Giá tiêu bứt phá, nông dân và doanh nghiệp phấn khởi nhưng...

Giá tiêu bứt phá lên mức cao nhất nhiều năm qua. Người trồng tiêu và doanh nghiệp đều kỳ vọng đà phục hồi sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian tới.

“Tính đến hết tháng 6, Việt Nam đã xuất khẩu gần 125 nghìn tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen chiếm tỉ trọng lớn với gần 106 nghìn tấn, còn lại là tiêu trắng. Mặc dù lượng xuất khẩu giảm 12,9% so với cùng kỳ năm 2024, song kim ngạch xuất khẩu lại đạt 850,5 triệu USD, tăng mạnh 34,1% so với năm trước”.

Thông tin trên được ông Lê Việt Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) chia sẻ tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của VPSA, ngày 24-7.

Giá xuất khẩu tăng đến hơn 90%

Theo ông Việt Anh, sự tăng trưởng ấn tượng về giá trị này chủ yếu đến từ sự bứt phá của giá xuất khẩu. Cụ thể, tiêu đen đạt bình quân 6.665 USD/tấn, tăng 93,6%, còn tiêu trắng đạt 8.079 USD/tấn, tăng 63,0% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Đây là mức giá cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, phản ánh rõ nét xu hướng phục hồi của thị trường hồ tiêu thế giới và sự cải thiện về chất lượng, giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất của Việt Nam” - đại diện của VPSA cho hay.

 Ông Lê Việt Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam cho biết trong sáu tháng đầu năm giá tiêu bứt phá mạnh.

Ông Lê Việt Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam cho biết trong sáu tháng đầu năm giá tiêu bứt phá mạnh.

Không chỉ các doanh nghiệp vui mừng khi giá tiêu xuất khẩu liên tục lập đỉnh, trong nước, bà con nông dân trồng tiêu cũng rất phấn khởi, mặc dù giá thu mua hồ tiêu nội địa trong quý II ghi nhận nhiều biến động bất thường.

Trong tháng 4, giá tiêu duy trì ở mức ổn định tương đối cao, dao động quanh 153.000-155.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm tăng lên tới 157.000 đồng/kg vào cuối tháng 4. Tuy nhiên, bước sang tháng 5, thị trường bắt đầu xuất hiện tín hiệu điều chỉnh giảm. Giá thu mua giảm nhẹ, bình quân chỉ còn 148.000-150.000 đồng/kg, trước khi tiếp tục lùi xuống 147.000 đồng/kg vào đầu tháng 6.

Đà giảm giá trở nên rõ rệt hơn khi thông tin áp thuế nhập khẩu của Hoa Kỳ đối với hồ tiêu Việt Nam lan rộng, khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã hoàn tất đơn hàng trước đó lựa chọn hạn chế mua vào, dẫn đến lực cầu trên thị trường nội địa suy yếu. Đặc biệt, yếu tố khiến thị trường thêm phần trầm lắng là việc Luật Thuế Giá trị gia tăng sửa đổi chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7.

 Người dân Đắk Nông chăm sóc cây hồ tiêu. Ảnh: AH

Người dân Đắk Nông chăm sóc cây hồ tiêu. Ảnh: AH

Do chưa có hướng dẫn cụ thể từ cơ quan thuế, nhiều doanh nghiệp rơi vào thế bị động trong hoạt động giao dịch và kê khai, làm phát sinh tâm lý trì hoãn mua hàng. Tác động kép này đã khiến giá hồ tiêu rơi sâu, chạm đáy 123.000 đồng/kg vào tuần thứ 3 của tháng 6, mức thấp nhất kể từ đầu năm.

Tuy nhiên, đà giảm không kéo dài. Chỉ một tuần sau đó, giá tiêu nội địa bất ngờ phục hồi trở lại và đạt mức trung bình 140.000 đồng/kg, rồi ổn định quanh mức này cho tới thời điểm hiện tại.

“Sự phục hồi nhanh chóng được cho là đến từ việc doanh nghiệp quay lại mua vào để dự trữ khi giá xuống quá thấp, cũng như kỳ vọng thị trường xuất khẩu sẽ sôi động trở lại trong quý 4 khi các yếu tố chính sách dần được làm rõ và nhu cầu quốc tế tăng trở lại” - VPSA đánh giá.

