Giá thịt heo vẫn 'neo' ở mức cao

Từ đầu tháng 4, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã giảm giá heo hơi bán tại trại về mức 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên, tại TP Hồ Chí Minh, sau hơn 20 ngày thực hiện chỉ đạo này, giá heo hơi, heo thịt bán ra thị trường vẫn ở mức cao, thậm chí giá một số sản phẩm thịt heo còn cao hơn trước thời điểm 1-4.

Người tiêu dùng chọn mua thịt heo tại chợ Tân Định, quận 1, TP Hồ Chí Minh.

Người tiêu dùng chọn mua thịt heo tại chợ Tân Định, quận 1, TP Hồ Chí Minh.

Từ đầu tháng 4, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã giảm giá heo hơi bán tại trại về mức 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên, tại TP Hồ Chí Minh, sau hơn 20 ngày thực hiện chỉ đạo này, giá heo hơi, heo thịt bán ra thị trường vẫn ở mức cao, thậm chí giá một số sản phẩm thịt heo còn cao hơn trước thời điểm 1-4.

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương tiêu thụ thịt heo lớn nhất nước với bình quân 10 nghìn con/ngày, trong đó, khoảng 80% nguồn cung thịt heo cho thị trường thành phố được nhập từ 10 tỉnh lân cận. Do đó, giá thịt heo tăng hay giảm không chỉ tác động lớn cho khoảng 10 triệu dân thành phố, mà còn tác động đến các doanh nghiệp (DN) sản xuất, chế biến thực phẩm có dùng nguyên liệu từ thịt heo. Thống kê của ba chợ đầu mối nông sản thực phẩm tại thành phố là Bình Điền (quận 8), Thủ Đức (quận Thủ Đức), Hóc Môn (huyện Hóc Môn) với tổng sản lượng thịt heo chiếm khoảng 60% của thành phố cho thấy, giá heo hơi của các DN chăn nuôi lớn đã giảm về mức 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đại diện các chợ đầu mối này thừa nhận, chỉ có heo hơi của một số DN lớn như CP, Japfa, Emivest… có giá bán 70.000 đồng/kg. Số lượng heo của các DN này cung cấp cho thương lái chỉ đáp ứng 30% đến 40% nhu cầu của thị trường. Còn heo hơi của các trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn được bán với giá khá cao. Cụ thể, giá heo hơi của các cơ sở này ở khu vực miền đông và miền Tây Nam Bộ trong một tuần qua bán ra thị trường với mức giá dao động từ 85.000 đồng đến 91.000 đồng/kg, tăng từ 8.000 đồng đến 10.000 nghìn đồng/kg so với những ngày cuối tháng 3 vừa qua. Trong đó, giá heo hơi ở thành phố tăng lên 10.000 đồng, chạm ngưỡng 90.000 đồng/kg. Còn tại Đồng Nai - được mệnh danh thủ phủ chăn nuôi heo cả nước, cũng là địa phương có số lượng heo tiêu thụ lớn ở thành phố, giá heo hơi cũng tăng cao hơn 10.000 đồng/kg so với trước ngày 1-4.

Ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối Hóc Môn, cho biết: “Số lượng heo về chợ đầu mối Hóc Môn đến thời điểm này có phần giảm hơn so với trước. Trong những ngày gần đây, số lượng heo về chợ khoảng 2.700 đến 2.800 con, giảm khoảng 1.000 con so với đầu tháng 4”. Số liệu thống kê của chợ đầu mối Hóc Môn cho thấy, giá heo mảnh loại I ngày 1-4 trung bình 95.000 đồng/kg thì trong những ngày gần đây tăng khoảng 20.000 đồng/kg, ở mức 115.000 đồng/kg; giá heo mảnh loại II trung bình 90.000 đồng/kg tăng 20.000 đồng/kg, ở mức 110.000 đồng/kg. Do giá heo mảnh tăng cho nên nhìn chung giá các sản phẩm thịt heo pha lóc ở chợ đầu mối Hóc Môn cũng tăng cao. Cụ thể, giá thịt nạc 135.000 đồng/kg, tăng 15.000 đồng; chân giò 120.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng; sườn non 160.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng; cốt lết 115.000 đồng/kg, tăng 15.000 đồng… so với thời điểm đầu tháng 4.

Trong khi đó, tại các chợ truyền thống, nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố, thịt heo pha lóc tăng bình quân từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng/kg. Chị Trần Thị Thu Lan, nhà ở gần chợ Tân Định, quận 1 cho hay: “Cách đây hơn 10 ngày, tôi đi chợ mua sườn heo non giá đã ở mức cao 200.000 đồng/kg thì nay tiếp tục tăng thêm 20.000 đồng/kg, ở mức khoảng 220.000 đồng/kg. Không chỉ có sườn non, hầu hết các sản phẩm thịt heo pha lóc đều tăng giá cao so trước thời điểm đầu tháng 4”.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thịt heo tăng giá, nhưng theo các nhà chuyên môn, có hai nguyên nhân chính được đề cập trong thời gian qua. Đó là do thiếu nguồn cung vì ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi khiến tổng đàn heo sụt giảm và có nhiều khâu trung gian đưa thịt heo từ trang trại đến tay người tiêu dùng khiến giá tăng cao. Trước thực trạng này, các đơn vị liên quan đẩy nhanh nhập khẩu thịt heo để bình ổn thị trường. Trong quý I năm nay, số lượng thịt heo và sản phẩm thịt nhập khẩu hơn 25 nghìn tấn, tăng khoảng 200% so với cùng kỳ năm 2019. Trong tháng 4 và 5, Việt Nam tiếp tục nhập khẩu thịt heo, trong đó nhập khoảng 2.000 tấn thịt đông lạnh từ Nga. Giá bán thịt heo nhập khẩu thấp hơn giá thịt heo trong nước khoảng 37%, nhưng do người tiêu dùng chưa có thói quen dùng thịt heo nhập khẩu (thịt mát) mà chỉ thích sử dụng thịt tươi nên số lượng tiêu thụ thịt heo nhập khẩu chưa được nhiều.

Nói về những lợi ích của việc dùng thịt heo mát, theo ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh, sản phẩm này hiện được sử dụng phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới. Sau khi giết mổ công nghiệp, thịt được làm mát, pha lóc, đóng gói, làm lạnh mới đưa ra thị trường tiêu thụ. Toàn bộ các công đoạn này được thực hiện nghiêm ngặt, hạn chế nhiễm vi sinh, bảo quản ở nhiệt độ lạnh, ức chế vi sinh vật phát triển để trong thời gian này các phản ứng sinh hóa diễn ra thuận lợi, giúp thịt vẫn có độ mềm, có mùi thơm tự nhiên khi nấu nướng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, đa số người tiêu dùng vẫn còn thói quen sử dụng thịt ngay sau giết mổ. Việc sử dụng sản phẩm này không chỉ mang tới cho người tiêu dùng trong nước cơ hội được sử dụng những sản phẩm thịt heo thơm ngon, an toàn mà còn góp phần bình ổn giá thịt heo "sốt" từ cuối năm 2019 và kéo dài cho đến nay.

KHÁNH TRÌNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/44207802-gia-thit-heo-van-%E2%80%9Cneo%E2%80%9D-o-muc-cao.html