Giá thời gian quay trở lại vợ sẽ uốn lưỡi trước khi nói để chồng không đau lòng trước lúc ra đi

Nhiều người có ấm ức, khó chịu nhưng không nói ra ngay để giải tỏa, mà chọn cách găm vào bụng và thể hiện 'im lặng là vàng', không ngờ thành liều 'thuốc độc' và khi hiểu ra đã thành sự đau lòng, nỗi ân hận cuối đời.

Các cụ từ xưa đã dạy: "Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau", ai cũng biết điều đó nhưng thực hành lại... khó, nhất là trong gia đình có những lời nói đã làm nhau phải day dứt, ân hận mãi.

Chị Ngọc Hà (Hải Phòng) chia sẻ: Mẹ chị mất đã hơn 20 năm, bố đã lấy vợ kế. Mỗi năm làm đám giỗ mẹ, bố chị thường mời anh chị vợ (là các bác đằng ngoại nhà chị) đến ăn giỗ. 10 năm trước tự dưng các bác không đến dự đám giỗ nữa.

Rồi bố chị mất. Tới giỗ bố gia đình chị làm cơm mời các họ hàng bên ngoại ăn cỗ. Trong khi mọi người trò chuyện ấm áp chị Ngọc Hà mới xin phép hỏi bác trưởng cho biết rõ ngọn nguồn vì sao nhiều năm nay họ ngoại không giao lưu với nhà chị. Bác trưởng họ giàu có, tiếng nói trọng lượng nhất họ mới khề khà bảo: "Hơn 10 năm trước các bác ở quê lên ăn giỗ thấy bố mày với mẹ kế bật nhạc tưng bừng khiêu vũ. Đám giỗ thì phải đau xót, tiếc thương chứ...".

Chị Ngọc Hà và các anh chị trẻ trong họ ngẩn tò te vì cái lý do "im lặng", không giao lưu của bác trưởng họ hơn chục năm qua. Chị rớm nước mắt giải thích rằng bác và họ ngoại giận bố con oan quá. Quê bố chị Ngọc Hà mỗi khi có đám tang là bật loa đài, ca hát suốt đêm, tới tận lúc tiễn vong đi còn có màn múa hát chèo thuyền lần cuối giữa đường. Thế mà bác và cả họ ngoại găm cái giận tới mức không nói cho bố con chị biết, không có cơ hội để giải thích tiêu tan cái cục giận oan ức hàng chục năm qua.

Vợ chồng im lặng càng nhanh tan vỡ. Ảnh minh họa.

Vợ chồng im lặng càng nhanh tan vỡ. Ảnh minh họa.

Chị Nguyễn Thị Hoa (Hà Nội) cũng tâm sự, chồng chị là bộ đội, suốt thời gian anh tại ngũ một tay chị quán xuyến hết mọi việc nhà, thu nhập hai vợ chồng chỉ ở mức trung bình.

Khi anh chuyển ngành và xin vào làm trong công ty mới đi khám sức khỏe, bác sĩ phát hiện anh bị viêm gan B, khuyên phải kiêng rượu, bia, tránh làm việc nặng. Nhưng anh có thể lực tốt nên vẫn ham đá bóng với anh em, sinh hoạt không điều độ.

Một lần anh đi đá bóng về thấy mâm cơm có mỗi món canh, hỏi thì chị Hoa đáp là nhà đã hết tiền rồi. Rồi chị Hoa càm ràm thêm giá mà anh bớt uống 1 cốc bia thì các con có thêm miếng thịt. Anh im lặng ăn tí cơm rồi đi nằm. Chị dọn dẹp xong vào thì thấy chồng đã khóc, nói "không ngờ mình ăn hết phần con".

Chị Hoa phân bua là chồng ăn bát phở bổ dưỡng thì không sao, nhưng bác sĩ nói kiêng bia rượu mà không từ chối nổi lời mời nhậu nhẹt sẽ rất hại cho sức khỏe, nên chị bực mình nói chứ không có ý gì. Từ đó chồng chị hay gỡ cá thịt cho vợ con ăn hơn, bảo là anh thích gặm xương… Chị phải giả vờ cáu không ăn, hoặc lấy cớ chê tay anh không sạch gắp trả lại anh mới chịu ăn trong nỗi... ấm ức.

Một dạo chồng chị mệt mỏi, chán ăn, sút cân… chị bắt anh đi khám bằng được, thì bác sĩ báo chồng chị đã bị mắc ung thư gan giai đoạn cuối. Trước khi chồng "ra đi" mới nắm tay vợ, chảy nước mắt bảo rằng: "Ai cũng muốn được ăn ngon, mặc đẹp. Anh dành cho vợ con những miếng nạc, miếng ngon sao mắng anh"?

Chị nghe chồng nói mà trào nước mắt, nói chị chỉ cần cùng anh ăn miếng ngon, nhưng lời nói vọt ra miệng khi chưa suy nghĩ đã vô tình làm tổn thương chồng, chị ân hận xin lỗi và ao ước giá như thời gian quay trở lại, chị sẽ uốn lưỡi trước khi nói ra sẽ không làm chồng đau lòng... Nhưng anh nói đã hiểu rồi, và mỉm cười thanh thản ra đi.

Giá như thời gian quay trở lại, chị sẽ uốn lưỡi trước khi nói ra để không làm anh đau lòng.

Giá như thời gian quay trở lại, chị sẽ uốn lưỡi trước khi nói ra để không làm anh đau lòng.

