Giá thịt lợn tăng cao: Loay hoay giải pháp bình ổn
Mặc dù đã nỗ lực triển khai giải pháp để bình ổn, điều tiết nhưng giá thịt lợn vẫn không ngừng tăng, cho thấy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dường như 'bất lực' trong điều hành khi để giá lợn tăng liên tục thời gian qua, nhất là trong thời điểm Tết Nguyên đán đang tính từng ngày.
Năm nay, càng gần Tết bà nội trợ càng lo lắng hơn bởi giá thịt lợn hiện đã tăng cao chưa từng có. Giá thịt lợn tăng cao đã gián tiếp đẩy giá các mặt hàng khác “nhảy múa” theo. Gà, vịt, cá đồng, cá biển, tôm, mực, thịt bò… kể cả rau cũng thiết lập mặt bằng giá mới khiến nhiều bà nội trợ “chới với”.
Trước đó, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, sản lượng thịt lợn có thiếu hụt nhưng không thiếu đến mức đẩy giá lợn tăng quá cao. Song song với chống dịch, ngành nông nghiệp đã tuyên truyền, hướng dẫn đẩy mạnh chăn nuôi các đối tượng khác như gia cầm, thủy sản… nên tổng nguồn cung thực phẩm không thiếu. Do đó, người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm về nguồn cung thực phẩm. Cục Chăn nuôi cũng cho rằng, xu hướng nhu cầu thịt lợn cuối năm sẽ tăng, trong tháng Tết thường tăng từ 20 - 25% so với tháng khác. Nếu thực hiện tốt các giải pháp sẽ không có đột biến về giá. Song trên thực tế, các biện pháp trên vẫn chưa phát huy tác dụng, giá thịt lợn vẫn tăng nhanh và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Càng gần Tết bà nội trợ càng lo lắng hơn bởi giá thịt lợn hiện đã tăng cao chưa từng có. Ảnh minh họa.
Không thể phủ nhận một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng “phi mã” của giá thịt lợn hiện nay là sự thiếu thống nhất hiệu quả trong điều hành vĩ mô của các bộ ngành liên quan, mà trực tiếp là hai bộ Công Thương và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – hai bộ chịu trách nhiệm chính trong bảo đảm nhu cầu thực phẩm tiêu dùng cho người dân. Cả hai bộ dù đã triển khai nhiều giải pháp cấp bách nhưng vẫn không dự báo chính xác được lượng thiếu hụt để kịp thời có giải pháp hiệu quả. Thậm chí, có những giai đoạn, “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”, mỗi bộ một ý kiến và quan điểm, còn khi cần đưa ra các giải pháp rốt ráo thì lại không đủ quyết liệt để triển khai bởi chưa có giải pháp gì đảm bảo cho doanh nghiệp dám “liều mình” trữ thịt.
Diễn biến trong tuần gần nhất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã bị Phó Thủ tướng phê bình vì “chậm báo cáo, thực hiện các nhiệm vụ Thủ tướng giao” liên quan tới tình trạng thiếu hụt thịt lợn, giá tăng cao. Còn nhiều câu hỏi dư luận đang chờ câu trả lời thích đáng từ các bộ ngành liên quan. Vì sao các cơ quan chức năng không có hoặc chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn? Hiệu quả, vai trò quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong trường hợp này như thế nào? Có phải “lực bất tòng tâm” hay do chưa thực sự quyết liệt vào cuộc?
Hiện nay, thịt lợn vẫn chiếm tới 60 - 70% tổng lượng thịt tiêu dùng nên việc tăng giá chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn tới đời sống người dân. Do vậy, thay vì khẳng định nguồn cung vẫn đủ, điều các cơ quan chức năng cần làm là có giải pháp hữu hiệu để bình ổn.
Riêng về nguồn cung thực phẩm Tết Nguyên đán và những tháng sau Tết, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết đang có dấu hiệu rất tích cực. Các địa phương tập trung tái đàn, đa dạng nguồn thực phẩm như gia cầm, đại gia súc, thủy sản,... Lượng hàng cung cấp từ nay đến Tết đang gia tăng. Hơn nữa, bà con đã ý thức qua bài học kinh nghiệm dịch tả lợn châu Phi vừa qua nên khâu vệ sinh an toàn rất nghiêm ngặt, đặc biệt là việc xử lý môi trường. Điều đó chứng tỏ bà con đã nâng cao nhận thức nên tới đây việc tái đàn sẽ giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh, giảm bớt nguy cơ thiếu hụt thịt lợn dịp cuối năm. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tới đây chúng ta phải tính chiến lược mới cho năm 2020 trở đi bằng các nhóm giải pháp căn cơ, kể cả trước mắt và lâu dài, để giảm thiểu nguy cơ thiệt hại do dịch bệnh gây ra, hoặc có xảy ra chúng ta cũng phải chủ động trước, không để rơi vào tình huống bất khả kháng.
Tuy nhiên, tới thời điểm này, khi Tết Âm lịch chỉ còn tính theo tuần, thì nhiều ý kiến lo ngại rằng những nỗ lực trên chưa chắc đã xoay chuyển được tình hình. Lý do là không phải khi nào thị trường cũng tuân thủ theo ý chí chủ quan mang tính “tình thế”. Với những diễn biến nói trên, có thể thấy, tình hình nguồn cung thịt lợn vẫn còn đang rất nan giải khi mà hai cơ quan chịu trách nhiệm chính về nguồn cung thịt lợn vẫn đang “đá quả bóng” trách nhiệm cho nhau.