Giá tiêu tăng nhưng nông dân chưa bán

Ghi nhận tại các đại lý thu mua tiêu trên địa bàn tỉnh Bình Phước ngày 9/5 cho thấy, giá tiêu ngày 9/5 được thu mua với mức trung bình 74.500 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với trước đó chỉ một ngày.

Chị Nguyễn Thị Bích, chủ đại lý thu mua tiêu hơn 15 năm qua ở phường Long Phước, thị xã Phước Long cho biết, mặc dù giá tiêu tăng liên tục những ngày gần đây, có ngày tăng hơn 1.000 đồng/kg, nhưng lượng tiêu thu mua được ít. Chỉ những hộ cần tiền gấp mới bán còn vẫn trữ lại để chờ giá tăng cao hơn. Mức giá hiện nay vẫn thấp hơn 10-15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nông dân huyện biên giới Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước phơi tiêu sau khi thu hoạch.

Nông dân huyện biên giới Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước phơi tiêu sau khi thu hoạch.

Ông Trần Văn Tuân ở ấp Tân Hòa, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp có 6ha tiêu năm nay đạt hơn 20 tấn tiêu khô. Giá tiêu đã có chiều hướng tăng nên ai cũng vui mừng. Tuy nhiên ông tiếp tục trữ lại để chờ tăng giá hơn nữa. Một số nhà vườn nhận định, năm nay sản lượng giảm mạnh do diện tích thu hẹp, lại mất mùa, giá tiêu có thể còn tăng nữa nên trữ hàng chờ tăng giá.

Ông Bùi Quốc Hai - Giám đốc Hợp tác xã tiêu bền vững Hưng Phước, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp cho biết, với giá như hiện nay, nhiều thành viên trong hợp tác xã chưa bán vì tính các khoản chi phí thì lãi không cao, thậm chí mới đủ vốn, chờ đến khi giá hợp lý người trồng tiêu có lợi nhuận mới bán. Do thời tiết bất thường, diện tích hồ tiêu giảm, năng suất từ 20-30% so với năm ngoái.

Bình Phước hiện có hơn 16.000ha tiêu, vượt quy hoạch hơn 2.000ha. Diện tích tiêu của tỉnh những năm qua giảm mạnh do giá luôn bấp bênh. Nhiều nhà vườn không cầm cự được phải chuyển sang trồng cây ăn trái. Phần còn lại thiếu đầu tư dẫn đến suy yếu kéo theo dịch bệnh, năng suất, sản lượng giảm.

Để khắc phục điệp khúc “được mùa mất giá”, ngành nông nghiệp tỉnh đã thực hiện chủ trương quy hoạch, sản xuất tiêu theo hướng sinh học, hữu cơ bền vững đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nên đã giảm áp lực về giá, thị trường. Với việc trữ tiêu, một số hộ dân ở tỉnh Bình Phước hiện kỳ vọng tiêu tăng giá hơn nữa. Tuy nhiên tình trạng này cũng dễ dẫn đến hệ lụy làm mất cân bằng cung, cầu trên thị trường.

Trong vòng nửa tháng qua, thị trường trong nước đã có 2 đợt tăng giá, đợt 1 từ 25 - 28/4, đợt 2 từ 4 - 9/5. Khoảng cách tăng của đợt 1 trước kỳ nghỉ lễ khoảng 3.000 đồng/kg, đợt 2 cao nhất 5.000 đồng/kg. Các chuyên gia nhận định, lo ngại nguồn cung suy giảm, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu là nguyên nhân chính của các đợt tăng giá vừa qua.

Trong đó yếu tố tác động trực tiếp là đợt nắng nóng kéo dài tại các tỉnh trồng tiêu trọng điểm ở Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là liệu có đợt tăng thứ 3 liên tiếp của thị trường trong nước, đưa mức giá cán mốc 80.000 đồng/kg? Hiện thị trường rất khó để đoán định.

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Lampung (Indonesia) chốt tại 3.575 USD/tấn, tăng 1,93%; giá tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 2.950 USD/tấn; giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA giữ mức 4.900 USD/tấn. Giá tiêu trắng Muntok 6.061 USD/tấn, giảm 0,25%; giá tiêu trắng Malaysia ASTA vẫn ở 7.300 USD/tấn. Giá tiêu đen Việt Nam giao dịch ở 3.500 USD/tấn với loại 500 g/l, loại 550g/l mức 3.600 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 5.000 USD/tấn. Trong phiên vừa qua IPC đã điều chỉnh trái chiều giá tiêu tại Indonesia.

Đức Trí

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/gia-tieu-tang-nhung-nong-dan-chua-ban-i692912/