Giá tiêu dùng 'thích ứng' với trạng thái bình thường mới
Theo khảo sát của các đoàn công tác của Bộ Công thương cho thấy, hoạt động kinh tế-xã hội tại nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt các tỉnh phía Nam đang 'thích ứng' với trạng thái mới; nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá tiêu dùng không có biến động thất thường.
Theo ghi nhận của Tổ Công tác đặc biệt khu vực phía Nam của Bộ Công thương, tại TP. Hồ Chí Minh, tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn tiếp tục ổn định, đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân trong trạng thái bình thường mới. Tính đến ngày nay đã có 124/234 chợ truyền thống chính thức hoạt động tại nhiều quận, huyện, thành phố Thủ Đức.
Giá tiêu dùng “thích ứng” với trạng thái bình thường mới. Ảnh: Hải Anh
Các siêu thị và cửa hàng tiện lợi vẫn duy trì hoạt động với 106/106 siêu thị, số lượng cửa hàng tiện lợi mở lại ngày càng tăng lên, đến nay có 3.018/3101 cửa hàng tiện lợi (tương đương so với ngày 25/10/2021) để phục vụ nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân.
3 chợ đầu mối như Hóc Môn, Thủ Đức, Bình Điền đã dần phục hồi hoạt động, với tổng lượng hàng đưa về cung ứng cho thị trường ước đạt 1.780 tấn/đêm (trong đó cung ứng ra thị trường lẻ là 712 tấn/ngày, cho hệ thống phân phối khoảng 1.068 tấn/ngày).
Tại các tỉnh, thành phía Nam khác: Nhìn chung tình hình thị trường tại các tỉnh không có biến động bất thường, nguồn cung hàng hóa được bảo đảm.
Điển hình như tại Tiền Giang đã có 140/181 chợ truyền thống (tỷ lệ 77%) đang hoạt động, ngoài ra còn có 4/4 siêu thị và chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh, VinMart+ vẫn duy trì hoạt động, đảm bảo cung cấp đầy đủ các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân với giá cả ổn định. Một số nhà phân phối sử dụng kênh phân phối trực tuyến, người mua sử dụng hình thức mua sắm và thanh toán trực tuyến, hàng hóa nhận tại nhà đã tạo ra xu hướng phân phối hàng hóa kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến.
Tại tỉnh Cà Mau tình hình cung ứng hàng hóa, thực phẩm tươi sống rau, củ, quả, trứng, thịt, cá,... các loại thực phẩm thiết yếu khác tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích và chợ truyền thống tương đối đầy đủ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa.
Cũng theo Bộ Công thương, trong bối cảnh cả nước thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Bộ Công thương và Tài chính, Nông nghiệp... tiếp tục triển khai các giải pháp điều hành linh hoạt, hiệu quả về giá đối với các mặt hàng thiết yếu đảm bảo cung-cầu tiêu dùng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân trong những tháng cuối năm 2021.
Trên thực tế, thời gian qua, Bộ Công thương đã đóng góp nhiều giải pháp, sáng kiến được vận dụng trong thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa duy trì ổn định chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo đời sống dân sinh.
Khi nền kinh tế bước sang giai đoạn mới – phục hồi kinh tế, Bộ Công thương đang gấp rút thực hiện từng bước mở lại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, các cơ sở, hộ kinh doanh trên cơ sở đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch nhằm tạo môi trường cho kinh doanh.
Đồng thời, chỉ đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số làm việc chặt chẽ với các sàn thương mại điện tử, các đối tác vận hành để tiếp tục tổ chức các chương trình thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa Việt nói chung và nông sản nói riêng, góp phần giúp doanh nghiệp và người dân bước vào giai đoạn bình thường mới.
Cùng với đó, ngành Công thương cũng ưu tiên cho việc triển kế hoạch thực hiện chương trình “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia”, đặc biệt là chương trình bình ổn thị trường năm 2021 dịp tết dương lịch, tết nguyên đán 2022 đang đến gần.
Để hỗ trợ các ngành hàng vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi kinh tế trong trạng thái bình thường mới, Bộ Công thương cũng đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành nhiều hoạt động xúc tiến thương mại tại nước ngoài trong thời gian vừa qua là Tuần hàng Việt Nam tại Hà Lan, “Tọa đàm chuyên đề trực tuyến về xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường Liên minh châu Âu”. Đáng chú ý, có những mặt hàng hoa quả, thủy sản lần đầu tiên đến với những thị trường hàng đầu thế giới, bán với giá rất cao.