Giá thực phẩm tăng cao, người chăn nuôi phấn khởi vì có lãi

2 tuần trở lại đây, giá nhiều loại thực phẩm từ chăn nuôi tăng mạnh, đặc biệt là thịt lợn đã "bật" tăng cao khiến nhiều hộ chăn nuôi phấn khởi vì có lãi, mạnh dạn tái đàn.

Hai tuần trở lại đây, giá nhiều loại thực phẩm tăng cao (ảnh chụp tại chợ Vĩnh Yên). Ảnh Thế Hùng

Hai tuần trở lại đây, giá nhiều loại thực phẩm tăng cao (ảnh chụp tại chợ Vĩnh Yên). Ảnh Thế Hùng

Vừa xuất bán đàn lợn 100 con với giá 70 nghìn đồng/kg, ông Đặng Quốc Dũng, xã Quang Sơn (Lập Thạch) vô cùng phấn khởi bởi sau thời gian dài chịu lỗ, với mức giá này, gia đình bắt đầu có lãi. Hiện, trang trại của ông Dũng đang nuôi 100 con lợn nái và 600 - 700 con lợn thương phẩm.

Theo tính toán của ông Dũng, với chi phí đầu vào tăng cao như hiện nay, giá lợn ở mức 60 nghìn đồng/kg lợn hơi là các hộ chăn nuôi có thể hòa vốn; nay, giá lợn hơi tăng thêm từ 8 - 11 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi con lợn có thể thu lãi gần 2 triệu đồng.

Trong 2 tuần qua, giá lợn hơi tại miền Bắc liên tục được thương lái thu mua với giá cao. Tính đến ngày 19/7, giá thịt lợn hơi được thu mua dao động từ 69 - 71 nghìn đồng/kg, đã đẩy giá thịt lợn thương phẩm tại các chợ dân sinh tăng từ 35 - 40 nghìn đồng/kg.

Qua khảo sát tại các chợ trên địa bàn tỉnh, giá thịt lợn vai, sấn mông đã tăng lên 120 nghìn đồng/kg, thịt lợn ba chỉ đã tăng lên ở mức 140 - 150 nghìn đồng/kg. Với giá bán này, sau khi trừ chi phí đầu vào (thức ăn, các loại thuốc phòng bệnh...), đối với những hộ gia đình, trang trại tự chủ được về con giống, có thể thu lãi 2 triệu đồng/con lợn; thậm chí, những hộ gia đình, trang trại kiêm đại lý thức ăn chăn nuôi có thể thu lãi lên đến 3 triệu đồng/con lợn.

Đây là tín hiệu tốt cho những hộ chăn nuôi lợn sau thời gian dài phải "gồng gánh" chịu lỗ khi giá lợn hơi chỉ duy trì ở mức từ 50 - 55 nghìn đồng/kg trong khi chi phí phòng dịch quá lớn cùng với giá cám tăng cao liên tục trong gần 2 năm nay.

Việc giá bán các sản phẩm chăn nuôi nói chung, giá lợn hơi tăng đã tạo tâm lý phấn khởi cho các hộ chăn nuôi. Anh Phạm Văn Tấn, hộ nuôi cá lâu năm tại xã Tam Hồng (Yên Lạc) vui mừng cho biết, khoảng 2 tháng nay, giá cá xuất bán tại trang trại của anh tăng thêm từ 3 - 5 giá, ở mức 53 nghìn đồng/kg cá chép và 55 - 57 nghìn đồng/kg cá trắm; cá biệt, cá rô phi đơn tính tăng mạnh, ở mức 43 - 44 nghìn đồng/kg, tăng thêm từ 8 - 10 nghìn đồng/kg so với 3 tháng đầu năm; cho thu lãi khá.

Vụ cá này, anh Tấn thu hoạch được khoảng 25 tấn cá các loại và dự tính sẽ mở rộng quy mô ao nuôi, tái đàn thêm trong tháng tới, tăng sản lượng lên thêm 15 tấn để cung cấp cho thị trường dịp Tết.

Bên cạnh đó, giá các loại thịt và trứng gia cầm vẫn giữ ở mức cao. Cụ thể, thịt gà ta có giá từ 90 - 95 nghìn đồng/kg, thịt vịt 75 nghìn đồng/kg.

Sở dĩ trong 2 tuần gần đây, giá các loại thực phẩm tăng cao là do chi phí đầu vào chăn nuôi tăng mạnh, trong đó, chỉ tính riêng thức ăn chăn nuôi, từ đầu năm 2022 đến nay, giá bán đã được các công ty điều chỉnh tăng tới 7 lần, tương đương mức tăng khoảng 35 - 40%.

Nhất là đối với thịt lợn, giá thành tăng cao trong thời gian vừa qua một phần do nguồn cung giảm vì giá xăng và thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến người chăn nuôi không mặn mà tái đàn.

Ví dụ, một hộ từng nuôi lợn quy mô lớn như gia đình anh Nguyễn Văn Toàn, xã Minh Quang (Tam Đảo), do chi phí chăn nuôi tăng quá cao trong khi giá xuất bán thấp, không có lãi nên đã buộc phải giảm số lượng con trong mỗi lứa để bớt gánh nặng chi phí.

Thêm vào đó, giá lợn tại Trung Quốc và Thái Lan tăng cao; hiện, giá lợn hơi tại 2 nước này là 80 - 90 nghìn đồng/kg. Cùng với đó, sau khi dịch Covid-19 từng bước được kiểm soát, các ngành kinh tế đã dần phục hồi trở lại, các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể quay lại kinh doanh; do đó, nhu cầu tiêu dùng các loại thực phẩm đều tăng cao.

Theo nhận định của các chuyên gia ngành chăn nuôi, từ nay đến cuối năm, giá nhiều loại thực phẩm sẽ tiếp tục tăng vì nhu cầu tiêu dùng của người dân cuối năm thường tăng cao (sự kiện, tiệc cưới); trong khi đó, chi phí đầu vào chăn nuôi chưa có dấu hiệu ngừng tăng.

Theo khuyến cáo của lãnh đạo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), mặc dù giá các loại sản phẩm chăn nuôi đang có xu hướng tăng nhưng người dân cần thường xuyên nắm bắt thông tin về tình hình thị trường để có phương án tăng đàn và sản xuất phù hợp, đảm bảo cân đối đầu ra và sản xuất; đồng thời, tăng cường các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để kiểm soát dịch bệnh, ổn định nguồn cung, đáp ứng nhu cầu của thị trường những tháng cuối năm...

Lưu Nhung

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/81098/gia-thuc-pham-tang-cao-nguoi-chan-nuoi-phan-khoi-vi-co-lai.html