Gia tốc kỳ lạ của sao chổi 'Oumuamua' khi ghé thăm hệ mặt trời
Sao chổi 'Oumuamua', được phát hiện vào năm 2017, là vật thể ngoài hành tinh đầu tiên được ghi nhận ghé thăm hệ mặt trời của chúng ta. Sao chổi này được đặt tên theo ngôn ngữ Hawaii bản địa có nghĩa là sứ giả đến từ một khoảng cách rất xa, 'Oumuamua' lần đầu tiên được phát hiện bởi kính viễn vọng Pan-STARRS1 của Đại học Hawaii.
Những sự kiện xoay quanh sao chổi này luôn thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu, trong đó bao gồm cả sự gia tốc kỳ lạ của nó khi di chuyển ra khỏi mặt trời. Nhiều giả thuyết đã được đưa ra nhằm lý giải hành vi kỳ lạ này, tuy nhiên theo một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học tin rằng 'Oumuamua tăng tốc là do sự giải phóng khí hydro khi sao chổi nóng lên dưới nhiệt độ từ mặt trời tỏa ra.
Khác với các loại sao chổi thông thường khác trong không gian, 'Oumuamua thiếu mất chiếc đuôi đặc trưng hình thành từ khí và bụi. Trước đây nó được mô tả là có hình dạng giống một điếu xì gà nhưng tới bây giờ, nó lại được mô tả giống như một chiếc bánh kếp bằng đá. Kích cỡ của sao chổi đã nhỏ đi so với ước tính ban đầu, kích thước hiện tại của 'Oumuamua rơi vào khoảng 375 foot (115m) x 365 foot (111m), với độ dày khoảng 60 foot (19m).
Nghiên cứu chỉ ra rằng giống như nhiều sao chổi khác, 'Oumuamua cũng được hình thành từ một vật thể nhỏ đang trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển thành một hành tinh, về cơ bản là một tảng đá không gian lớn và băng giá. Sau khi bị đẩy ra khỏi hệ mặt trời ban đầu của mình, tính chất hóa học của sao chổi đã thay đổi khi nó bị ảnh hưởng bởi bức xạ năng lượng cao khi đi qua không gian giữa các vì sao. Điều này đã chuyển đổi một lượng băng nước của sao chổi thành khí hydro bị giữ lại trong phần băng còn lại.
'Oumuamua sau đó nóng dần lên khi nó đi vào bên trong hệ mặt trời của chúng ta, khiến cấu trúc băng của sao chổi tan chảy lại và từ đó giải phóng phần khí khí hydro bị giữ lại, tạo ra một cú hích nhỏ cho ‘Oumuamua khi nó dần tiến ra xa khỏi mặt trời. Quá trình giải phóng hydro này được gọi là quá trình thoát khí, không tạo ra chiếc đuôi có thể nhìn thấy được của sao chổi thông thường.
“Chúng tôi không biết nơi xuất phát của nó nhưng có lẽ nó đã di chuyển qua không gian giữa các vì sao trong vòng chưa đầy 100 triệu năm. Nó có màu đỏ phù hợp với màu của nhiều vật thể nhỏ trong hệ mặt trời. Nó hiện đang đi qua Sao Hải Vương trên hành trình tách ra khỏi hệ mặt trời” - Jenny Bergner, nhà nghiên cứu hóa học thiên thể của đại học California, tác giả chính của nghiên cứu được công bố trong tuần này trên tạp chí Nature nói.
Một vật thể giữa ngoài hành tinh thứ 2 được phát hiện khi ghé thăm hệ mặt trời của chúng ta sau ‘Oumuamua vào năm 2019 là sao chổi 2I/Borisov. Vật thể này có hình dạng và hành vi giống một sao chổi điển hình hơn.
Những vật thể ngoài hành tinh này có thể sẽ ngày càng phổ biến hơn khi các nhà nghiên cứu cho biết mỗi năm có thể phát hiện một đến hai vật thể giữa các vì sao trong hệ mặt trời của chúng ta sau khi đài quan sát thiên văn mới hiện đang được xây dựng ở Chile bắt đầu hoạt động theo như kế hoạch vào năm tới.