Gia Thủy: Chuẩn bị các điều kiện chủ động ứng phó với lũ lụt
Do địa hình vùng chiêm trũng, tiếp giáp với sông Hoàng Long, sông Na nên hàng năm xã Gia Thủy thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, nhất là ngập úng, lũ lụt ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, đời sống sinh hoạt của nhân dân. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, xã Gia Thủy đã chủ động xây dựng phương án chuẩn bị đầy đủ người, vật tư theo phương châm '4 tại chỗ' đảm bảo sẵn sàng ứng phó hiệu quả khi có bão, lũ lụt xảy ra.
Ông Dương Tiến Cường, Chủ tịch UBND Gia Thủy cho biết: là xã nằm trong vùng phân lũ, chậm lũ của huyện Nho Quan, xã có 1.685 hộ, 6.178 khẩu, 12 thôn; trong đó thôn Ngọc Nhị, Liên Phương nằm giáp sông Hoàng Long; có tổng diện tích 617,54 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 478,41 ha, diện tích gieo cấy vụ chiêm xuân, cây mầu xuân trên 414,6 ha; trong đó diện tích ven sông Hoàng Long, sông Na là 82 ha.
Toàn xã có 7 km đê bao, tuyến đê bao cao trình phổ biến là 4 m, chỉ tiêu chống lũ (+3,5m đến +4m). Mặc dù đã được huyện Nho Quan tiến hành sửa chữa một số đoạn hư hỏng nặng, tuy nhiên hiện nay vẫn còn hơn 300 m mái đê khu vực Làn giáp sông Hoàng Long bị sạt lở do ảnh hưởng của bão lụt năm 2017 và năm 2018 chưa được khắc phục. Nhiều điểm sạt lở bê tông ở mái đê tạo thành "hàm ếch" ăn vào trong mặt đê, tiềm ẩn nguy cơ khi có lũ lớn trên sông Hoàng Long.
Bên cạnh đó, hệ thống cống trên tuyến đê bao có gần 30 chiếc và 5 trạm bơm có công suất từ 320 + 2.000 m3/h/máy. Trong đó, chi nhánh Công ty khai thác công trình thủy lợi quản lý 1 trạm (3 máy), còn lại HTX quản lý. Hiện trạm bơm Canh Bầu tưới tiêu kết hợp có 3 máy công suất 2.000 m3/h/máy, còn lại 3 trạm bơm dã chiến bằng bơm điện, 2 trạm bơm dầu đã được địa phương sửa chữa, nâng cấp, bảo dưỡng kịp thời trước mùa mưa bão.
Theo Đài khí tượng thủy văn Ninh Bình, do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên thời tiết, thủy văn năm 2021 sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, vì vậy cần đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như: giông, lốc vào thời kỳ chuyển mùa, bão mạnh ảnh hưởng trực tiếp, mưa lớn gây ngập úng, lũ lụt.
Trước tình hình đó, xã Gia Thủy đã xây dựng phương án chủ động, tích cực sẵn sàng ứng phó khi có bão, lũ lụt xảy ra, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các lực lượng trong công tác phòng chống thiên tai đảm bảo an toàn về tài sản và các công trình công cộng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, đảm bảo vệ sinh môi trường không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.
Trong đó, lực lượng xung kích và các vật tư, phương tiện phòng chống thiên tai đã có hợp đồng của Ban chỉ huy xã bao gồm: 70 người, 150m3 đất dự phòng tại trạm bơm Canh Bầu, 200 chiếc cọc tre 3m, bao bì 2.000 chiếc; Hợp đồng với 4 chủ phương tiện ô tô và 1 chủ phương tiện có máy múc; 6 cá nhân có thuyền máy, áo phao, phao cứu sinh...
UBND xã xây dựng phương án phòng chống bão mạnh, siêu bão mạnh đổ bộ vào địa bàn, phương án chống úng khi có mưa lớn và lũ trên thượng nguồn đổ về. Khi có tình huống mưa lớn, bão xảy ra cần theo dõi xử lý tràn trên các tuyến có nguy cơ tràn, bảo vệ diện tích canh tác ngoài đê bao ven sông Na, sông Hoàng Long, của các thôn Liên Phương, Ngọc Sơn, Minh Giang, Tân Sơn, Hoàng Long, Ngọc Nhị, xóm Chùa, Mỹ Lộc, Cây Xa; diện tích tích trong đê có nguy cơ bị úng cục bộ của các thôn Mai Xá, Chùa, Mỹ Lộc, Cây Xa, Mỹ Thịnh.
Cùng với đó, Gia Thủy đã kiện toàn Ban chỉ huy PCLB & TKCN, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách trực tiếp các thôn trong toàn xã, điều hành công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật; Xây dựng kế hoạch, phương án PCTT & TKCN; chỉ huy và tổ chức ứng phó với thiên tai và TKCN bảo đảm an toàn về người và tài sản, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi thiên tai xảy ra.
Ông Dương Tiến Cường, Chủ tịch UBND xã Gia Thủy cũng cho biết: Để đảm bảo an toàn cho mùa mưa bão, xã Gia Thủy đã kiến nghị UBND huyện Nho Quan hỗ trợ kinh phí để xử lý sạt lở mái đê tuyến từ thôn Hoàng Long đi trạm bơm thủy nông, nhằm bảo vệ diện tích lúa và tài sản của nhân dân. Đồng thời mong muốn huyện tạo điều kiện hỗ trợ về lực lượng, phương tiện để ứng phó các tình huống; lũ lớn, bão mạnh, siêu bão, cháy nổ.