Giá thịt lợn tăng, doanh nghiệp chăn nuôi bứt tốc trong nửa đầu năm
Nửa đầu năm 2024, doanh nghiệp ngành chăn nuôi với những cái tên nổi bật như BAF, Dabaco đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh, lên tới hàng chục lần…
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) về nguồn cung trong thị trường nội địa, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 2,5 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng quý II/2024 ước đạt 1,24 triệu tấn, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Đàn lợn của Việt Nam có xu hướng tăng trở lại do chăn nuôi nông hộ chuyển mạnh sang bán công nghiệp, liên kết với doanh nghiệp. Tuy nhiên, dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương khiến tình hình chăn nuôi không ổn định, đặc biệt với khu vực hộ gia đình.
Trong bối cảnh đó, phần lớn doanh nghiệp ngành chăn nuôi đều ghi nhận mức tăng trưởng nhờ giá thịt hơi ổn định trở lại trong nửa đầu năm 2024.
Nhóm doanh nghiệp chăn nuôi báo lãi bằng lần
Nổi bật trong bức tranh chung của ngành chăn nuôi là kết quả kinh doanh đến từ Dabaco và BAF với mức lợi nhuận tăng trưởng hàng 3 chữ số trong nửa đầu năm 2024 nhờ sản lượng bán lợn tăng mạnh.
Cụ thể, quý II/2024, Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (HoSE: BAF) ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.225 tỷ đồng giảm 23%. Tuy nhiên, nhờ giá vốn giảm sâu tới hơn 30% dẫn đến lợi nhuận gộp trong kỳ của công ty ngược chiều tăng vọt 89% lên 174 tỷ đồng.
Sau thuế, doanh nghiệp của ông Trương Sỹ Bá đạt lợi nhuận tăng trưởng đáng kể, gấp 4 lần cùng kỳ lên 34 tỷ đồng.
Giải trình chênh lệch, BAF cho biết lợi nhuận trong kỳ cải thiện đáng kể là do thị trường giá lợn trong quý II/2024 đã có sự phục hồi nhất định sau đợt giảm đáy vào quý IV/2023. Bên cạnh đó, sản lượng lợn của BAF trong quý II đạt hơn 144.000 con, nâng tổng đàn trong nửa đầu năm 2024 lên 252.000 con, gấp 1,8 lần cùng kỳ.
Ngoài ra, công ty thông tin, giá nguyên liệu đầu vào giảm cũng giúp công ty tăng hiệu quả chăn nuôi.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, BAF ghi nhận doanh thu đạt 2.518 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Trong đó cơ cấu doanh thu xuất hiện sự chuyển dịch cơ cấu chuyển dần từ nông sản sang chăn nuôi.
Cụ thể, trong khi 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu từ hoạt động chăn nuôi của BAF chỉ đạt khoảng 511 tỷ đồng thì đến 6 tháng đầu năm 2024 đã vươn lên mức 1.330 tỷ đồng, tương đương tăng 2,6 lần; chiếm 53% cơ cấu doanh thu. Ở mảng bán nông sản, doanh thu của BAF giảm 35% xuống còn 1.182 tỷ đồng. Công ty cũng không còn ghi nhận từ bất động sản và dịch vụ.
Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận của BAF đạt 153 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024, tăng gấp 14 lần cùng kỳ. Kết quả trên đã giúp công ty hoàn thành hơn 50% mục tiêu lợi nhuận đề ra.
Dù kết quả kinh doanh sụt giảm trong quý II/2024 nhưng tính chung nửa đầu năm, Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC) vẫn ghi nhận bước tăng trưởng vượt bậc về lợi nhuận.
Cụ thể, doanh thu thuần trong quý II của Dabaco đạt 3.185 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Dù chi phí giá vốn hàng bán tiết giảm song lợi nhuận gộp trong kỳ vẫn sụt giảm tới 35% xuống còn 431 tỷ đồng. Đi cùng chiều giảm trên, doanh thu tài chính của Dabaco cũng giảm tới 60% xuống còn 4,7 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế của Dabaco trong quý II/2024 đạt 145 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ năm trước.
Giải trình chênh lệch lợi nhuận, Dabaco cho biết, trong quý II/2024, tình hình giá cả nguyên vật liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước và nhập khẩu tiếp tục biến động; dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp trên diện rộng khiến tổng đàn chăn nuôi lợn của cả nước giảm mạnh, và công ty cũng bị ảnh hưởng.
Công ty thông tin, mặc dù giá lợn hơi trong nước tăng nhưng kết quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị chăn nuôi trong tập đoàn cũng chưa cải thiện đáng kể.
Lũy kế nửa đầu năm 2024, Dabaco ghi nhận doanh thu thuần 6.437 tỷ đồng, tăng 11%. Sau thuế, công ty báo lãi hơn 218 tỷ đồng, cao gấp 36 lần số thực hiện cùng kỳ 2023.
Doanh thu cải thiện vẫn chưa thể thoát lỗ
Cũng ghi nhận kết quả kinh doanh cải thiện song Công ty Cổ phần Masan MEATLife (UPCoM: MML) vẫn chưa thể thoát lỗ.
Theo đó, doanh thu thuần của Masan MEATLife đạt 1.790 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, nhờ tiết giảm giá vốn mà lợi nhuận gộp trong kỳ của công ty tăng mạnh tới 121%, lên 428 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, các khoản chi phí của công ty đều phát sinh mạnh. Cụ thể, chi phí bán hàng đạt 337 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 85 tỷ đồng, tăng lần lượt 43% và 29% so với quý II/2023. Nguyên nhân là do công ty đẩy mạnh các chương trình quảng cáo khuyến mãi giúp doanh thu tăng trưởng.
Dưới sự bào mòn của giá vốn, Masan MEATLife lỗ sau thuế 32 tỷ đồng, giảm đáng kể so với số lỗ 179 tỷ đồng ghi nhận vào cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Masan MEATLife ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.510 tỷ đồng, tăng 6%. Sau thuế, công ty lỗ 79 tỷ đồng, tăng trưởng tích cực so với số lỗ 347 tỷ đồng ghi nhận vào cùng kỳ năm trước.
Cái tên đáng chú ý nhất trong nhóm ngành là Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL; HoSE: HAG). Sau khi bán lại đứa con tinh thần heo ăn chuối - Bapi, doanh thu từ mảng bán lợn (heo) của HAGL ghi nhận sụt giảm đáng kể.
Cụ thể, quý II/2024, doanh thu thuần của công ty đạt 1.518 tỷ đồng, tăng 5%. Trong cơ cấu doanh thu, nguồn thu từ trái cây tăng 98% so với cùng kỳ lên 1.116 tỷ đồng, chiếm 74% doanh thu. Trái lại, doanh thu từ bán lợn ghi nhận giảm 28% xuống 320 tỷ đồng.
Sau khi trừ các chi phí, quý II/2024, HAGL báo lãi sau thuế 281 tỷ đồng, tăng gấp 3,4 lần so với cùng kỳ. Giải trình chênh lệch lợi nhuận, công ty cho biết lợi nhuận tăng trưởng trong quý là do hoạt động xuất khẩu chuối tăng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, HAGL đạt 2.759 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 12%. Trong đó, doanh thu từ trái cây dạt 2.034 tỷ đồng, tức mỗi ngày thu về hơn 11 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, công ty báo lãi 507 tỷ đồng tăng 32% so với cùng kỳ.