Giá trị của lòng trung thành

1. Đêm 20-9 vừa qua, Sadio Mane tỏa sáng rực rỡ khi ghi cả 2 bàn thắng trong thắng lợi của Liverpool trước Chelsea. Tiền đạo người Senegal tiếp tục chứng minh mình là siêu sao hàng đầu Premier League và là nhân tố chủ chốt trong những thành công của 'The Kop'.

Matt Le Tissier – “Người nghệ sĩ nghèo” trong thế giới bóng đá.

Cùng lúc, CLB cũ của Sadio Mane là Southampton thảm bại 2-5 trên sân nhà trước Tottenham.

Một ngôi sao bóng đá nếu muốn bứt phá, đều cần một môi trường phù hợp. Có thể, nếu Sadio Mane tiếp tục gắn bó với Southampton, anh sẽ mãi là một tiền đạo ở dạng tiềm năng.

Nhưng Sadio Mane rời đi, Southampton đương nhiên có sự xáo trộn bởi mất đi tiền đạo mũi nhọn.

Mà đâu chỉ có Mane, 6 năm qua, lần lượt những trụ cột của Southampton bỏ đi theo tiếng gọi của kim tiền. Morgan Schneiderlin và Luke Shaw sang Manchester United; Lovren, Adam Lallana, Rickie Lambert và Sadio Mane đến Liverpool...

Chứng kiến điều đó, Matt Le Tissier đã phải thốt lên: “Lòng trung thành trong bóng đá đã chết rồi”.

“Sự khác biệt lớn nhất giữa cầu thủ ngày nay và thời của tôi đó là mức lương khổng lồ hiện tại. Cầu thủ giờ không thích ở lại một CLB trong thời gian dài. Tôi, Francis Benali hay Jason Dodd và nhiều người khác hầu như cống hiến cả sự nghiệp cho một đội bóng. Còn hiện tại cầu thủ chỉ thích chuyển CLB. Nó cũng góp phần khiến bản sắc đội bóng thui chột dần”.

2. Nếu Matt Le Tissier nói điều đó với tư cách là bình luận viên của Sky Sports thì dễ bị coi là sự chỉ trích, đụng chạm đến lòng tự ái của rất nhiều cầu thủ. Chưa kể, sự thay đổi môi trường thi đấu sẽ mang đến cả vinh quang và tiền bạc, thì đó là sự lựa chọn tích cực, như trường hợp của Mane chẳng hạn.

Nhưng Matt Le Tissier bày tỏ trăn trở với tư cách là một tượng đài sống của Southampton - người được vinh danh trong “Ngôi đền của những huyền thoại bóng đá Anh” tại “Bảo tàng Quốc gia về bóng đá”, không phải bởi thành tích mà bởi chuyên môn song hành cùng lòng trung thành.

Matt Le Tissier có tới 16 năm – gần như toàn bộ sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp khoác áo Southampton (1986-2002). Tuy chỉ gắn bó với một đội bóng trung bình ở Ngoại hạng Anh, song Le Tissier luôn được giới chuyên môn đánh giá cao về trình độ chuyên môn. Ông sở hữu kỹ thuật cá nhân điêu luyện cùng tư duy chơi bóng thông minh, sáng tạo, ngẫu hứng song hết sức hiệu quả.

“Ông ấy đơn giản là 1 tài năng kiệt xuất, có thể đi bóng qua 7 - 8 cầu thủ một cách dễ dàng, với tôi ông ấy là một huyền thoại”. Chỉ riêng nhận xét này của cựu tiền vệ của Barcelona Xavi Hernandez dành cho Matt Le Tissier, đủ nói lên tài năng của ông.

Với 161 bàn thắng sau 443 trận đấu trong màu áo Southampton, Le Tissier thường xuyên là cây làm bàn số 1 và là cầu thủ hay nhất ở Southampton. Nói cách khác, tiền vệ tài hoa này đã “gánh trên vai” cả đội bóng. Southampton không hề rớt hạng trong suốt 16 năm có Le Tissier góp mặt. Ông ghi bàn duy nhất trong trận đấu cuối cùng của mùa giải 1995-1996 trước Bolton, qua đó giúp Southampton trụ hạng nhờ hơn Manchester City về chỉ số phụ. Ông ghi 2 bàn giúp Southampton thủ hòa trên sân West Ham ở vòng đấu cuối cùng của mùa bóng 1993-1994, giúp Southampton hơn đội rớt hạng Sheffield United đúng 1 điểm. Khi Matt Le Tissier đoạt giải “Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất” ở mùa bóng 1989-1990, Southampton đứng thứ 7 ở Ngoại hạng Anh – thành tích tốt nhất của CLB cho đến khi Le Tissier giải nghệ.

Về dấu ấn cá nhân, Le Tissier chính là tiền vệ đầu tiên ghi được 100 bàn thắng ở Ngoại hạng Anh. Tính cả thành tích ghi bàn lẫn kiến tạo, tỷ lệ đem về bàn thắng trên số trận đấu (bình quân 0,6 bàn/trận) của Le Tissier cao hơn rất nhiều tiền đạo đã và đang thi đấu. Anh còn nổi tiếng bởi kỷ lục ghi bàn từ chấm phạt đền khi sút thành công 47/48 lần đá (98%) trong suốt sự nghiệp, tính riêng tại giải Ngoại hạng Anh là 25/26 lần.

Tất nhiên, với một tiền vệ tài hoa như thế, các “ông lớn” ở Ngoại hạng Anh sẽ tìm cách mời chào, chèo kéo Le Tissier, như Tottenham vào năm 1990 hay Chelsea sau đó 6 năm. Nhưng câu trả lời của Le Tissier là không – ông ở lại để chiến đấu vì bản sắc của đội bóng và lòng tự tôn cá nhân.

Không danh hiệu ở cấp CLB và chỉ có 8 lần được gọi vào đội tuyển quốc gia, thế nhưng với lòng trung thành và những cống hiến vô tư, không mệt mỏi, Matt Le Tissier nhận được sự trân trọng, kính nể tuyệt đối của Southampton. Đó là lý do họ gọi ông là Le God - Đức chúa.

Tấm huy chương có thể bạc màu, nhưng giá trị về lòng trung thành của Matt Le Tissier sẽ trở thành biểu tượng trường tồn trong thế giới bóng đá.

Nguyên Phong

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/the-thao-quoc-te/gia-tri-cua-long-trung-thanh/124643.htm