Giá trần vé máy bay nội địa có thể tăng lên đến 4 triệu đồng
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến sửa đổi một số điều của Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Trong đó, mức giá cao nhất được đề xuất lên đến 4 triệu đồng.
Theo dự thảo thông tư mới, với đường bay dưới 500 km, giá dịch vụ vận chuyển được giữ nguyên theo Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT. Cụ thể, nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội vẫn có mức giá tối đa là 1,6 triệu đồng/vé một chiều. Nhóm đường bay khác dưới 500 km có mức giá tối đa là 1,7 triệu đồng/vé một chiều.
Với các đường bay từ 500 km đến dưới 850 km, mức giá tối đa được đề xuất là 2,25 triệu đồng/vé một chiều. Trong khi theo quy định hiện hành, con số này là 2,2 triệu đồng/vé.
Đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km, mức giá tối đa đề xuất là 2,89 triệu đồng/vé, cao hơn 100.000 đồng so với quy định hiện hành.
Ở khoảng cách đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km, dự thảo mới đề xuất mức giá tối đa là 3,4 triệu đồng, cao hơn 200.000 đồng so với quy định hiện hành.
Cuối cùng, mức giá 4 triệu đồng được đề xuất cho khoảng cách đường bay từ 1.280 km trở lên. Con số này cao hơn quy định hiện hành 250.000 đồng.
Các mức giá trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và các khoản phí soi chiếu an ninh, phí dịch vụ mặt đất được hãng bay thu hộ.
Theo Bộ GTVT, hiện trần giá vé máy bay vẫn được giữ ổn định từ năm 2019. Nhưng theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, chi phí nhiên liệu tháng 12/2022 của các hãng hàng không tăng gần 62,4% so với tháng 12/2014 và tăng xấp xỉ 81% so với tháng 9/2015. Chỉ số này tác động làm tổng chi phí tăng gần 28% so với tháng 12/2014 và 33,5% so với tháng 9/2015.
Trên cơ sở tác động các chi phí nhiên liệu, tỷ giá và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT dự kiến điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không với mức tăng trung bình 3,75% so với khung giá hiện hành.