Giá thịt giảm mạnh, đại gia bán lỗ trại lợn

CTCP The Golden Group (TGG) vừa công bố chuyển nhượng dự án Trại lợn Hòa Bình.

Ngày 22/5, HĐQT của TGG thông qua việc chuyển nhượng tài sản trên đất (không gồm quyền sử dụng đất) thuộc dự án Trại lợn Hòa Bình cho Công ty TNHH Pomax Herbal.

Theo giá trị sổ sách ghi nhận từ năm 2013 tới nay, chi phí trả tiền chuyển quyền sử dụng đất là 5,6 tỷ đồng, san lấp lu lèn là 6 tỷ đồng, trạm điện 1,1 tỷ đồng, tư vấn 3,1 tỷ đồng, chi phí khác 13,4 tỷ đồng. Tổng giá trị tài sản của dự án là 29,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, giá chuyển nhượng đề xuất chỉ 16 tỷ đồng, thấp hơn 45,5% giá trị ban đầu. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý II/2023.

Nhiều doanh nghiệp nuôi lợn thua lỗ. (Ảnh: DV)

Nhiều doanh nghiệp nuôi lợn thua lỗ. (Ảnh: DV)

Từ đầu năm nay, ngành chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn do giá lợn hơi giảm mạnh. Các đại gia trong lĩnh vực này đều thua lỗ. Trong quý I/2023, Dabaco Việt Nam (DBC) ghi nhận tổng doanh thu đạt 2.402 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ. Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế của DBC âm hơn 320 tỷ đồng.

Theo Dabaco, kết quả kinh doanh kém hiệu quả do ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp. Dịch tả lợn Châu Phi vẫn liên tục tái phát tại nhiều địa phương trong cả nước. Chi phí chăn nuôi tăng cao, trong khi sức mua giảm, giá bán các sản phẩm chăn nuôi trên thị trường ở mức thấp trong suốt thời gian dài.

Theo ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai (HAG), ngành chăn nuôi lợn năm nay sẽ gặp khó. Thực chất quý I/2023, HAGL không có lãi từ chăn nuôi lợn, vì giá giảm quá sâu. Bầu Đức chia sẻ, nếu không có lợi nhuận từ trồng chuối thì gần như HAGL sẽ không có lợi nhuận.

Tin doanh nghiệp

Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.

* NVL: Theo công bố tình hình tài chính định kỳ tới Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty TNHH No Va Thảo Điền (công ty con do Novaland sở hữu 99,9% vốn) báo lỗ 131,2 tỷ đồng trong năm 2022.

* PGV: Theo báo cáo cập nhật kết quả kinh doanh tháng 4, Tổng Công ty Phát điện 3 ước tính doanh thu sản xuất điện của công ty mẹ đạt 4.823 tỷ đồng, tăng gần 31% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng, tổng doanh thu sản xuất điện công ty mẹ ước đạt 16.186 tỷ đồng, tăng 13%.

* TCM: CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công tiếp tục bán ra gần 1,2 triệu cổ phiếu của CTCP Hợp tác Kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex (SAV). Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu chỉ còn hơn 1%.

Theo báo cáo cập nhật kết quả kinh doanh, tháng 4, TCM ghi nhận lãi sau thuế hơn 1,5 triệu USD, tăng 81% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng, lãi sau thuế gần 3,8 triệu USD (hơn 88 tỷ đồng), giảm 4%.

* TOT: CTCP Transimex Logistics (TOT) thông qua tờ trình cổ đông về việc phát hành hơn 549.000 cổ phiếu trả cổ tức năm 2022.

* LPB: Bà Phạm Thị Thanh Thủy, vợ ông Bùi Thái Hà – Phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank (LPB) đã bán ra 2,23 triệu cổ phiếu LPB từ ngày 21/4 đến 09/5 theo phương thức khớp lệnh.

Thông tin cổ tức

* TOW: CTCP Cấp nước Trà Nóc - Ô Môn thông báo chốt quyền trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ thực hiện 17%. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 30/5. Thời gian thanh toán dự kiến vào ngày 19/9.

* TBC: CTCP Thủy điện Thác Bà thông báo chi trả cổ tức đợt 2/2022 với tỷ lệ 15% bằng tiền. Ngày giao dịch không hưởng quyền 30/5.

* DRC: CTCP Cao su Đà Nẵng, thông báo chốt quyền trả cổ tức năm 2022 còn lại bằng tiền mặt với tỷ lệ thực hiện chi trả cổ tức 13%. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 8/6. Trước đó, DRC trả cổ tức đợt 1/2022 với tỷ lệ 5%.

* VMA: CTCP Công nghiệp Ô tô - Vinacomin thông báo chốt quyền chia cổ tức năm 2022 với tỷ lệ thực hiện 12% bằng tiền mặt. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 29/5. Ngày thực hiện dự kiến vào 6/6.

* BTT: CTCP Thương mại Dịch vụ Bến Thành thông báo chốt quyền trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 20/7. Thời gian thực hiện dự kiến vào 3/8.

VN-Index

Kết phiên giao dịch ngày 22/5, VN-Index tăng 3,57 điểm (+0,33%) lên mức 1.070,64 điểm; HNX-Index tăng 1,99 điểm lên 215,9 điểm; UpCOM-Index tăng 0,13 điểm lên 81,21 điểm.

Theo Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), áp lực cung cầu tương đối cân bằng đã giúp cho chỉ số VN-Index có một phiên đi ngang trong biên độ hẹp và để ngỏ cơ hội mở rộng đà tăng điểm trong phiên kế tiếp.

VN-Index sẽ đối mặt với rủi ro điều chỉnh trở lại nếu không sớm vượt qua ngưỡng cản gần đáng lưu ý quanh 1.07x điểm. Nhà đầu tư được khuyến nghị tạm đứng ngoài thị trường hoặc chỉ tham gia với một tỷ trọng thấp.

Theo Chứng khoán Tiên Phong (TPS), lực mua đã cân bằng lại lực bán. Khối lượng giao dịch tiếp tục duy trì ở mức cao thể hiện dòng tiền vẫn đang ổn định và là cơ sở để kỳ vọng thị trường sẽ cơ hội hướng về mức đỉnh liền kề quanh 1.080 điểm.

Ngọc Cương

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/gia-thit-giam-manh-dai-gia-ban-lo-trai-lon-2146044.html