HCM. Cụ thể, tại BV Nhi đồng 2, số trẻ điều trị nội trú đã tăng lên 40 trẻ/ngày.
Còn tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc trẻ em, BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM, trung bình mỗi ngày có trên 30 ca nặng, có biến chứng co giật. BS. Phan Tứ Quí, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc trẻ em cho biết, đa số ca bệnh nặng dương tính với virus EV71, là chủng gây thể bệnh nặng tay chân miệng.
Theo thống kê của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước ghi nhận 17.451 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 4 trường hợp tử vong tại Kiên Giang (2), An Giang (1) và Long An (1).
So với cùng kỳ năm 2020, số mắc tăng 4 lần và gia tăng chủ yếu khu vực miền Nam và cục bộ tại một số tỉnh, thành phố như: TP HCM, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, An Giang.
Bệnh tay chân miệng tại Việt Nam là bệnh lưu hành quanh năm lây truyền qua đường tiêu hóa và gặp ở hầu hết 63 tỉnh, thành phố, thường ghi nhận số mắc gia tăng vào khoảng thời gian từ tháng 4- 5 và tháng 9-10 hàng năm.
Theo BS. Trương Hữu Khanh, mặc dù tay chân miệng là bệnh lành tính, tuy nhiên vẫn có khả năng trở nặng, gây nên các biến chứng, nguy hiểm tính mạng của trẻ nếu cha mẹ chủ quan, không theo dõi sát các biểu hiện bệnh để đưa trẻ đi khám sớm.
Hà Nội gia tăng trẻ mắc thủy đậu
Ba ngày nay, chị Nguyễn Thanh Huyền (Cầu Giấy, Hà Nội) phải nghỉ làm ở nhà trông cậu con trai lên 5 sốt vì mắc thủy đậu. Chị Huyền cho hay, ở lớp của con chị, có đến 4-5 trẻ cùng phải báo nghỉ học vì thủy đậu.
Ths. BS. Đinh Thị Thanh Thủy, chuyên khoa Nhi, BV ĐK Medlatec chia sẻ, từ đầu năm tới nay vẫn rải rác các ca trẻ mắc thủy đậu đến thăm khám, tuy nhiên trong 2 tuần gần đây con số này tăng nhanh, khoảng 20 trẻ. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước chưa có dấu hiệu đột biến.
“Thời gian giao mùa, nồm ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật phát triển, trong đó, đặc biệt là các virus lây qua đường hô hấp, giọt bắn. Cơ bản bệnh thủy đậu khá lành tính với khoảng 90% trẻ có thể tự khỏi sau 1 tuần, một phần nhỏ có thể có biến chứng viêm nhiễm khuẩn ngoài da, nặng hơn có thể viêm mô tế bào, nhiễm khuẩn huyết, một số vào viện có thể viêm phổi hoặc viêm não nhưng tỷ lệ thấp”, BS. Thủy cho biết.
Đáng nói, một số cha mẹ đã sai lầm trong cách chăm sóc con khi mắc bệnh thủy đậu, điều này khiến bệnh tình trẻ nặng thêm. Ví như quan niệm “kiêng gió, kiêng nước”, nhiều mẹ không tắm rửa, mặc quá ấm cho con gây bí bách, ra nhiều mồ hôi. Đây lại chính là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, gây bội nhiễm, tạo sẹo xấu, nguy cơ viêm nhiễm các vùng hô hấp kèm theo.
Bên cạnh đó, nhiều bà mẹ hiện nay dùng nước được đun từ các loại lá khác nhau để tắm cho con nhằm làm se nốt phỏng thủy đậu. Mặc dù, nhiều loại lá có tác dụng sát khuẩn ngoài da, tại chỗ, tuy nhiên, nhiều trẻ có cơ địa dị ứng thì rất có thể lại tăng cơ hội viêm nhiễm… Không ít trẻ đến viện khi các nốt mụn trùm đầy mủ sau khi tắm lá.