Giá trị của bài học tự bảo vệ trong Cách mạng Tháng Mười đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở Việt Nam hiện nay
Cách đây 106 năm, dưới sự lãnh đạo của V.I.Lênin và Đảng Bônsêvích, cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa của giai cấp công nhân, nông dân và binh sĩ Nga đã nổ ra và giành thắng lợi. Cuộc cách mạng vô sản vĩ đại này đã để lại cho nhân loại tiến bộ nhiều bài học vô cùng quý giá, có ý nghĩa quốc tế và thời đại sâu sắc. Một trong những bài học quan trọng đó là cách mạng phải biết tự bảo vệ, đến nay vẫn còn nguyên giá trị, mang tính thời sự, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phát triển và bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam hiện nay.
Cách mạng phải biết tự bảo vệ
Kế thừa, phát triển sáng tạo tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen về vũ trang quần chúng, bảo vệ thành quả cách mạng. Đặc biệt từ những tổng kết của C.Mác đã chỉ ra những nguyên nhân thất bại của Công xã Pa-ri, trong đó, có bài học về giành và giữ chính quyền. C.Mác viết: “Một Pa-ri lao động, suy nghĩ, chiến đấu, đổ máu, nhưng rạng rỡ trong niềm hào hứng sáng tạo lịch sử mà hớn hở mải mê xây dựng xã hội mới, hầu như quên mất bọn ăn thịt người đang ngay cửa ngõ của mình!” [1].
Từ kinh nghiệm đó, khi bị 14 nước đế quốc bao vây, câu kết với các thế lực tư sản, phản động trong nước âm mưu can thiệp, gây chiến tranh xâm lược hòng xóa bỏ Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, Đảng Bôn-sê-vích Nga và Nhà nước Xô-viết phải sẵn sàng chuẩn bị mọi mặt để bảo vệ thành quả cách mạng. Với quan điểm: “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự vệ” [2],V.I.Lênin đã chỉ rõ: “Không cầm vũ khí bảo vệ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa thì chúng ta không thể tồn tại được. Giai cấp thống trị không bao giờ nhường chính quyền cho giai cấp bị trị. Nhưng giai cấp bị trị phải chứng minh trên thực tế rằng họ không những có khả năng lật đổ bọn bóc lột, mà còn có khả năng tự tổ chức, huy động hết thảy để tự bảo vệ lấy mình” [3].
Thực tế cho thấy, ngay trong đêm thắng lợi đầu tiên của Cách mạng Tháng Mười, Đại hội Xô viết toàn Nga lần thứ II đã thông qua “Sắc lệnh về hòa bình”, tuyên bố: Nước Nga Xô viết rút khỏi cuộc chiến tranh và đề nghị các nước tham chiến nhanh chóng chấm dứt các hoạt động quân sự, tiến hành đàm phán để đi tới ký kết một hòa ước dân chủ và công bằng. Việc ban hành “Sắc lệnh về hòa bình”, “Sắc lệnh về ruộng đất” và nhiều quyết định quan trọng về xây dựng, bảo vệ chế độ mới, chống chiến tranh, bảo vệ đất nước, những nguyên tắc mới trong quan hệ quốc tế đã tạo điều kiện quan trọng củng cố, ổn định đất nước Nga trong tình thế khó khăn.
Đặc biệt, trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng được V.I.Lênin đặc biệt quan tâm, coi đây là một nhiệm vụ hệ trọng của chính quyền mới. Người chỉ rõ: “Hãy chăm lo đến khả năng quốc phòng của nước ta và của Hồng quân ta như chăm lo đến con ngươi trong mắt mình, và hãy nhớ rằng chúng ta không được phép lơ là một giây phút nào trong việc bảo vệ công nhân và nông dân của ta và bảo vệ những thành quả của họ” [4]. Do vậy, ngày 15-1-1918, Hội đồng Dân ủy do V.I.Lênin đứng đầu đã thông qua Sắc lệnh thành lập Hồng quân và Hải quân công nông - một quân đội chính quy kiểu mới đầu tiên của giai cấp vô sản trên thế giới. Từ một lực lượng lúc mới thành lập khoảng 30 vạn người, Hồng quân đã phát triển lên 1 triệu người với nhiều binh chủng như: Bộ binh, kỵ binh, pháo binh, bộ đội thiết giáp, công binh và không quân. V.I.Lênin đã trực tiếp chủ trì gần 100 cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng để thảo luận và quyết nghị những vấn đề về bảo vệ tổ quốc; Người cũng gửi gần 600 thư và điện cho các đơn vị quân đội để chỉ đạo các tình huống chiến dịch, chiến lược nhằm bảo vệ vững chắc tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Do có sự chủ động chuẩn bị về lực lượng, cho nên trong thời kỳ 1918 - 1920, Hồng quân và nhân dân Liên Xô đã tiến hành cuộc chiến tranh chống thù trong, giặc ngoài và giành những thắng lợi có ý nghĩa quan trọng, không những bảo vệ được thành quả cách mạng và chính quyền Xô viết non trẻ, mà còn tạo điều kiện để cách mạng xã hội chủ nghĩa tiếp tục phát triển.