Hai câu chuyện trên cho thấy sự im lặng trong gia đình không phải là "vàng" như mọi người nói, mà là "liều thuốc độc". Giá như chồng chị Hoa đừng im lặng nuốt giận vào trong, mà trò chuyện với vợ ngay sau đó thì mọi việc đã được giải tỏa, để anh không phải ôm nỗi hận trong lòng lâu đến thế. Và giá như người bác trưởng họ trong câu chuyện trên, mà dùng "vai trên" trách người nhà chị Ngọc Hà thì những bức xúc đã được giải tỏa, không còn để lại nỗi xót xa sau hàng chục năm trời.

Trong các mối quan hệ gia đình mỗi khi có chuyện không bằng lòng nhiều người có tật "găm" vào bụng, hoặc ra chỗ khác nói... chứ không nói ngay với "chính chủ" để giải tỏa - nhất là các bà vợ, lúc nào cũng thể hiện là "ổn" và không bao giờ chia sẻ những nỗi đau bởi "xấu chàng thì hổ ai", hoặc sợ làm người thân đau lòng. Những tổn thương nhỏ nhưng ngày càng loét sâu... tới khi nói được ra thì trái tim như vỡ vụn. Vì vậy muốn có một gia đình hạnh phúc với các mối quan hệ mọi người cần chú ý:

1. Mọi người - nhất là hai vợ chồng luôn vun đắp các mối quan hệ: Nên thường xuyên kết nối với nhau, trò chuyện và quan tâm, có gì khúc mắc cùng nhau giải quyết – bởi điều quan trọng nhất để vun đắp cho mối quan hệ là sự chân thành và cái tâm ý thật sự muốn.

2. Bao dung và tha thứ: Ai cũng có khuyết điểm, phạm sai lầm. Hãy bao dung và tha thứ cho nhau, đừng nhắc lại chuyện cũ, đừng hơi tí kể lại "tội" của họ.

Với vợ chồng nếu có xảy ra chuyện gì, kể cả ngoại tình thì cũng là lời cảnh tỉnh cuộc hôn nhân "có vấn đề", có thể yêu thương, quan tâm nhau chưa đủ, chưa đúng. Hãy quan tâm tới những điểm mạnh của nhau, cho nhau cơ hội được thay đổi và hoàn thiện bản thân để trở nên tốt hơn mỗi ngày.

3. Đừng "soi" nhau quá nhiều: Nhiều người rất sai lầm khi kiểm soát hành động của nhau để có những lời phán xét mà nhiều khi không đúng. Nhất là vợ chồng hay theo dõi, đọc tin nhắn… của nhau, rồi phát hiện "thả tim", hay bình luận thân thiết với ai là tra hỏi, khiến mối quan hệ ngột ngạt, mất tự do. Thay vì "soi" thì hãy dành thời gian có chất lượng cho nhau, nhìn vào mặt tích cực của nhau. Các bà vợ thì hãy dành thời gian làm đẹp, chăm sóc chồng con... Ai cũng cần sự riêng tư và làm những việc cá nhân, vì vậy đừng để ý những chuyện nhỏ xíu rồi "găm" vào bụng làm bản thân mình đau, hận.

Người nhà cần phải nuôi dưỡng tâm hồn đẹp, hành xử ôn hòa để không làm tổn thương nhau. Ảnh minh họa.

Người nhà cần phải nuôi dưỡng tâm hồn đẹp, hành xử ôn hòa để không làm tổn thương nhau. Ảnh minh họa.

4. Nuôi dưỡng tâm hồn giàu có để có các mối quan hệ tốt đẹp: để vợ chồng "giữ" được nhau thì ngoài vẻ đẹp bên ngoài, mọi người cần phải nuôi dưỡng tâm hồn đẹp, giàu trí tuệ, nói chuyện thông minh, hành xử ôn hòa để không làm tổn thương nhau. Vợ chồng cũng cần ứng xử khéo léo để không chán nhau mà rời đi.

Ai cũng muốn sống vui vẻ, hạnh phúc - nhưng chỉ muốn mà không hành động, không vun trồng, tưới tắm cho các mối quan hệ thì không có được "trái ngọt". Cuộc sống nhiều điều bất như ý, khi trái chua, trái xanh đã đến thì cần có "một cơn mưa, một ánh nắng", tương tự như một lời khuyên, một lời xin lỗi, một hành động cải thiện mọi thứ, hoặc tự mình viết ra điều biết ơn, tự miệng nói lời xin lỗi… hàng ngày thì mới có hạnh phúc đến.

Mỗi người là một cá thể riêng, sẽ có những tính cách riêng, mối quan hệ vợ chồng cũng vậy, không thể ép đối phương phải giống mình, mà là cùng nhau bao dung, cảm thông cho những khuyết điểm của nhau, và dù lớn tiếng, cãi nhau thì cũng đừng bao giờ có ý nghĩ sẽ rời bỏ nhau mà đi. Đó là mới là mối quan hệ gia đình. Còn trong hôn nhân những bất hòa thường kết thúc sau mỗi cuộc yêu vào ban đêm, và được xây đắp lại mỗi sáng trước bữa điểm tâm.

Tuệ An

Chuyên gia tư vấn hôn nhân gia đình

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/gia-thoi-gian-quay-tro-lai-vo-se-uon-luoi-truoc-khi-noi-de-chong-khong-dau-long-truoc-luc-ra-di-20210812194010882.htm