Giá tiêu hôm nay 19/2/2023: Nối dài chuỗi tăng, Gia Lai nỗ lực lấy lại 'thời hoàng kim' của hồ tiêu
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước tiếp tục tăng nhẹ ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 62.500 – 66.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước tiếp tục tăng nhẹ ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 62.500 – 66.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 62.500 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai (63.500 đồng/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (64.000 đồng/kg); Bình Phước (65.000 đồng/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 66.000 đồng/kg.
Như vậy, thị trường hồ tiêu trong nước đã ghi nhận 5 phiên liên tiếp tăng giá trong tuần này.
Theo kinhtenongthon.vn, thời kỳ hoàng kim, cây hồ tiêu mang lại kim ngạch xuất khẩu cho Gia Lai khoảng 150 triệu USD/năm, nhưng hiện con số này đã giảm một nửa. Để lấy lại vị thế cây hồ tiêu, các ngành, địa phương trong tỉnh đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Theo ông Nguyễn Tấn Công, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang, HTX liên kết sản xuất hồ tiêu theo các tiêu chuẩn hữu cơ khoảng 70ha với hơn 50 hộ tham gia. Nhờ đó, HTX đã xây dựng thành công thương hiệu tiêu Lệ Chí và được Tổ chức quốc tế Control Union cấp chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ, châu Âu. Bên cạnh cung cấp cho đơn vị trung gian khoảng 100 tấn hồ tiêu đen/năm để xuất khẩu.
HTX còn chế biến các sản phẩm như: tiêu sọ, tiêu đỏ, tiêu muối một nắng, tiêu xanh, tiêu bột, tiêu ngâm muối... để đáp ứng nhu cầu trong nước và bắt đầu xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc).
Tại “thủ phủ hồ tiêu” Chư Sê, Công ty TNHH MTV An Thắng Gia Lai (xã Ia Blang) cũng đã xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định với hơn 100ha hồ tiêu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn 2.000 đồng/kg so với hạt tiêu thường, Công ty còn hướng dẫn quy trình kỹ thuật canh tác hồ tiêu bền vững, cung cấp phân bón hữu cơ chất lượng cao cho người dân sản xuất.
Theo dự báo của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, giá hồ tiêu sẽ giữ ổn định ở mức cao trong vài năm tới, đồng thời nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu trên thế giới từ nay đến năm 2030 sẽ tăng khoảng 3%/năm.
Tuy nhiên, bên cạnh thời cơ thì ngành hồ tiêu Việt Nam nói chung và Gia Lai nói riêng cũng sẽ đối mặt với không ít thách thức khi sản xuất phải đảm bảo theo các tiêu chuẩn ngày càng cao của các nước nhập khẩu. Vì vậy, các cấp, các ngành cần có những giải pháp hỗ trợ, định hướng người dân sản xuất theo hướng bền vững nếu không muốn đứng ngoài cuộc chơi.
Ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê, cho biết: Thời gian tới, Phòng sẽ phối hợp với Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê tập trung hướng dẫn người dân kỹ thuật canh tác hồ tiêu theo hướng hữu cơ bền vững; thành lập các tổ kỹ thuật trực tiếp tư vấn cách chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh ngay tại vườn cây.
Đồng thời, lựa chọn những nguồn giống tốt, phù hợp đã được kiểm định để khuyến khích người dân trồng nhằm tránh những rủi ro trong quá trình canh tác. Tổ chức xây dựng, hoàn thiện các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân thông qua HTX trong sản xuất, chế biến hồ tiêu an toàn, đảm bảo yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường xuất khẩu.
Đặc biệt, huyện sẽ tập trung xây dựng thương hiệu, tiến hành dán tem, nhãn chỉ dẫn địa lý Hồ tiêu Chư Sê cho sản phẩm hàng hóa để nâng cao giá trị, bảo vệ và độc quyền thương hiệu trên toàn thế giới.
Gia Lai hiện có 10.040ha hồ tiêu, sản lượng bình quân khoảng 35.700 tấn/năm. Trong đó, 805,7ha hồ tiêu được sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic, Rainforest Alliance, đã có giấy chứng nhận. Diện tích còn lại, người dân đang thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt (GAP).