Giá thực phẩm tăng vọt, Trung Quốc đối mặt với thế cờ nguy hiểm khi đấu với Mỹ

Dữ liệu mới của Trung Quốc cho thấy giá thực phẩm đang tăng lên mức cao nhất 7 năm. Nhu yếu phẩm tăng sẽ dễ đẩy Trung Quốc vào cảnh lạm phát. Nhưng Trung Quốc vẫn đình chỉ nhập nông sản - con tin trong thương chiến với Mỹ.

Trung Quốc ở thế cờ nguy hiểm

Trung Quốc ở thế cờ nguy hiểm

Theo các chuyên gia, giá lương thực tăng do ngừng nhập khẩu nông sản của Mỹ - sẽ gây rắc rối cho Trung Quốc khi Bắc Kinh tiếp tục cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng với Washington.

Dữ liệu mới hôm thứ Sáu, 9.8 cho thấy giá thực phẩm Trung Quốc trong tháng 7 đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, là giá thịt lợn – thứ không thể thiếu trong mâm cơm của người Trung Quốc tăng 27% trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Bên cạnh đó, giá trái cây tươi cũng tăng 39,1%.

Các số liệu được đưa ra khi Trung Quốc tuyên bố trong tuần này rằng họ sẽ đình chỉ nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ. Động thái trên được mô tả là để trả đũa Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 10% đối với hàng hóa trị giá 300 tỉ USD của Trung Quốc kể từ 1.9.

Các nhà kinh tế cho rằng lạm phát có thể tăng cao hơn trong thời gian ngắn hạn, nhưng họ tin rằng Bắc Kinh vẫn còn một loạt các lựa chọn để giảm thiểu các tác động trước khi chúng bắt đầu gây ảnh hưởng đến thượng tầng chính trị.

Trung Quốc có một cơ chế kiểm soát giá đối với các nhu yếu phẩm để giảm tốc độ tăng giá lương thực. Việc tung hàng dự trữ trong kho của chính phủ có thể làm dịu lạm phát giá lương thực, Iris Pang, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại ING (Tập đoàn ING là một ngân hàng và dịch vụ tài chính đa quốc gia Hà Lan có trụ sở chính tại Amsterdam) khẳng định.

Kế hoạch phát triển thêm nguồn cung ngoài Mỹ, các sản phẩm nông nghiệp hiện đang phải nhập khẩu sẽ được đẩy mạnh, Pang nói thêm.

Quay lưng với nông sản nhập khẩu từ Mỹ

Tổng xuất khẩu nông sản của Mỹ sang Trung Quốc đạt gần 10 tỉ đô la trong năm 2018 và Trung Quốc đã ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu để bù đắp cho những hạn chế nông nghiệp trong nước.

Nếu buộc phải tìm kiếm các đối tác thương mại mới để tăng cường an ninh lương thực, Trung Quốc có thể đang xem xét chấp nhận giá nhập khẩu cao hơn do các nước xuất khẩu tìm cách ép giá trước nhu cấu cấp bách của Bắc Kinh.

“Có rất nhiều cớ cho các nhà xuất khẩu tranh thủ cuộc chiến thương mại để tăng giá bán của họ. Điều này sẽ xảy ra và là một đòn mới nghiêm trọng hơn với các nhà nhập khẩu các mặt hàng được đề cập ở trên”, Rory Green - chuyên gia nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc tại viện TS Lombard, phân tích hôm thứ Sáu, 9.8.

Tuy nhiên, vì các mặt hàng thực phẩm như đậu nành, trái cây và thịt lợn đều có tính linh hoạt, nếu một vài nhà cung cấp nào đó tăng giá quá cao, Trung Quốc có thể đi gõ cửa nơi khác. Khó khăn ở đây là phải bù đắp khối lượng thịt lợn cần thiết, có nghĩa là các nguồn protein khác như thịt gà có thể được sử dụng để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Trung Quốc đang lên kế hoạch nhập khẩu thêm các sản phẩm nông nghiệp từ châu Âu để giảm thiểu thiệt hại từ việc thắt chặt hàng nhập khẩu của Mỹ, cùng với việc tăng cường tính bền vững trong nước.

