Giá thịt lợn 'nhảy múa', người tiêu dùng lao đao

Giá thịt lợn đã tăng đến 20-30% so với giai đoạn đầu năm. Đây là mặt hàng rất được quan tâm vì là loại thực phẩm quen thuộc, do đó việc tăng giá ảnh hưởng mạnh đến đời sống người dân.

Tại siêu thị, dù đang áp dụng các biện pháp bình ổn giá, song giá cũng bị đẩy lên cao do khan nguồn cung.

Tại siêu thị, dù đang áp dụng các biện pháp bình ổn giá, song giá cũng bị đẩy lên cao do khan nguồn cung.

Giá thịt lợn không ngừng “nhảy múa”

Thường xuyên mua thịt lợn sử dụng cho bữa ăn hàng ngày, những ngày gần đây, bà Nguyễn Minh Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) không khỏi “hoa mắt chóng mặt” khi giá tăng cao từng ngày. Bà Hoa mệt mỏi nói: “Chỉ cách đây không lâu, giá thịt lợn loại ngon như sườn non, ba chỉ… chỉ 110.000-115.000 đồng/kg, giờ đã tăng lên 140.000 đồng, có hôm tăng đến 160.000 - 180.000 đồng/kg. Nhà tôi chủ yếu sử dụng thịt lợn cho bữa ăn hàng ngày, giờ tăng thế này cũng không biết co kéo sao cho phù hợp”.

Cũng “chóng mặt” khi đi chợ những ngày gần đây, em Hoàng Minh Huyền (sinh viên năm thứ 3 Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết, giá cả hàng hóa đang tăng từng ngày, trong đó giá thịt lợn biến động cao nhất.

“Trước đây, chúng em thường mua thịt ba chỉ, thịt sườn, chân giò… nhưng mấy hôm nay đắt quá, lên đến 140.000 đồng/kg nên chúng em phải chọn những phần rẻ hơn như mông, thủ… Nhưng các loại này cũng lên đến 120.000-130.000 đồng/kg rồi. Không biết có phải lương tăng làm giá thịt lợn tăng hay không, nhưng chúng em là sinh viên, tăng giá thế này thực sự rất khó khăn”, em Huyền chia sẻ.

Giá thịt lợn ở chợ đã cao, ở các kênh siêu thị còn cao hơn. Lướt qua xem giá thịt lợn tại đây, bà Nguyễn Minh Hoa cảm thấy choáng váng vì giá loại nào cũng đắt đỏ. Bà Hoa chia sẻ, ở siêu thị, ba chỉ rút sườn giá 280.000 đồng/kg, sườn non lên tới 300.000 đồng/kg, thịt xay giá cũng 150.000 đồng/kg… Trước đây thỉnh thoảng có việc bận, bà có thể mua thịt ở siêu thị gần nhà cho tiện, nhưng bây giờ, buộc phải ra chợ để tiết kiệm chi tiêu.

Thịt lợn là một trong những loại thực phẩm tăng giá rất cao trong những ngày vừa qua. Ghi nhận tại các chợ truyền thống, giá thịt ba chỉ dao động từ 140.000-160.000 đồng/kg, sườn non từ 150.000-180.000 đồng/kg, nạc vai, mông sấn, chân giò giá 130.000-140.000 đồng/kg... So với với thời điểm đầu năm nay, giá đã tăng 20-30%.

Trên trang web của Vissan - đơn vị kinh doanh và phân phối thịt lợn lớn ở nước ta, niêm yết thịt lợn ba chỉ không da hàng VietGAP với giá 210.000 đồng/kg, ba chỉ rút sườn giá 280.000 đồng/kg, sườn non giá 300.000 đồng/kg, sườn giá 200.000 đồng/kg, nạc đùi 165.000 đồng/kg, nạc xay giá 150.000 đồng/kg...