Thực tiễn lịch sử trên đã chứng minh giá trị to lớn của bài học cách mạng phải biết tự bảo vệ; giành chính quyền đã khó, nhưng giữ chính quyền thực sự còn khó hơn. Sự kiện chủ nghĩa xã hội ở Liên xô và Đông Âu sụp đổ đã để lại một bài học hết sức đau đớn và thấm thía về sự không biết tự bảo vệ, tự làm suy yếu bản thân mình của Đảng Cộng sản trước các đòn tấn công xảo quyệt của các thế lực thù địch. Vì thế, việc nhận thức sâu sắc bài học cách mạng phải biết tự bảo vệ, chăm lo củng cố quốc phòng, gia tăng sức mạnh đất nước, đủ sức đương đầu với mọi thử thách là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với Việt Nam hiện nay.
Giá trị của bài học tự bảo vệ đối với Việt Nam hiện nay
Tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra những khó khăn, thách thức mới trong xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc: “Cục diện thế giới đa cực, đa trung tâm, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn sẽ ngày càng quyết liệt, thậm chí có nguy cơ xung đột, đối đầu, tạo thách thức rất lớn đối với các nước đang phát triển... nhiều điểm nóng về an ninh tiếp tục tồn tại, có nguy cơ lan rộng, làm xuất hiện các hình thái chiến tranh, loại hình tác chiến, không gian chiến lược mới”[5]. Đối với tình hình trong nước, còn tiềm ẩn các yếu tố gây mất ổn định, vấn đề tranh chấp biển, đảo, chủ quyền lãnh thổ, chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng... là những nguy cơ lớn luôn luôn có thể xảy ra. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước sẽ còn câu kết với nhau tăng cường các hoạt động “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang với âm mưu, thủ đoạn chống phá ngày càng tinh vi, công khai và trực diện hơn.
Từ bối cảnh tình hình đó, đòi hỏi Đảng ta phải ban hành và tổ chức thực hiện thật tốt Nghị quyết mới của Trung ương về nhiệm vụ chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Một trong những nhiệm vụ quan trọng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra đó là: “Kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường đầu tư thích đáng cho việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy; tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống” [6].
Điều này cho thấy, Đảng, Nhà nước ta kế thừa sâu sắc truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc, thấm nhuần bài học cách mạng phải biết tự bảo vệ của Cách mạng Tháng Mười đã chỉ ra. Trong đó, gia tăng hơn nữa sức mạnh, khả năng và trình độ tự bảo vệ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong mọi hoàn cảnh, tình huống.
Trước hết, tập trung xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp quốc phòng, an ninh. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, giáo dục và tuyên truyền, nâng cao ý thức chính trị nói chung và ý thức tự bảo vệ cách mạng nói riêng cho mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Đồng thời, nhận diện, đấu tranh phản bác kịp thời những luận điệu sai trái phủ nhận những giá trị của Cách mạng Tháng Mười đối với nhân loại tiến bộ trên thế giới và Việt Nam.
Thứ hai, phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc. Đó là sức mạnh của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh tổ của Tổ quốc. Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển, nâng cao thế, lực, uy tín của đất nước.
Thứ ba, thường xuyên chăm lo xây dựng đất nước vững mạnh về mọi mặt, tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng, củng cố và phát huy hiệu quả “thế trận lòng dân” trong “nền quốc phòng toàn dân”, “nền an ninh nhân dân”; xây dựng, phát triển nền công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh hiện đại, lưỡng dụng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng và củng cố các tuyến phòng thủ biên giới, biển, đảo; nâng cao năng lực dự báo chiến lược, giữ vững thế chủ động chiến lược, không để bị động, bất ngờ.
Thứ tư, xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Luôn giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang, lấy xây dựng chính trị làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu toàn diện của lực lượng vũ trang, đảm bảo cho Quân đội nhân dân và Công an nhân dân luôn thực sự là lực lượng chính trị - lực lượng chiến đấu trung thành và tin cậy của Đảng, của Nhà nước xã hội chủ nghĩa và của nhân dân. Chủ động chuẩn bị về mọi mặt, sẵn sàng các phương án bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống.
Kỷ niệm 106 năm Cách mạng Tháng Mười Nga là dịp để chúng ta cùng nhìn lại những giá trị to lớn của cuộc cách mạng này đối với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, giai cấp và giải phóng con người trên toàn thế giới; cuộc cách mạng vô sản vĩ đại này đã để lại cho nhân loại tiến bộ nhiều bài học vô cùng quý giá, có ý nghĩa quốc tế và thời đại sâu sắc. Cách mạng phải biết tự bảo vệ là một bài học như thế. Soi chiếu vào quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng ta, bài học đó vẫn vẹn nguyên giá trị, mang tính thời sự, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phát triển và bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam hiện nay.
-----------------------------
[1] C.Mác và Ph.Ăngghen, toàn tập, tập 17, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.464.
[2] V.I.Lênin, toàn tập, tập 37, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr. 145.
[3] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 38, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, tr. 165-166.
[4] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 44, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, tr. 368-369.
[5], [6] Toàn văn phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 8 Khóa XIII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng,
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-phat-bieu-be-mac-hoi-nghi-trung-uong-8-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-11923100816244722.htm .
PHẠM HỒNG HẢI-CHÍ THỊNH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.