Giá thép đồng loạt giảm sau một thời gian dài tăng mạnh

Sau chuỗi ngày dài tăng liên tiếp từ đầu năm, giá thép xây dựng trong nước hiện bắt đầu hạ nhiệt. Giá thép vừa được điều chỉnh giảm từ 300.000 - 450.000 đồng/tấn, xuống còn 18,1 - 19,1 triệu đồng/tấn.

Nhiều doanh nghiệp thép thông báo điều chỉnh giá

Mới đây, nhiều công ty thép thông báo điều chỉnh giá bán. Theo đó, Công ty cổ phần Sản xuất thép Việt Đức, Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên, thép Kyoei... thông báo điều chỉnh giá bán trên phạm vi toàn quốc đối với sản phẩm thép cuộn xây dựng và thép cây từ 300.000 đồng/tấn (chưa bao gồm VAT).

Tại miền Bắc, thương hiệu thép Việt Đức điều chỉnh giảm 310.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và giảm 300.000 đồng/tấn đối với thép thanh vằn D10 CB300. Mức giá của hai sản phẩm này hiện lần lượt là 18,57 triệu đồng/tấn và 18,88 triệu đồng/tấn.

Tại miền Trung, Việt Đức giảm 910.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và giảm 920.000 đồng/tấn đối với thép thanh vằn D10 CB300. Mức giá mới lần lượt là 18,88 triệu đồng/tấn và 19,18 triệu đồng/tấn. Đây là doanh nghiệp có mức giảm giá thép mạnh nhất.

Tương tự, giá thép Hòa Phát loại CB240 giảm 300.000 đồng/tấn, xuống còn 18,63 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm VAT); loại thép cuộn D10 CB300 cũng giảm 310.000 đồng/tấn, xuống còn 18,74 triệu đồng/tấn.

Giá thép đồng loạt giảm sau một thời gian dài tăng mạnh. Ảnh: T.L

Thép Việt Ý cũng thông báo giảm 310.000 đồng/tấn đối với cả hai sản phẩm. Hiện giá thép cuộn CB240 của thương hiệu này ở mức 18,58 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 là 18,68 triệu đồng/tấn.

Ngày 16/5, giá thép trên Sàn giao dịch Thượng Hải ở mức 4.605 nhân dân tệ/tấn, tương đương 15,6 triệu đồng/tấn. Nguyên nhân giảm giá mặt hàng này là do giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép đã giảm đáng kể.

Số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, hiện giá các nguyên liệu đầu vào đồng loạt giảm so với tháng 3. Cụ thể, giá quặng sắt ngày 8/4 giao dịch ở mức 155 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, giảm khoảng 1,5 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 3.

Theo đó, mức giá này giảm khoảng 55-57 USD/tấn so với mức giá cao nhất được ghi nhận hồi đầu tháng 5/2021 (tương đương 210-212 USD/tấn).

Giá nguyên liệu than mỡ luyện cốc được ghi nhận giảm mạnh. Giá than mỡ luyện cốc xuất khẩu tại cảng Australia ngày 8/4 giao dịch ở mức 359,5 USD/tấn FOB, giảm mạnh so với đầu tháng 3.

Theo báo cáo của Hiệp hội thép Việt Nam, sản xuất thép thành phẩm 4 tháng đầu năm đạt 11,43 triệu tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2021. Bán hàng thép thành phẩm đạt 10,55 triệu tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 2,45 triệu tấn, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung quý I, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 3 triệu tấn với trị giá hơn 3,1 tỷ USD, giảm 18,04% về lượng nhưng tăng 18,84% về giá trị. Thời gian tới Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai nhiều dự án đầu tư công quy mô lớn, đưa sản lượng tiêu thụ thép tăng mạnh, nhiều khả năng tác động lên giá thép.

Đối diện với ba rủi ro lớn

Trong báo cáo triển vọng ngành thép vừa công bố, Chứng khoán Mirae Asset dự phóng sản lượng thép toàn ngành năm 2022 sẽ đạt 33,3 triệu tấn, tăng 8%.

Triển vọng dựa trên ngành bất động sản lẫn xây dựng sẽ hồi phục, qua đó thúc đẩy sản lượng toàn ngành thép. Tuy nhiên, sản lượng sẽ khó có tăng trưởng đột biến như năm 2021 khi hầu hết các công ty thép nội địa đã chạy hết công suất và chưa có những đại dự án mới đưa vào.

Trước đó, năm 2021, sản lượng thép toàn ngành đạt 30,8 triệu tấn, tăng 32,5% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng xuất khẩu đạt 7,5 triệu tấn tăng 66%, tương ứng với tổng giá trị xuất khẩu đạt 12 tỷ USD, cao nhất trong lịch sử. Mảng tôn mạ tăng trưởng ấn tượng nhất với sản lượng toàn ngành 2021 đạt 6 triệu tấn, tăng 52,5%, trong đó xuất khẩu chiếm 45%, tương đương 3,4 triệu tấn, tăng 133%.

Tuy vậy, ngành thép đang đối diện với ba rủi ro lớn. Thứ nhất, rủi ro về biến động giá nguyên vật liệu. Ngành thép và tôn mạ có rủi ro lớn do chi phí nguyên liệu chiếm 65-75% giá thành sản xuất. Đặc biệt trong ngành tôn mạ, giá HRC chiếm hơn 80% chi phí nguyên liệu đầu vào, khiến lợi nhuận của cả ngành biến động rất lớn theo HRC. Tuy nhiên, các công ty đầu ngành tôn mạ như NKG hay HSG đều đã dần chuyển sang bán hợp đồng theo đơn hàng chốt giá trước 3 tháng, do đó trong 6 tháng đầu năm 2022 rủi ro sẽ không lớn.

Giá than cốc đã tăng rất mạnh cùng với giá quặng sắt liên tục có xu hướng tăng giá. Trong bối cảnh giá bán tăng cao có thể khiến thị trường xây dựng sẽ suy giảm tốc độ tăng trưởng, qua đó ảnh hưởng trực tiếp tới sản lượng.

Thứ hai, rủi ro về thuế chống bán phá giá thị trường xuất khẩu. Ngành thép hiện nay xuất khẩu (19,56% tổng sản lượng bán hàng) rất nhiều sang các nước như Trung Quốc, EU, Mỹ …. Vì vậy, vẫn tồn tại rủi ro rất lớn về việc chính sách thuế quan sẽ thay đổi trong bối cảnh chiến tranh thương mại vẫn diễn ra giữa Trung Quốc và các nước.

Thứ ba, rủi ro về hạn chế xuất khẩu. Rủi ro có thể xảy ra nếu giá vật liệu xây dựng ở mức cao, một số dòng thép sẽ bị hạn chế xuất khẩu. Trong đó, phôi thép xây dựng là dòng sản phẩm sẽ đối diện với nguy cơ này đầu tiên./.

Tấn Minh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/gia-thep-dong-loat-giam-sau-mot-thoi-gian-dai-tang-manh-105262.html