Giá trị của màu cờ sắc áo đội tuyển
Trong danh sách hơn 30 cầu thủ được gọi tập trung cho các giải đấu sắp tới của đội tuyển bóng đá quốc gia mới được huấn luyện viên (HLV) Philippe Troussier công bố, có một gương mặt thuộc diện 'mới toanh' là thủ môn Nguyễn Filip. Chuyện của Nguyễn Filip đã gợi lại vấn đề cầu thủ nhập tịch thi đấu trong màu cờ sắc áo đội tuyển.
Theo xu thế mở cửa chung của làng “túc cầu” khu vực và thế giới (ngay cả một số đội bóng xưa nay vốn có ý thức rất cao về nguồn gốc tộc người như Italia, Đức cũng mở rộng vòng tay với các cầu thủ da màu như Mario Balotelli hay Jerome Agyenim Boateng...), chủ trương “dùng 100% hàng nội” này dần được nới lỏng. Dưới triều đại HLV H.Calisto, các cầu thủ nhập tịch là Huỳnh Kesley (gốc Brazil), Đinh Hoàng La (gốc Ukraina), Đinh Hoàng Max (gốc Nigeria) đã cùng được triệu tập vào đội tuyển bóng đá quốc gia. Một cột mốc rất đáng nhớ!.
Phát biểu trong ngày khoác trên mình màu áo đội tuyển Việt Nam, thủ môn Đinh Hoàng La không giấu được sự tự hào, rằng đó là mơ ước lớn nhất của đời một cầu thủ nhập tịch.
Ấy thế nhưng “Niềm vui ngắn chẳng tày gang”. Cả Đinh Hoàng La, Đinh Hoàng Max, Huỳnh Kesley đều chỉ khoác áo đội tuyển trong một thời gian ngắn rồi không bao giờ được gọi lại. Do phong độ họ sa sút hay do quan điểm “dùng người”? Có lẽ là nguyên nhân thứ hai bởi dẫu sao thì “trâu yếu” vẫn hơn “bò khỏe”. Một điều tế nhị khác nữa là để có tư cách “ngoại binh nhập tịch” của họ, các đội bóng mà Đinh Hoàng La, Đinh Hoàng Max, Huỳnh Kesley đang thi đấu lúc đó đều phải trả cho họ những ngân khoản nhất định - như The Vissai Ninh Bình phải trả cho Đinh Hoàng La tới 50.000 USD... Vì khi họ là “ngoại binh nhập tịch”, được tính như cầu thủ nội, câu lạc bộ (CLB) sẽ có quyền ký hợp đồng với ngoại binh khác (mỗi CLB thường được ký với nhiều nhất 4 cầu thủ ngoại và 3 trong số đó sẽ được ra sân cùng lúc).
Sau chuyện của Đinh Hoàng La, Đinh Hoàng Max, Huỳnh Kesley khá lâu, đội tuyển bóng đá Việt Nam mới lại có sự phục vụ của một “ông Tây An Nam” là Đặng Văn Lâm. Tuy nhiên, Đặng Văn Lâm có sự khác biệt cơ bản với các “ngoại binh nhập tịch” kia bởi nếu cả Đinh Hoàng La, Đinh Hoàng Max, Huỳnh Kesley đều chẳng có một chút “dây mơ rễ má” gì với Việt Nam ngoài việc có thời gian ít nhất 5 năm liên tục thi đấu ở dải đất hình chữ S thì Đặng Văn Lâm có cha là người Việt (ông Đặng Văn Sơn), mẹ người Nga (bà Olga Zhukova). Nói cách khác, dòng máu Việt vẫn chảy trong huyết quản Đặng Văn Lâm. Cách thể hiện tình cảm, sự gắn bó của anh với đội tuyển bóng đá quốc gia cũng tự nhiên và thật hơn - như hình ảnh Đặng Văn Lâm hôn lên lá cờ Tổ quốc trên áo đấu ở trận gặp Malaysia tại AFF Suzuki Cup 2018, sau khi chứng kiến Anh Đức ghi bàn ấn định chiến thắng 2-0. Rõ ràng, chuyện chúng ta nhập tịch, dùng Đặng Văn Lâm là hoàn toàn hợp lý. Bản thân Lâm cũng đóng góp rất nhiều trong thành tích chung của đội tuyển Việt Nam giai đoạn HLV Park Hang - seo dẫn dắt!
Trở lại câu chuyện Nguyễn Filip được gọi khoác áo đội tuyển. Theo chia sẻ của cầu thủ này thì hồ sơ nhập tịch của anh đã phải trải qua chế độ “chờ” tới 9 năm mới được xét duyệt. Cũng như Đặng Văn Lâm, Nguyễn Filip có ít nhất 50% dòng máu người Việt. Anh cũng nhắc nhiều đến “Tổ quốc”, “khát vọng cống hiến”, làm được điều gì đó cho đội tuyển quốc gia.
Hy vọng rằng, thời gian 9 năm đợi chờ và khát vọng cống hiến của Nguyễn Filip sẽ sớm được hiện thực hóa trong màu áo đội tuyển. Chúng ta đồng thời có hai thủ môn xuất sắc và cũng như Đặng Văn Lâm, sau khi trải qua một “thống khổ đích lịch trình”, Nguyễn Filip sẽ gặt hái được cái kết có hậu chứ không “hữu thủy vô chung” (có đầu không cuối) như các ngoại binh gốc Phi, gốc Mỹ la tinh...
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/the-thao/gia-tri-cua-mau-co-sac-ao-doi-tuyen/29825.htm