Chia sẻ về tình hình giá cả thịt lợn, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh tâm lý “té nước theo mưa” khi lương tăng, giá thịt lợn tăng cao còn do nguồn cung hạn chế. Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, thông tin, kết quả khảo sát sơ bộ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và các doanh nghiệp lớn cho thấy đàn lợn cả nước đã giảm từ 30-40%, có nơi giảm tới 70%.

Năm ngoái, giá lợn hơi giảm mạnh và neo ở mức rất thấp khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng trong một thời gian dài. Dịp này, dịch tả lợn châu Phi lại hoành hành ở nhiều địa phương, người chăn nuôi lo ngại không dám tái đàn. Đây là lý do nguồn cung ra thị trường giảm đáng kể, đẩy giá mặt hàng thịt lợn tăng bất chấp thị trường đang vào mùa tiêu thụ thấp điểm nhất năm.

Ở các siêu thị, giá thịt lợn cao hơn giá ngoài thị trường do sử dụng nguồn hàng có nguồn gốc và phải đạt các tiêu chí khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, theo đại diện chuỗi siêu thị MM Mega Market, hiện nay mức giá cũng đã tăng hơn 20% do từ tháng trước, giá lợn hơi đầu vào đã tăng 27%.

Đối với nhập khẩu, do nguồn cung trong nước hạn chế, nhập khẩu thịt lợn đang tăng trở lại. Theo Tổng cục Hải quan, tháng 5/2024, Việt Nam nhập khẩu 76,12 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, với trị giá 139,96 triệu USD, tăng 32,1% về lượng và tăng 28,6% về trị giá so với tháng 5/2023. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, Việt Nam nhập khẩu 304,85 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 596,93 triệu USD, tăng 29% về lượng và tăng 25,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên, người tiêu dùng nhìn chung không ưa chuộng thịt lợn đông lạnh nhập khẩu cho bữa ăn hàng ngày mà loại thịt này thường được sử dụng cho các quán ăn, bếp ăn tập thể.

Giá thịt lợn đang tăng từng ngày.

Giá thịt lợn đang tăng từng ngày.

Giá thịt lợn sẽ chỉ giảm vào năm sau?

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo rằng nguồn cung lợn sẽ tăng trở lại trong thời gian tới. Tuy nhiên, do dịch bệnh vẫn còn phức tạp, giá lợn hơi có thể duy trì ở mức cao và chỉ giảm trở lại vào năm 2025.

Theo các chuyên gia, giá lợn hơi có thể duy trì ở mức hiện nay cho đến cuối năm 2024 do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vừa mới bắt đầu tái đàn sau đợt dịch tả lợn châu Phi năm 2023 và ít nhất đến tháng 12 tới mới có nguồn cung mới ra thị trường. Điều này sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến giá thịt lợn bán ra thị trường. Bên cạnh đó, tâm lý “té nước theo mưa” cũng sẽ ảnh hưởng đến giá cả thịt lợn thời gian tới khi tiền lương vừa được điều chỉnh tăng.

Chưa kể, hiện nay, do học sinh đang được nghỉ hè nên các bếp ăn tập thể giảm bớt nhu cầu tiêu thụ thịt lợn. Một thời gian nữa, khi học sinh vào mùa tựu trường, nhu cầu tăng cao, giá sẽ còn đi lên.

Thịt lợn hiện đang là thực phẩm chiếm tỷ lệ áp đảo trong giỏ tiêu dùng thực phẩm hàng ngày của người dân Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thịt lợn chiếm tới 65-70% trong cơ cấu bữa ăn của các gia đình, trong khi thịt gia cầm chỉ chiếm từ 15-20%, số còn lại là thịt bò và thủy hải sản. Do đó, việc giá thịt lợn “nhảy múa” đang tác động trực tiếp vào các bữa ăn của hàng triệu gia đình Việt.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/gia-thit-lon-nhay-mua-nguoi-tieu-dung-lao-dao-post818771.html