Sẵn sàng hạ sát con tin

Green cho rằng sự tham gia của nhà nước trong việc mua thực phẩm có nghĩa là chính phủ Trung Quốc có thể trả thêm phí tổn cho việc giao dịch ở lĩnh vực khác nếu không muốn chuyển tất cả gánh nặng tăng giá cho người tiêu dùng.

Hơn nữa, tìm nguồn cung ứng từ bên ngoài Mỹ, sẽ thực sự tăng cường an ninh lương thực của Trung Quốc bằng cách giảm sự phụ thuộc vào Mỹ trong vai trò là nhà cung cấp duy nhất. Thế nhưng, điều đó có nghĩa là nông sản sẽ không còn là con tin trong các quân bài hạn chế xuất - nhập khẩu của Trung Quốc với Mỹ trong tương lai, Green phân tích.

Nhưng giá lương thực dù tăng cao cũng khó có thể buộc Chủ tịch Tập Cận Bình thay đổi lập trường, có thái độ mềm mỏng hơn đối với Washington, đơn giản vì Bắc Kinh thà trả giá cao hơn cho thịt lợn châu Âu hoặc đậu nành Nam Mỹ so với việc mua dễ dàng từ Mỹ.

Trong một số năm gần đây, Trung Quốc đã tìm cách đa dạng hóa nguồn nhập khẩu khỏi Mỹ, nước vốn là nhà cung cấp chính các sản phẩm nông nghiệp cho Trung Quốc và luôn hướng mục tiêu là kiểm soát tất cả các lĩnh vực trong nguồn cung cấp thực phẩm cho Trung Quốc. Bắc Kinh không muốn bị phụ thuộc như thế và họ hợp tác xây dựng các trang trại ở Nga, Đông Âu, Châu Phi và Nam Mỹ.

Vào năm 2014, Bắc Kinh đã chủ động hoán đổi chuyển mua ngô Mỹ sang ngô Ukraine, cắt giảm 90% lượng mua từ Mỹ và Green dự kiến rằng nếu chiến tranh thương mại không kết thúc sớm, Mỹ sẽ chịu tổn thất vĩnh viễn về thị phần tại thị trường đậu nành Trung Quốc. Đậu nành chiếm 3,1 tỉ USD xuất khẩu nội địa của Mỹ sang Trung Quốc, một phần ba trong tổng xuất khẩu nông sản của Mỹ sang Trung Quốc.

Thiệt hại của phía Mỹ

Theo ước tính của ông Pat Westholl, Giám đốc Viện Nghiên cứu chính sách lương thực và nông nghiệp thuộc Đại học Missouri, giá đậu tương Mỹ đã giảm 9% kể từ khi thương chiến Mỹ-Trung bắt đầu vào tháng 7 năm ngoái.

Từ tháng 9.2017-5.2018, xuất khẩu đậu tương Mỹ sang Trung Quốc đạt 27,7 triệu tấn. Cùng kỳ 2018-2019, con số này giảm hơn 70%, còn 7 triệu tấn - theo số liệu của Đại học Missouri.

Ông Westhoff nói rằng do thuế quan trả đũa của Trung Quốc, Mỹ thiệt hại khoảng 4 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu đậu tương mỗi năm. Đây là mức thiệt hại trước khi Trung Quốc dừng hẳn việc mua nông sản Mỹ.

Ngoài ra, thuế quan cũng ảnh hưởng đến tất cả các nông sản khác của Mỹ. Do nhu cầu đậu tương giảm, nông dân Mỹ phải trồng nhiều hơn các loại nông sản khác như ngô, dẫn tới nguồn cung ngô tăng và giá ngô giảm.

theo VnEconomy

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/gia-thuc-pham-tang-vot-trung-quoc-doi-mat-voi-the-co-nguy-hiem-khi-dau-voi-my-118963.html