Giá thịt lợn vẫn chênh lệch lớn giữa trang trại và chợ dân sinh
Gần 1 tháng nay, giá thịt lợn xuất chuồng tại các trang trại giảm mạnh và đã về đến mức thấp nhất trong vòng hơn một năm qua. Tuy nhiên, giá thịt lợn bán tại các chợ dân sinh, cửa hàng tiện ích vẫn ở mức cao. Điều này không bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người sản xuất, tiểu thương, người tiêu dùng và tác động tiêu cực đến sự phát triển của ngành chăn nuôi.
Giá thịt lợn hơi tại các trang trại đang giảm.
Giá giảm ở trang trại nhưng tại chợ vẫn cao
Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànôịmới tại một số trang trại chăn nuôi trên địa bàn thành phố, giá thịt lợn giảm từng ngày, hiện dao động trong khoảng 63.000-67.000 đồng/kg. Theo ông Nguyễn Văn Lâm, chủ trang trại chăn nuôi ở xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai), gần 1 tháng nay, giá thịt lợn hơi của trang trại xuất bán chỉ dao động trong khoảng 63.000-64.000 đồng/kg, giảm hơn 35.000-37.000 đồng/kg so với cùng thời kỳ năm 2020. Đây là mức giá thấp nhất trong vòng một năm qua.
Tuy nhiên, tại một số chợ dân sinh trên địa bàn thành phố, giá thịt lợn vẫn duy trì ở mức cao, khoảng 130.000-180.000 đồng/kg, (trong đó giá thịt nạc vai 150.000-160.000 đồng/kg; thịt ba chỉ 150.000-170.000 đồng/kg; sườn non 160.000-180.000 đồng/kg).
Bà Nguyễn Thị Vân, tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ Chuông (huyện Thanh Oai) cho biết, mặc dù giá thịt lợn hơi giảm ở các trang trại, nhưng thực tế tiểu thương vẫn mua thịt lợn móc hàm từ các lò mổ là 110.000-115.000 đồng/kg, chỉ giảm hơn 10.000 đồng/kg so với tháng trước. “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ rất chậm, nếu giảm giá bán theo giá thịt lợn hơi, thì người bán hàng sẽ lỗ…”, bà Vân cho biết thêm.
Nhận định về nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Xuân Dương cho biết, giá thịt lợn từ trang trại chăn nuôi đến tay người tiêu dùng phải qua nhiều khâu trung gian (chiếm tới gần 43%). Thịt lợn từ cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ được bán cho cơ sở lớn, rồi tới tay các lò mổ. Sau đó, các lò mổ tiếp tục bán cho nhà phân phối, cửa hàng, tiểu thương kinh doanh tại các chợ.... Mỗi khâu tăng thêm 10% giá bán thì người tiêu dùng sẽ phải mua thịt với giá cao.
Với nhiều khâu trung gian như vậy, nên thời điểm hiện tại, dù nguồn cung đang dồi dào, giá thịt lợn hơi tại các trang trại đang giảm mạnh, nhưng người tiêu dùng vẫn sử dụng thịt lợn với giá cao. Vậy đâu là lời giải cho bài toán chênh lệch giá từ người sản xuất tới người tiêu dùng?
Giá bán thịt lợn tại chợ dân sinh vẫn giữ ở mức cao.
Tăng cường liên kết chuỗi và quản lý thị trường
Để giá thịt lợn tới tay người tiêu dùng trở về mức hợp lý, theo ông Nguyễn Văn Chữ, Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín), các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành Nông nghiệp cần hỗ trợ các trang trại, hợp tác xã xây dựng chuỗi liên kết gắn với doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp thu mua lợn trực tiếp từ người chăn nuôi, giết mổ và bán ra thị trường sẽ giảm bớt các khâu trung gian như hiện nay. Cùng với đó là việc kiểm tra, giám sát hệ thống phân phối, các cơ sở giết mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ có giải pháp phù hợp, bảo đảm lợi ích của người chăn nuôi, người cung ứng và người tiêu dùng.
Cũng về vấn đề này, ông Cao Xuân Quảng, Trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng thuộc Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, cung ứng thịt lợn theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sẽ giảm thiểu các khâu trung gian. Do vậy, doanh nghiệp và người chăn nuôi cần tăng cường liên kết, hình thành chuỗi cung ứng. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đưa thịt lợn vào diện bình ổn giá để bảo đảm lợi ích cho người tiêu dùng.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, để bảo đảm mức giá hợp lý cho người tiêu dùng, cần tổ chức lại hệ thống tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi nói chung và thịt lợn nói riêng gắn với các chuỗi liên kết. Cùng với đó, các địa phương, trung tâm mua bán, siêu thị, chợ đầu mối… cần ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi cho việc giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi có thương hiệu, gắn với các chuỗi liên kết, có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho người chăn nuôi. Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn để bảo đảm đủ nguồn cung thịt lợn ra thị trường, góp phần bình ổn giá tiêu dùng.