Giá trâu, bò giảm, người chăn nuôi gặp khó
Từ cuối năm 2021 đến nay, việc tiêu thụ trâu, bò của người dân tỉnh Bắc Kạn gặp nhiều khó khăn, giá bán giảm mạnh so với trước.
Anh Nguyễn Trọng Thắng ở tổ 14, phường Nguyễn Thị Minh Khai (TP. Bắc Kạn) đã phải chuyển từ nuôi trâu sang nuôi bò để đảm bảo đầu ra ổn định.
Theo báo cáo của Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn, hiện nay toàn tỉnh có hơn 40.000 con trâu, hơn 18.000 con bò và 3.217 con ngựa). Những năm trước đây, chăn nuôi trâu, bò phát triển ổn định, là nghề đem lại thu nhập cao cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh.
Ông Đỗ Xuân Việt- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: "Từ cuối năm 2021 đến nay, giá trâu, bò hơi và thịt đều giảm mạnh, nguyên nhân chính là không xuất bán được, nên chỉ tiêu thụ ở thị trường trong nước. Chúng tôi đã khuyến cáo và tư vấn cho các HTX và hộ chăn nuôi trâu, bò, cần liên kết tiêu thụ trong nước, cố gắng hạn chế chăn nuôi phụ thuộc vào thị trường tự do".
Hiện nay giá trâu, bò đang giảm từ hơn 100.000 đồng/kg thịt hơi, xuống còn khoảng 70.000 - 75.000 đồng/kg. Với mức giá như vậy, nếu người chăn nuôi vỗ béo mua vào lúc giá cao rất dễ lỗ. Chưa bán được nhưng vẫn phải tiếp tục chi phí mua thức ăn và nhân công để duy trì đàn, người chăn nuôi trâu, bò vỗ béo không có lãi. Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện nay, việc tiêu thụ trâu, bò gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều hộ dân trong tỉnh muốn bán trâu, bò nhưng vẫn chưa bán được.
Đồng chí Lương Thanh Lộc- Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Na Rì cho biết: "Nhiều năm qua việc chăn nuôi gia súc đã giúp nhiều người dân thoát nghèo hiệu quả, nhiều hộ chuyển sang nuôi nhốt vỗ béo. Huyện có đàn trâu, bò khá lớn, một số địa phương có tổng đàn lớn như xã Xuân Dương gần 800 con, xã Dương Sơn hơn 700 con, xã Quang Phong 600 con… từ đầu năm đến nay, việc tiêu thụ trâu, bò tại địa phương gặp khó, ít thương lái về mua".
Anh Hà Văn Nhân, thôn Nà Chót, xã Trần Phú (Na Rì) vẫn miệt mài chăm sóc đàn trâu đợi thương lái tới mua.
Anh Hà Văn Nhân, thôn Nà Chót, xã Trần Phú (Na Rì) chia sẻ: "Gia đình tôi nuôi trâu sinh sản và vỗ béo hơn chục năm nay, thu nhập khá ổn định. Mỗi chu kỳ nuôi vỗ béo khoảng ba tháng, mỗi con lãi khoảng 5-10 triệu đồng. Từ khoảng tháng 8/2021 trở lại đây, giá trâu bắt đầu giảm sâu, từ 110.000 đồng/kg thịt hơi đến nay còn khoảng 70.000 - 75.000 đồng/kg. Giá trâu giảm sâu gây thua lỗ lớn, đã nhiều tháng nay không có thương lái về mua trâu, bà con càng nuôi càng lỗ, nhất là trâu, bò vỗ béo. Nhiều hộ muốn bán trâu, bò để trang trải cũng chưa bán được. Với giá bán thấp và tiêu thụ khó như hiện nay, người chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn xã gặp rất nhiều khó khăn".
Anh Nguyễn Trọng Thắng ở tổ 14, phường Nguyễn Thị Minh Khai (thành phố Bắc Kạn) cho biết, mới đầu tư nuôi trâu, bò vỗ béo được hơn một năm nay với quy mô chuồng trại trên 100 con. Đầu năm 2021 anh nuôi gần 100 con trâu với số vốn gần chục tỷ đồng. Sau hơn ba tháng trâu được bán cũng đúng vào thời điểm giá giảm mạnh, nhưng anh xác định lỗ cũng phải bán vì trâu tiêu thụ trong nước chậm hơn bò. Rút kinh nghiệm từ đàn trâu vỗ béo, hiện nay anh Thắng đang nuôi vỗ béo gần 100 con bò. Lần này anh chọn giải pháp liên kết, đầu ra được ký bao tiêu và có khung giá. Hiện nay đàn bò của anh bắt đầu cho xuất bán, bình quân thu lãi 10.000 đồng/kg bò hơi sau ba tháng vỗ béo.
Từ thực trạng nói trên, thiết nghĩ người chăn nuôi của tỉnh cần làm tốt bài toán liên kết bao tiêu sản phẩm. Chỉ có như vậy mới đảm bảo ổn định về đầu ra và thu nhập, tránh tình trạng thua lỗ hoặc không bán được gia súc./.