Không quá lo thuế đối ứng Hoa Kỳ, nhưng vướng về thuế VAT

Hoa Kỳ hiện là thị trường lớn nhất của hồ tiêu Việt Nam, chiếm 23,6% tổng lượng xuất khẩu. Sáu tháng đầu năm, xuất khẩu tiêu sang thị trường này giảm mạnh 29,4% so với cùng kỳ năm 2024. Đại diện hiệp hội cho rằng đây là tín hiệu cần được theo dõi kỹ lưỡng. Bởi Hoa Kỳ là thị trường có ảnh hưởng lớn đến xu hướng giá và chính sách xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch của VPSA, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Prosi Thăng Long, nhận định hiện tại yếu tố thuế quan tại Hoa Kỳ có gây tác động nhất định đến giao dịch nhưng chưa phải là nhân tố chính chi phối thị trường.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, hiện tại, thách thức lớn nhất với xuất khẩu Việt Nam là việc áp dụng Luật Thuế Giá trị gia tăng trong ngành hàng nông sản chưa có hướng dẫn cụ thể từ cơ quan chức năng.

Điều này khiến các doanh nghiệp xuất khẩu lúng túng trong kê khai, làm chậm lại hoạt động giao dịch và tạm thời làm trầm lắng thị trường trong nước. Khi chính sách thuế được làm rõ, nhiều khả năng giá tiêu sẽ hồi phục trở lại nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ thị trường quốc tế.

Cùng đó là vướng mắc tại Thông tư 12/2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Ông Lê Việt Anh, Tổng thư ký VPSA chia sẻ: “Theo quy định mới, mẫu Giấy chứng nhận An toàn thực phẩm do Sở Nông nghiệp và Môi trường địa phương cấp, nhưng phía châu Âu lại không chấp nhận mẫu này và yêu cầu phải là mẫu do Bộ cấp.

Quy định này có hiệu lực từ ngày 1-7 đã khiến hoạt động xuất khẩu của hai doanh nghiệp trong hiệp hội bị đình trệ. Cả hai doanh nghiệp xuất khẩu đi châu Âu với sản lượng bình quân 100 tấn/tháng, trị giá khoảng 2,4 triệu USD. Nếu không được giải quyết kịp thời, thiệt hại sẽ rất lớn”.

Ngoài ra, trong sáu tháng đầu năm, Hiệp hội đã nhận được nhiều thông báo và đề nghị hỗ trợ từ các doanh nghiệp phản ánh tình trạng lừa đảo trong giao dịch quốc tế đang diễn ra rất phức tạp. Nhiều trường hợp doanh nghiệp Việt Nam đã giao hàng nhưng đối tác nhập khẩu không liên hệ, không thanh toán và không phản hồi. Các vụ việc này xảy ra ở nhiều thị trường khác nhau, từ Đức, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ cho đến cả Hoa Kỳ.

"Vì vậy, Hiệp hội đề nghị các doanh nghiệp cần hết sức cẩn trọng, đặc biệt trong khâu soạn thảo và ký kết hợp đồng xuất khẩu để bảo vệ quyền lợi của mình" - ông Việt Anh nhấn mạnh.

Xuất khẩu quế, hồi, gừng đều tăng

6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã xuất khẩu được 63.435 tấn quế, kim ngạch 161 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2024, lượng xuất khẩu tăng 41,4%; giá trị tăng 27,1%.

Với mặt hàng hoa hồi, hết tháng 6, Việt Nam đã xuất khẩu được 8.674 tấn với kim ngạch đạt 33,2 triệu USD. So với cùng kỳ, lượng xuất khẩu tăng 30,7%, kim ngạch tăng 3,8%.

Với mặt hàng ớt, tính đến hết tháng 6, Việt Nam xuất khẩu được 1.389 tấn với 5,2 triệu USD, giảm mạnh hơn 70% so với cùng kỳ.

Với mặt hàng gừng, 6 tháng, Việt Nam đã xuất khẩu được 15.023 tấn, đạt 38,9 triệu USD, giảm 13,1% về số lượng nhưng kim ngạch tăng 18,2%.

AN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/gia-tieu-but-pha-nong-dan-va-doanh-nghiep-phan-khoi-nhung-post862109.html